Đừng khóc cho “tôi – Yahoo!”…

0
763

Yahoo! chính là doanh nghiệp internet mà tôi đã có nhiều bài viết nhất trong những năm qua. Chính vì thế sau khi đọc những dòng tin Yahoo! quyết định đóng cửa văn phòng tại Việt Nam và 25 nhân viên sẽ bị sa thải, truy lục lại các bài viết, lại như hiển hiện trong đầu tôi từng sự kiện của Yahoo! tại thị trường Việt Nam trong đó với không ít sự kiện vàng son một thuở…

Từ “cuộc chia li màu tím” đóng cửa Blog 360 đầy thất sách…

Một thuở, những năm 2007-2008, dân văn phòng mỗi khi túm tụm hay có câu hỏi cửa miệng: “Anh/bạn có chơi blog không?” (khái niệm blog khi ấy dường như được mặc định là blog Yahoo!360). Một thuở, người dùng Yahoo!Mail và Yahoo!Messenger chiếm gần như tuyệt đối trong số những người sử dụng hai dịch vụ này tại Việt Nam.

Tôi có hộp thư Yahoo!Mail từ năm 1998 nhưng đến cuối năm 2013 thì “chia tay”. Người dùng các dịch vụ Yahoo! tại Việt Nam đã có không ít cuộc “chia tay” với nhà cung cấp này. Nhưng cuộc “chia tay” điển hình nhất và cũng tiếc nuối, day dứt và bức xúc nhất có lẽ là “cuộc chia li màu tím” (sau này Yahoo! lấy sắc tím làm đặc trưng) khi họ phải rời bỏ “ngôi nhà” Blog 360 để sang những “vùng đất mới”.

Thuở vàng son, Yahoo! đã bất chấp người dùng. Yahoo! tuyên bố ra mắt nền tảng blog mới 360 Plus, cùng với đó là đóng cửa 360 Blog và bắt người dùng phải “di cư”. Người dùng khi ấy có nhiều nơi để đi, nhưng phần lớn họ chuyển sang Yahoo!360 Plus do những lời hứa hẹn cũng như sức hấp dẫn của thương hiệu Yahoo!. Dòng blogger lũ lượt “di cư” trong hơn 1 năm ròng rã từ quí II/2008 đến ngày 13/7/2009. Thế nhưng, “vùng đất hứa” Yahoo!360 Plus lại không hoàn thiện như lời hứa mà còn đầy lỗi khiến cho các blogger không khỏi chán chường… Anh N.B. – một phóng viên từng say sưa với blog Yahoo!360 – trong một cuộc họp báo do chính Yahoo! tổ chức tại TP.HCM sau sự kiện “di cư” gần hai năm vẫn không giấu được sự bực bội và thất vọng khi bày tỏ: “Hồi ấy bị buộc phải chuyển đổi mà chúng tôi không được hỗ trợ gì, nên đã mất hết tất cả”…

Trên thực tế, cho dù Yahoo! không đóng cửa dịch vụ Yahoo!360 Blog thì cũng chưa chắc họ giữ được thị trường và phát triển mạnh mẽ. Xu thế mạng xã hội Facebook manh nha tại Việt Nam từ năm 2008 và dần lan tỏa mạnh mẽ nhờ tính kết nối, tương tác cộng đồng nhanh và rộng đã nhấn chìm blog vào dĩ vãng.

“Ôn cố tri tân” để khẳng định một điều rằng, khi niềm tin người dùng bị phụ thì họ sẽ dần rũ áo ra đi… Hối ấy tôi đã có bài viết về “cuộc chia li màu tím” đăng trên báo Lao Động kèm bức hí họa vẽ cây Yahoo! (chữ Y) với 2 nhánh Blog 360 và 360 Plus. “Cành” Blog 360 còn vững chãi là thế nhưng bị đóng cửa trong khi “cành non” 360 Plus vừa được sinh ra đã gãy phải chắp vá lại bằng dây buộc. Giám đốc marketing sản phẩm Yahoo!Blog thời điểm năm 2012 là Julie Nguyễn Thanh Ngọc đã thổ lộ rằng, cô đã đọc bài viết của tôi và xem bức hí họa đó, và nó thỉnh thoảng được nhóm của cô mang ra bình luận trong các cuộc họp để nhắc nhở như một bài học đau đớn về sự đánh mất chính mình.

…đến việc đóng cửa văn phòng Yahoo! tại Việt Nam

Năm 2009, Yahoo! chính thức bổ nhiệm nhân sự Trưởng văn phòng đại diện tại Việt Nam là ông Vũ Minh Trí và bắt đầu khuếch trương thương hiệu cũng như thúc đẩy cung cấp dịch vụ, đối tác bán quảng cáo. Năm 2010, Yahoo!Việt Nam có giấy phép hoạt động theo pháp nhân doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và ông Trí trở thành Tổng giám đốc. Trong 2 năm này, Yahoo!Việt Nam xuất hiện trong các sự kiện luôn đi kèm với những con số tăng trưởng khả quan được công bố. Thế nhưng có một điều gây khó hiểu là, cả ông Vũ Minh Trí và sau đó là bà Nguyễn Hữu Hạnh (người được cho là kế nhiệm tại Yahoo!Việt Nam sau khi ông Trí bỏ sang làm Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam) chỉ tại vị chẳng được bao lâu thì đều lần lượt dứt áo ra đi.

Rất nhiều người Việt đã sử dụng, gắn bó lâu dài với các dịch vụ tiện ích của Yahoo! như người Việt vẫn chuộng xe máy Honda, tivi Sony hay máy radio cassette Sharp một thời vậy. 15 năm tôi sử dụng Yahoo!Mail trong đó có khoảng 7 năm sử dụng song song với Gmail dự bị, nhưng đến cuối năm 2013 thì không thể còn chịu nổi với sự chậm chạp, các tiện ích kém cỏi và đặc biệt là hay xảy ra trục trặc, sự cố của Yahoo!Mail nữa nên đành phải đẩy xuống vị trí dự bị.

Facebook nhấn chìm Yahoo!Blog và Yahoo!Messenger; Gmail đả bại Yahoo!Mail còn Google Search thì càng tô vẽ trong mắt người dùng một Yahoo!Search tệ hại.

Có một câu chuyện về Yahoo!Mail mà tôi đã viết bài bình luận cách đây mấy năm có thể giải thích phần nào nguyên nhân Yahoo! bị thất sủng. Số là vào tháng 8/2009, Yahoo!Việt Nam thông qua đại diện truyền thông T&A Ogilvy phát đi thông cáo rằng: thông qua công cụ quản trị của tập đoàn Gomez thì “dịch vụ thư điện tử của Yahoo! dẫn đầu thị trường về tốc độ”, “Yahoo!Mail nhanh hơn từ 86%-104% so với các dịch vụ thư điện tử còn lại”. Không biết ở thị trường khác như thế nào chứ tại Việt Nam lúc ấy vị thế “vua” dịch vụ email và messenger của Yahoo! đang lung lay dữ dội vì đã có rất nhiều người chuyển từ Yahoo!Mail sang dùng Gmail. Nhiều người dùng tôi hỏi ý kiến đều cho rằng đó là “kết quả bố láo”. Cú PR đó tất nhiên là đã thất bại cũng như niềm tin của người dùng đối với một số dịch vụ của Yahoo! đã vơi cạn.

Đành rằng việc Yahoo! đóng cửa văn phòng và sa thải nhân viên tại Việt Nam nằm trong chiến lược tái định hướng và tái cơ cấu tập đoàn trên bình diện toàn cầu. Nhưng nếu quan sát có thể dễ nhận ra rằng, trên trang Yahoo!Mail và Yahoo!Messenger hai năm trở lại đây dần thưa vắng các mẫu quảng cáo của doanh nghiệp Việt đến nỗi Yahoo! phải nhận quảng cáo cho cả game cờ bạc trực tuyến? Thời gian qua Yahoo! mở ra nhiều trang tin tức và có vẻ như lấy kênh nội dung làm lối thoát tại thị trường Việt sau khi các dịch vụ tiện ích vốn là trụ cột tại thị trường Việt Nam đã bị hổng chân.

Yahoo! từng là tình yêu ban đầu một cách nguyên vẹn của rất nhiều người Việt sớm sủa làm quen với các dịch vụ tiện ích trực tuyến quốc tế. Nhưng tình yêu ấy bây giờ đã không cưỡng lại được trào lưu và xu thế dù chính Yahoo! cũng đã không ngừng cải tiến các dịch vụ của mình. Facebook nhấn chìm Yahoo!Blog và Yahoo!Messenger; Gmail đả bại Yahoo!Mail còn Google Search thì càng tô vẽ trong mắt người dùng một Yahoo!Search tệ hại… Yahoo! đã khiến không ít blogger Việt đau xót trên các trang mạng và bây giờ tới lượt chính những nhân viên Yahoo! Việt Nam phải cám cảnh cho thân phận làm thuê của họ chưa biết đi về đâu…

Nhưng xin đừng khóc thương hay tiếc nuối cho Yahoo! Bởi nếu có ai phải rơi nước mắt ăn năn thì phải là Roy Bostock (chủ tịch Yahoo!), Jerry Yang (nguyên CEO và cũng là đồng sáng lập Yahoo!) – những người đã khước từ thương vụ sáp nhập Yahoo! vào Microsoft với mức giá hời lên đến 44,6 tỉ USD. Bởi từ sau sự “làm cao” khước từ đó, cỗ xe Yahoo! đã chòng chành mất lái và tuột dốc không phanh.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here