Nhiều câu hỏi đã từng đặt ra liệu số phận của Apple sẽ đi theo vết xe đổ của Blackberry hay sẽ tiếp tục giữ ngai của làng công nghệ?
Trong quá khứ, khi Apple vừa chập chững bước đi với chiếc iPhone đầu tiên, Blackberry của RIM đang ngồi chễm chệ trên ngai vàng. Những gì mà một chiếc smartphone lúc bấy giờ cần là email và cuộc gọi. Khi iPhone ra mắt, nó đã thay đổi suy nghĩ của người dùng về smartphone. iPhone đánh bại Blackberry khi họ đã không chịu thay đổi.
Mọi chuyện đang lặp lại với Apple. Táo khuyết từng dẫn đầu xu hướng công nghệ, đặt biệt là trí thông minh nhân tạo (AI) khi ra mắt iPhone 4S. Sự trầm trồ thán phục mà thế giới từng trao cho Apple giờ bị thay thế bằng những lời phàn nàn khi Siri bị vượt mặt bởi Google Assistant, Cortana,…
Chưa hết, đối thủ của Apple liên tục xây thêm các trung tâm dữ liệu, các phần mềm mã nguồn mở, các chương trình nhận diện người dùng. Google, Microsoft dù bắt đầu sau Apple nhưng đang dần tăng tốc chiếm ưu thế trong cuộc chiến trí tuệ nhân tạo. Những công nghệ trợ lí ảo thông minh đều sử dụng dữ liệu từ điện toán đám mây khiến chung linh hoạt ở mọi nơi và cực kì hữu ích.
Siri của Apple từng được kì vọng sẽ có bước đột phá mới vào kì WWDC vừa qua, nhưng mọi thứ không như vậy. Nền tảng của Siri vẫn chưa có mặt trên đám mây, nó vẫn là tính năng trên một thiết bị.
Tim Cook giải thích rằng điều này sẽ giúp tăng tính bảo mật cá nhân hơn. Tuy nhiên, Siri thiếu sót về độ cơ động linh hoạt cũng như khả năng mở rộng kết nối sang các thiết bị khác. Không kết hợp được với đám mây, Siri không hơn gì là những câu trả lời được viết sẵn trong cuốn sách.
Lấy ví dụ, người dùng thường trải nghiệm Siri qua iPhone hơn là các thiết bị khác như Apple Watch, Apple TV hay máy tính Mac dù chung thương hiệu Apple. Chúng không thực sự kết nối với nhau. Việc hoạt động chỉ dựa trên thiết bị như iPhone và không có kết nối cơ sở dữ liệu đám mây như các trợ lí ảo khác đã khiến Siri mất lợi thế nghiêm trọng.
Siri không thể trả lời các câu hỏi phức tạp, liên quan tới bối cảnh, vị trí hoặc những vấn đề chung mà người dùng quan tâm. Bù lại cho nhược điểm đó, nó được trang bị tính năng trả lời “hài hước” cho những câu hỏi khó. Thế nhưng đây thực sự không phải chiến lược lâu dài hay tính năng cần thiết thực sự mà người dùng cần ở trợ lí ảo.
Đây cũng là vấn đề nghiêm trọng mà Apple đang gặp phải. Thế giới ngày càng phát triển, người dùng mong đợi được trải nghiệm một sản phẩm không chỉ có vẻ ngoài tinh tế, vừa ý mà còn phải mang lại khả năng trợ giúp thông minh người dùng khi cần thiết. Đó là mục tiêu mà những nhà phát triển AI đang hướng đến.
Trợ lí ảo Assistant của Google là một ví dụ điển hình, nó có thể đọc lướt qua các dịch vụ Google của người dùng, sắp xếp và lên lịch cho các cuộc hẹn, theo dõi các chuyến bay, đặt phòng khách sạn, theo dõi tin tức thể thao, thị trường. Những thông tin của người dùng còn được Assistant tổng hợp lại và chỉ có thể truy cập bởi họ, và còn có thể truy cập bằng nhiều thiết bị khác nhau trên cùng nền tảng.
Google còn đang phát triển thêm dự án Google Home và Android Auto, cả 2 đều giúp người dùng giao tiếp, điều khiển các thiết bị trong cuộc sống hoặc trên phương tiện. Thế giới đang bước vào kỉ nguyên mà người dùng có thể ra lệnh cho máy tính và chúng có thể hoàn thành nhiệm vụ.
Apple đã từng là gã khổng lồ công nghệ khi đi trước thời đại với những iPod, iPhone, MacBook,..Thế nhưng, táo khuyết đang dần bị Google vượt mặt chỉ bằng công nghệ AI và nhận diện giọng nói. Kể cả thứ hạng của Facebook trong cuộc đua này cũng hơn cả Apple.
Táo khuyết cần tận dụng tất cả nguồn lực, tài nguyên để đưa ra những sáng kiến mới, lấy lại đà trong cuộc đua AI. Trong tương lai Apple cần tránh sai lầm như Blackberry đã từng và bước tiếp theo các xu hướng thời đại để không bị bỏ lại phía sau.