Cách đây vài ba tuần, nhiều người giật mình khi đọc tin chiếc chổi đót của Việt Nam được rao bán với giá 20 đô la Mỹ trên Amazon, cao gấp 10 lần giá thường thấy ở các chợ. Trước đó nữa là tin lá chuối tươi có giá nửa triệu một lá cũng trên Amazon.
Và các bản tin này không quên rảo một vòng trên ngôi chợ trực tuyến lớn nhất toàn cầu này để báo giá một số đặc sản của Việt Nam, toàn là cao gấp 6-10 lần giá ở trong nước, như phin cà phê (10 đô la), cao Sao Vàng (8,5 đô la)…
Thấy mức lãi tiềm năng kinh khủng như vậy, thử hỏi không ai không nảy ý định mở cửa hàng trên Amazon để làm giàu và đến cuối tuần trước khi diễn ra một sự kiện về thương mại điện tử Việt Nam với sự tham gia của chính Amazon, thử hỏi ai lại không quan tâm. Tin trước, tin sau có sự trùng hợp ngẫu nhiên hay không thì ai mà biết được.
Trước sự kiện này, nhiều người nhầm tưởng Amazon vào Việt Nam có nghĩa dân Việt Nam nay có thể lên trang web của hãng bán lẻ trực tuyến nổi tiếng này, mua hàng và ung dung ngồi chờ hàng về tận nhà. Thật ra, lần này Amazon vào để hướng dẫn cho các nhà sản xuất, những nhà bán lẻ Việt Nam cách mở cửa hàng trực tuyến trên Amazon, kiểu như để bán đặc sản chổi đót, phin cà phê, cao Sao Vàng hay hàng chục ngàn mặt hàng độc đáo khác của Việt Nam cho thị trường thế giới, nhất là cho thị trường vài triệu Việt kiều khắp nơi. Mặc dù Amazon là anh chàng bán lẻ khổng lồ nhưng một nửa hàng hóa bán ra (chừng 132 tỉ đô la Mỹ mỗi năm) là do các nhà bán lẻ thứ ba thực hiện, họ chỉ sử dụng cơ sở hạ tầng của Amazon như ngôi chợ đầu mối; còn Amazon thu phí cho thuê sạp.
Giả thử chúng ta tìm kiếm cà phê Việt sẽ thấy có sản phẩm cà phê Trung Nguyên nhưng do Kah-Mart bán và thực hiện bởi Amazon; hoặc nước mắm Phú Quốc do một nơi nào lạ hoắc bán. Nếu các nhãn hàng quen thuộc của Việt Nam đều được chính chủ bán trên Amazon, cái lợi về doanh số rất lớn đã đành mà cái lợi quảng bá thương hiệu cũng lớn không kém.
Hiện nay tài liệu hướng dẫn làm thế nào để bán hàng trên Amazon có khắp nơi trên mạng, chỉ cần chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, chuyện mở cửa hàng trên Amazon là không khó. Vấn đề là những rủi ro cần lưu ý và chuyện ứng xử của Nhà nước trước xu hướng này.
Có lẽ đầu tiên Nhà nước không nên nghĩ tới chuyện tìm cách thu thuế hay quản lý hình thức bán hàng này ngay. Càng có nhiều người lên Amazon bán hàng, Việt Nam xem như càng tăng kim ngạch xuất khẩu. Các nhà sản xuất lớn trước đây phải dựa vào trung gian để thâm nhập thị trường các nước thì nay đã có kênh bán hàng trực tiếp. Những nhà sản xuất nhỏ lẻ, trước nay không trông mong gì việc đưa hàng của mình ra thế giới thì nay có thể đặt kỳ vọng cao hơn với chi phí thấp hơn. Việc vận chuyển có thể giao cho Amazon nhờ vào phương thức FBA (fulfilled by Amazon), tức hàng giao cho Amazon trước, khi có ai mua, Amazon sẽ xuất bán theo kênh phân phối của họ, thu tiền xong, Amazon trừ chi phí rồi trả tiền cho bên bán sau. Thật ra khi cộng đồng bán hàng của Việt Nam trên Amazon lớn đến một mức nào đó thì thị trường trong nước cũng là kênh hấp dẫn vì Amazon lúc đó cũng là một chợ đầu mối như Lazada hay Adayroi…
Chính viễn cảnh sau làm nỗi lo thất thu thuế đối với hàng mua bán qua Amazon ắt sẽ ngày càng lớn. E rằng lúc đó cũng sẽ lại những tranh cãi kiểu như Amazon chỉ quản lý chợ, không bán hàng nên không có nghĩa vụ nộp thuế, rồi Amazon xuất hàng từ kho của mình nên phải chịu trách nhiệm nộp thuế… Chuyện thuế của Amazon cũng là đề tài nóng hổi ở nhiều nước, chẳng hạn ở Mỹ, Amazon chỉ chịu nộp thuế cho hàng do chính họ bán còn hàng do bên thứ ba thì họ bảo các tiểu bang cứ đi đòi ở bên bán. Tổng thống Donald Trump gọi Amazon là “độc quyền không đóng thuế”, cũng vì ông chủ Amazon, Jeff Bezos cũng là chủ tờ Washington Post thường chỉ trích Trump mạnh mẽ.
Chuyện đánh thuế các ông lớn như Amazon, Facebook, Google, Apple đã được 110 nước đồng thuận cùng nhau tìm phương thức tốt nhất, chắc là sẽ xong trước năm 2020 với một sắc thuế mới, tạm gọi là “digital tax”. Trong khi chờ đến đó cứ tạo điều kiện nuôi dưỡng môi trường cho người trong nước bán hàng ra thế giới thông qua Amazon, sẽ có lợi gấp trăm lần số thuế kỳ vọng.
Đừng nghĩ đến chuyện bán chổi đót để làm giàu. Chỉ nên nghĩ đến Amazon như thêm một kênh nữa để bán hàng chứ không bỏ hết trứng vào một giỏ Amazon.
Tuy nhiên thiết nghĩ cũng cần cảnh báo những rủi ro mà người bán hàng trên Amazon có thể gặp phải để tránh tình trạng như kiểu vay tiền ngân hàng mua xe chạy Uber hay Grab, giờ nợ vẫn hoàn nợ. Amazon là kẻ khổng lồ nên “qua sông phải lụy đò”, muốn bán hàng trên đó phải xin (nhất là các mặt hàng dân ta thường bán như quần áo, giày dép, túi xách), tiền phải chờ và cạnh tranh sẽ rất khốc liệt.
Rủi ro lớn nhất là sau khi bỏ tiền đầu tư để duy trì một cửa hàng hoành tráng trên Amazon, đã ký nhiều hợp đồng mua nguyên liệu, vật liệu, tổ chức sản xuất với quy mô khá lớn thì bỗng một hôm Amazon tuyên bố cấm cửa bạn. Lúc đó bạn sẽ ôm một mớ hàng không bán được và chỉ biết khóc ròng. Theo lời kể của nhiều nhà bán lẻ trên Amazon, lý do để Amazon khóa tài khoản của họ rất đa dạng và rất dễ xảy ra. Ví dụ đối thủ thuê dịch vụ “phản hồi tiêu cực” về sản phẩm của bạn dồn dập hay chỉ cần trong 10.000 sản phẩm bán ra, có chừng 10 sản phẩm bị báo là hư hỏng, người dùng không hài lòng, cho là đã bị lừa thì khả năng Amazon ra tay là rất cao.
Từ đó nảy sinh một rủi ro khác: người bán trên Amazon phải tuân thủ nghiêm chỉnh chính sách trả hàng nếu khách mua không hài lòng. Nếu lỗi không do Amazon gây ra thì người bán phải chịu phí nhận hàng về, hoàn tiền cho khách. Từ đó mới nảy sinh nạn lạm dụng, người dùng cứ đặt mua, xài thử xong rồi ung dung trả hàng, đòi tiền. Không phải khách mua hàng nào cũng vậy nhưng chỉ cần vài ba vụ, nếu người bán bực tức, phản ứng sẽ dễ bị khóa tài khoản.
Thương trường trên đời thật phức tạp; thương trường trên thế giới ảo càng phức tạp hơn với những đòn phép như sao chép sản phẩm, tạo cầu giả, mua rồi trả hàng hàng loạt…
Vì thế, đừng nghĩ đến chuyện bán chổi đót để làm giàu. Chỉ nên nghĩ đến Amazon như thêm một kênh nữa để bán hàng chứ không bỏ hết trứng vào một giỏ Amazon và nếu có chiến lược tốt, đó sẽ là kênh rất hiệu quả.