Chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao về Cách mạng Công nghiệp 4.0 năm 2023, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết hiện AI có thể ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề tại Việt Nam.
Ví dụ với các doanh nghiệp công nghệ tương tự Qualcomm, AI giúp tối ưu nguồn lực, tiết kiệm chi phí vận hành. Các công việc cơ bản như tiếp thị, chăm sóc khách hàng, cho đến phức tạp như lập trình, xây dựng sản phẩm đều hiệu quả hơn khi kết hợp AI.
“Ngay từ việc chuyển đổi một đoạn nội dung ở dạng văn bản (text) sang dạng số hóa (audio, video) đã giúp công việc của nhân viên bán hàng, tiếp thị dễ dàng hơn nhiều. Thậm chí, AI hiện đủ khả năng viết code giống với chuyên gia IT, do đó, người làm ở bộ phận quan trọng như phát triển sản phẩm, kỹ sư lập trình cũng hưởng lợi nhờ AI”, ông Thiều Phương Nam nói.
Vì phát triển quá mạnh và ảnh hưởng tới đa ngành nghề, nhiều người lao động lo ngại AI nhanh chóng cướp đi việc làm của họ. Trên thực tế, tháng 5 vừa qua, một báo cáo tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới chỉ ra 25% việc làm sẽ bị tác động tiêu cực bởi AI trong 5 năm tới.
Trước đó, vào tháng 3, tờ Forbes trích dẫn nghiên cứu của ngân hàng đầu tư nổi tiếng Goldman Sachs về việc có ít nhất 300 triệu việc làm bị mất hoặc giảm thu nhập do công nghệ AI. Goldman Sachs dự đoán dù GDP toàn cầu sẽ tăng hàng năm thêm 7%, nhưng các chủ doanh nghiệp sẽ ưu tiên tăng năng suất, giảm chi phí nhờ công nghệ mới như AI, vì vậy khiến người lao động chịu thiệt thòi.