Chỉ sau 2 tuần ra mắt, ứng dụng di động Green Bag đã có 10.000 lượt tải về.
Thương mại điện tử trên ứng dụng di động (mobile app) đã mang đến 210 triệu USD doanh thu cho nhà bán lẻ tạp hóa trực tuyến Peapod hồi năm ngoái. Peapod là một trong những hãng kinh doanh thực phẩm tươi sống trực tuyến lớn của Mỹ, ra đời từ năm 1989 và đã giao hơn 20 triệu đơn hàng.
Còn tại Việt Nam, thói quen mua sắm trực tuyến nói chung và mua sắm qua mobile app cũng đã bắt đầu phát triển. Năm 2014, Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin công bố, doanh thu thương mại điện tử ở Việt Nam đạt 2,6 tỉ USD, chiếm 5% tổng giá trị bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Trong đó, ngành hàng thực phẩm chiếm 520 triệu USD. Có thể nói, người tiêu dùng Việt chỉ cần chạm tay là sẽ có ngay tất cả, bởi hầu như tất cả mọi nhu cầu cuộc sống đều đã được liên kết đến các thiết bị di động cá nhân.
Cụ thể, Zalora Việt Nam cho biết trong tháng 8.2015, lượng truy cập của khách mua hàng từ thiết bị di động (mobile web browser) đã tăng lên 40% và từ ứng dụng di động là 15%. Đại diện Công ty cũng nhận định nền tảng di động sẽ dần thay thế laptop và máy tính cá nhân.
“Bây giờ đi chợ cũng mệt và tốn thời gian. Thôi thì các bạn cứ làm việc, để chúng tôi đi siêu thị mua rau thịt cá thay cho”, ông Hồ Quang Khánh, Giám đốc Ðiều hành CungMua và NhomMua, chia sẻ về việc Công ty ra mắt Green Bag. Ðây là ứng dụng di động cho phép cho khách hàng có thể đặt mua rau và thịt đầu tiên tại Việt Nam.
Thực tế, dịch vụ đi chợ thuê trực tuyến không phải là quá mới mẻ. Từ năm 2002, mô hình này đã xuất hiện ở Việt Nam để phục vụ những người bận rộn. Có thể kể đến một số cái tên như Umart hay Dichothue.com. Dịch vụ kiểu này giúp khách hàng tiết kiệm từ 1-2 tiếng cho việc đi chợ mà vẫn có thực phẩm tươi để chuẩn bị cho bữa ăn gia đình.
Một số siêu thị ở Việt Nam cũng đã đưa sản phẩm lên kênh trực tuyến, như Big C hay Co.opMart. Song song với website hiện hành, các doanh nghiệp này cũng phát triển ứng dụng riêng trên nền di động để phục vụ người tiêu dùng. Tuy nhiên, các ứng dụng này chỉ dừng lại ở mức giúp khách hàng theo dõi thông tin khuyến mãi và chưa có tính năng mua sắm trực tuyến.
Theo ông Khánh, thói quen mua sắm trực tuyến của người Việt đang dần thay đổi. Các nhà bán lẻ trực tuyến cũng tiến thêm một bước và đầu tư vào các ứng dụng di động, giúp khách hàng dễ dàng mua sắm trên các thiết bị di động. Tiêu biểu như ứng dụng di động của Lazada (10 triệu lượt tải) hay Zalora (5 lượt triệu tải). ”Nhưng họ chủ yếu kinh doanh mặt hàng khô, hàng công nghệ và thời trang. Còn ứng dụng Green Bag của chúng tôi chuyên biệt cho mặt hàng tươi sống”, đại diện CungMua và NhomMua nói.
Green Bag đi theo con đường làm trung gian, kết nối khách hàng với các sản phẩm rau, thịt sạch từ những nhà bán lẻ tạp hóa có tiếng như Big C, Vissan hay Cmart. Green Bag tạo ra giá trị cho cả 3 đối tượng: người mua sắm tiết kiệm thời gian, nhà bán lẻ bán được hàng, còn Green Bag thu được phí đi chợ thuê dùm khách và tiền chiết khấu từ nhà bán lẻ. Do ứng dụng di động này chỉ mua hàng từ nguồn đáng tin cậy, người tiêu dùng có thể yên tâm hơn khi giá và chất lượng đã được các nhà bán lẻ kiểm soát từ ban đầu.
Tuy nhiên, mô hình vận hành của Green Bag vẫn gặp phải một số hạn chế, do không chủ động kiểm soát được nguồn cung và chất lượng hàng hóa. Vào những khung giờ cao điểm, khách hàng sẽ có thể không mua được những thứ mình muốn do siêu thị bị hết hàng. Mặt khác, do Green Bag không có kho dự trữ nên các mặt hàng thịt cá tươi sống nếu không giao được cho khách thì sẽ buộc phải tiêu hủy. Ông Khánh cho biết Green Bag kiểm soát rủi ro này bằng cách giao hẹn trả hàng lại cho siêu thị. “Còn những mặt hàng không đổi trả thì sẽ xử lý nội bộ”, ông cho hay.
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của Green Bag là số lượng nhân viên đi chợ thuê (shopper). Vì kinh doanh các sản phẩm có thời gian sử dụng ngắn và giao hàng mỗi ngày, Green Bag có đội ngũ shopper với số lượng lớn phân bổ đều khắp các khu vực địa lý. Hiện tại, Green Bag có gần 300 shopper với mức lương 3,4 triệu đồng/tháng/người. “Tương lai, chúng tôi sẽ tuyển đến 1.000 người để đi chợ thuê”, ông Khánh chia sẻ.
Được biết, Green Bag thu về 25.000 đồng trên mỗi hóa đơn từ khách hàng, kèm theo tiền chiết khấu từ nhà bán lẻ. Nhưng ứng dụng di động này cũng phải ứng tiền mua hàng trước. Như vậy, quá trình vận hành sẽ đòi hỏi Green Bag phải có khả năng tài chính đảm bảo.
Tuy mang đến lợi ích cho nhiều bên, nhưng mô hình kinh doanh làm trung gian tương tự như Green Bag cũng đã chứng kiến trường hợp “ngã ngựa”. Ðó là câu chuyện của FoodPanda Việt Nam, dịch vụ gọi món ăn nhà hàng qua ứng dụng di động tại 42 quốc gia. Có mặt tại Việt Nam từ năm 2012, nhưng mới đây, FoodPanda đã bất ngờ tuyên bố bán lại cho Vietnammm và sa thải 100 nhân viên. Theo chia sẻ của một cựu nhân viên kinh doanh FoodPanda, dịch vụ mua giúp mang nhiều tính đặc thù, trong đó việc hình thành mối quan hệ tốt với các nhà cung cấp lớn là cực kỳ quan trọng.
Rõ ràng, thử thách cho Green Bag sẽ là không nhỏ. Tuy vậy, một tín hiệu khả quan là chỉ sau 2 tuần ra mắt, ứng dụng di động này đã có 10.000 lượt tải về. Hiện Green Bag mới chỉ phục vụ cho những khách hàng ở khu vực nội thành TP.HCM. Ðây sẽ là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp internet ở các địa phương khác. Khi công nghệ ngày càng phát triển, chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều ứng dụng mới phục vụ đến tận chân tơ kẽ tóc cho khách hàng.