Học được gì từ các Marketer tối ưu hóa hàng đầu

0
685

Marketer có từng thắc mắc não bộ của những thiên tài tối ưu hóa trong lĩnh vực tiếp thị số vận hành như thế nào hay chưa?

Bài viết mang đến một số góc nhìn về quan điểm và thói quen giúp các lãnh đạo marketing và tổ chức của họ thành công.

Nếu chú ý quan sát, chúng ta sẽ dễ tìm ra điểm chung giữa một số nhà tư tưởng sáng tạo và táo bạo nhất trong lĩnh vực tiếp thị số – đó là sẵn sàng chấp nhận rủi ro, mạnh dạn thử nghiệm, kiểm tra, và thông qua đó thay đổi cách mọi người vẫn thường suy nghĩ về quá trình tối ưu hóa. Những cá nhân xuất sắc này thuộc về trường phái hành động (làm nhiều hơn nói). Họ biết rằng quá trình kiểm tra và tối ưu hóa là mảnh ghép chủ lực của chiến lược tạo nên dòng thu nhập từ các hoạt động tiếp thị số, và đang ra sức mở rộng các giới hạn hiện để nâng mức tối ưu lên thật cao, thật nhanh.

Những nhà tư tưởng này đã mang đến một góc nhìn độc đáo về điều thực sự phân biệt giữa một bậc thầy tối ưu hóa (Optimization leader) và những Marketer còn lại – đó là họ đang làm thứ mà phần lớn người khác không làm và đã thành công.

Dưới đây là 5 bài học thực tiễn quí giá có thể hữu ích cho bạn.

1. Sử dụng dữ liệu một cách ý thức và liên tục

Đầu tiên, các bậc thầy tối ưu hóa sử dụng dữ liệu để nắm bắt ai là khách hàng tiềm năng (Audience) của mình để phân phối các trải nghiệm chính xác.

Có những nguyên tắc và cam kết trong việc xây dựng nền tảng dữ liệu, và cũng cần có những biện pháp Marketing, quy trình và hệ thống để có thể triển khai hành động.

Quan trọng là bước đầu tiên: cam kết theo hướng dữ liệu (trở thành Data-driven Marketer). Sau đó sử dụng dữ liệu một cách có ý thức và liên tục trong các hoạt động kiểm tra, tối ưu hóa và cá nhân hóa những phát kiến marketing.

Marketer có thể bắt đầu hướng đi này từ việc đưa vào ứng dụng các dữ liệu ngữ cảnh và hành vi đang sẵn có của mình. Hãy sử dụng những dữ liệu có giá trị này để thiết lập nên các phân khúc Audience toàn diện và phù hợp nhất, được cập nhật theo năm, theo tháng hay thậm chí là đều đặn hơn theo tuần.

Như đã đề cập, điểm khác biệt của bậc thầy tối ưu hóa là có khả năng nắm bắt nhanh nhạy và mạnh dạn hành động. Họ biết rằng Audience của mình không ngừng tiến hóa và mở rộng, và phân khúc lợi nhuận cao nhất của ngày hôm qua có thể hoàn toàn khác so với hôm nay. Do đó, quan trọng nhất là phải duy trì vị thế dẫn đầu bằng cách theo dõi, phản hồi và chuyển đổi dựa trên thời gian thực. Để làm được điều này, họ phải liên tục cập nhật tập hồ sơ khách hàng (profile) mới, sau đó đào sâu dữ liệu này để tìm ra các phân khúc có giá trị nhất, kể cả khi những phân khúc này vốn không phải thứ được kỳ vọng lúc ban đầu.

Đáng ngạc nhiên là theo kết quả điều tra mới nhất liên quan đến Digital Marketing của Adobe, gần một nửa doanh nghiệp không có sẵn các kế hoạch chính thức để phát triển hoặc nâng cao các phát kiến marketing dựa trên dữ liệu.

Marketer phải hiểu được rằng không có chỗ cho cách tiếp cận “spray and pray” (gởi thông điệp cho tất cả danh sách khách hàng tiềm năng thay vì phân loại họ và cá nhân hóa thông điệp) trong một thế giới luôn chuyển động 24/24 và mọi thứ đều có thể thay đổi ở 1/1.000 giây cuối cùng như hiện nay. Vì vậy đừng để bị tụt lại phía sau.

2. Tận dụng tối đa các trải nghiệm Mobile

Cuộc bùng nổ của Mobile (di động) hiện nay cũng giống như điều đã xảy ra với Web trực tuyến hơn 8 năm về trước. Bởi vì chúng ta đã từng trải qua tình huống tương tự, chúng ta có thể vượt qua các trở ngại.

Di động chiếm 50% đến 70% tương tác của khách hàng với các thương hiệu hàng đầu, và chỉ riêng mức gia tăng trong các buổi ra mắt ứng dụng (App) cũng đã lên tới 51% qua mỗi năm. Các Marketer đang phản ứng như thế nào?

Theo báo cáo Digital Index’s 2015 Mobile Benchmark của Adobe, chỉ 34% các doanh nghiệp được điều tra có một chiến lược di động được định nghĩa rõ ràng. Và những bậc thầy tối ưu hóa này đang ở vào thế sẵn sàng chiếm lĩnh thị trường ngay bây giờ.

Cũng dễ hiểu tại sao nền tảng di động gây trở ngại cho không ít Marketer. Di động có những những thách thức riêng, từ màn hình nhỏ đến việc thiếu các gắn kết ứng dụng. Theo cách làm thông thường, doanh nghiệp sẽ cố chuyển từ ‘biệt thự’ (như laptop hay desktop) sang một ‘căn hộ nhỏ’ (như smartphone hay tablet). Và dĩ nhiên không thể nhồi nhét toàn bộ ‘tài sản’, sẽ có một vài thứ thừa ra và một số thứ khập khiễng.

Cách duy nhất là phải thích nghi và tối ưu hóa không gian cho các ‘tài sản’ này. Đây chính xác là điều mà các tổ chức sở hữu qui trình tối ưu hóa tiên tiến nhất đang làm. Họ đầu tư nhiều vào việc đặt giả thuyết, kiểm tra và tối ưu nhằm ưu tiên mang lại sự phù hợp cho người dùng. Họ biết các trải nghiệm, ngữ cảnh và thiết bị – tất cả đều có nghĩa và đều đóng vai trò quan trọng trong việc người dùng sẽ gắn kết và chuyển đổi.

Và quan trọng hơn, họ đang thúc tổ chức của mình vượt lên tương tác di động và thực sự bắt đầu kiếm tiền từ những trải nghiệm này.

3. Tự động hóa để giảm nhẹ rủi ro và tối đa hóa lợi nhuận

Marketer biết họ phải chấp nhận rủi ro để thành công. Vậy điều gì khiến họ chùn bước?

Nó dường như đến từ nỗi sợ thất bại kết hợp với sự thiếu tự tin và không có khả năng để gán ROI cho mỗi hoạt động. Nhưng các Marketer tối ưu hóa hàng đầu không cho phép bất kỳ vấn đề nào ngăn cản họ. Để thúc đẩy công việc của mình tiến lên, họ sử dụng một công cụ hỗ trợ đăc lực: tự động hóa (Automation).

Một ví dụ điển hình về áp dụng Automation trong quá trình tối ưu hóa chính là kỹ thuật Machine learning (Máy học). Một mảng nhỏ trong kỹ thuật này sử dụng các thuật toán đơn nhất để quyết định nội dung tối ưu cần phân phối đến từng người dùng khác nhau ghé trang.

Hay một tổ chức cũng có thể tích hợp một thuật toán để tối ưu việc phân tích các số liệu phức tạp hơn như giá trị vòng đời khách hàng (CLV – customer lifetime value). Nếu thành công, Automation trong trường hợp này có thể thay thế vai trò của một nhà khoa học dữ liệu (data scientist) trong tổ chức.

Một lợi thế khác của Automation là làm giảm nhẹ rủi ro liên quan đến việc thử nghiệm nội dung và chiến dịch tiếp thị. Marketer không thể đưa ra các loại quyết định khác nhau dựa trên thời gian thực giống như một cỗ máy có thể làm.

Automation có sức mạnh giúp chỉ ra những xu hướng đang diễn ra, và quan trọng không kém là có thể hành động dựa trên các xu hướng này để tối đa lượng truy cập đến với trang.

Với việc tích hợp Automation mọi lúc có thể, các bậc thầy tối ưu hóa có khả năng mở rộng các nỗ lực tiếp thị của mình một cách hiệu quả, cũng như giành chiến thắng nhanh hơn.

4. Tối ưu hóa mỗi giai đoạn trên hành trình mua sắm

Đa số tổ chức trong ngành tiếp thị số dựa vào những trải nghiệm số – có tính gắn kết và nhất quán xuyên suốt hành trình mua sắm của người dùng – như là nền tảng cơ sở cho từng giải pháp và dịch vụ họ cung cấp. Đây là cách tiếp cận căn bản nhất, nhưng khá hiệu quả.

Tuy nhiên, các bậc thầy về tối ưu hóa đã tiến một bước xa hơn. Họ không chỉ biết mang đến trải nghiệm phù hợp và gắn kết, mà còn chú trọng những gì hoạt động hiệu quả tại mỗi điểm tương tác, và những gì cần làm để vun đắp thành công trên từng chặng đường.

Vị trí của công ty bạn trên phác đồ tối ưu hóa là chìa khóa cho những bước tiếp theo. Xác định được điều này sẽ biết nên bắt đầu từ đâu để tối ưu hóa phù hợp.

Ví dụ, Marketer đang cố tạo nên một trải nghiệm có thể gây bùng nổ/tác động mạnh đến người dùng ngay tại khoảnh khắc họ ghé đến trang. Đó có phải là điểm vào của thương hiệu (ví dụ như trang chủ), phần đầu tiên và duy nhất của cuộc hành trình được tối ưu?

Hãy xem cách mà các bậc thầy tối ưu hóa giải quyết câu hỏi trên. Khi cố gắng xác định thành công của các nỗ lực cá nhân hóa, họ biết họ cần phải dựa trên những hiểu biết thu thập từ các trải nghiệm xuyên suốt toàn bộ hành trình của một người dùng. Điều này có nghĩa là họ cần thử nghiệm trên nhiều điểm tương tác, từ trang web, email, cho đến các phương tiện truyền thông xã hội.

5. Hãy yêu thích công việc bạn đang làm

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là chính cảm nhận của người làm công việc tối ưu hóa. Bậc thầy tối ưu hóa phải có niềm đam mê với việc đang làm, phải thực sự tận hưởng từng khoảnh khắc triển khai kiểm tra, thử nghiệm và tạo nên những phát triển vượt bậc, cũng như thỏa mãn với những điều đạt được sau đó.

Bậc thầy tối ưu hóa luôn là người đi đầu, phát động trào lưu, khuấy động không khí và luôn phải sẵn sàng cho nhiều công việc kế tiếp. Họ đi sâu khám phá mọi thứ, sẵn sàng cho bất cứ ‘cuộc phiêu lưu về tối ưu hóa’ nào khác phát sinh. Họ có được sự ủng hộ của tổ chức của mình, và được cung cấp những công cụ định hướng dữ liệu cần thiết để thành công.

Bậc thầy tối ưu hóa mang giá trị cao đến cho trải nghiệm người dùng, và đổi lại họ cũng nhận được niềm vui tương xứng khi thưởng thức thành quả công việc, dù là việc tìm ra những phân khúc mới thú vị, thử nghiệm các gói sản phẩm, tối ưu các nội dung được cá nhân hóa, hay theo dõi những mẩu báo cáo trực quan hấp dẫn. Mang đến trải nghiệm tuyệt vời cho người dùng chính là động lực thôi thúc họ không ngừng làm việc.

Khi học được cách lồng ghép ngày càng nhiều bí quyết và kinh nghiệm thực tiễn trên vào công việc, Marketer có thể tối ưu hóa trải nghiệm người dùng mà không tốn quá nhiều công sức, đồng thời tạo nên thành công bền vững cho sự nghiệp tương lai.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here