Tinh thần Rowan có giúp Viettel Store thoát khỏi top cuối thị trường?

0
1303

Câu chuyện về tinh thần Rowan của người Viettel – sẵn sàng lao vào những công việc dầu sôi lửa bỏng được giao phó bất kể khó khăn thực sự là một bài học đáng quý.

Nhờ tinh thần này, Viettel đã xây dựng nên một “đế chế” viễn thông hùng mạnh không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia khác trên thế giới, biến Viettel Global trở thành một trong những cái tên đáng tự hào nhất của người Việt.

Tuy nhiên, dường như riêng trong ngành bán lẻ di động, anh nhân viên Rowan với tinh thần tận tụy, không chút băn khoăn, do dự vẫn đang đâm đầu vào tảng đá to trước mặt, chứ chưa tìm được lối thoát để hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.

Thực tế cho thấy, khi bán lẻ di động mới manh nha bùng nổ trên thị trường, Viettel Store đã ngay lập tức thực hiện nhiệm vụ của mình. Lúc Viettel Store ra đời vào năm 2006 và mở rộng vào năm 2009, Thế giới di động vẫn còn quy mô nhỏ và FPT Shop có thể coi là chưa ra đời.

Vậy mà, sau 10 năm hình thành và phát triển, Viettel Store vẫn đang lững thững ở top cuối thị trường bán lẻ di động. Bị đối thủ đi trước là Thế giới di động và đàn em đi sau là FPT Shop bỏ xa.

Những con số thống kê khác cũng không ủng hộ Viettel Store. Hiện tại, chuỗi này chỉ có hơn 284 siêu thị, thua xa TGDĐ (hơn 600 siêu thị) và ngang ngửa với FPT Shop, nhưng doanh thu trên mỗi điểm bán lại thấp hơn.

Thất vọng hơn, anh nhân viên Rowan khi tham gia cuộc chiến bán lẻ di động đã được “trang bị tận răng” với đầy đủ lợi thế mà các đối thủ khác không thể có được.

Đó là lợi thế của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông. Năm 2004, khi Viettel cung cấp đầu số di động đầu tiên 098, đó thực sự là một vụ nổ. Viettel Mobile đã phá vỡ thế độc quyền của VNPT lúc bấy giờ, giúp giá cước gọi di động giảm mạnh.

Từ vị thế một kẻ chân ướt chân ráo gia nhập thị trường, thị phần thuê bao di động của Viettel không ngừng tăng qua các năm. Đến thời điểm hiện tại, Viettel là nhà mạng có số lượng thuê bao di động đông đảo nhất, chiếm khoảng 53% thị phần.

Thế nhưng không có một vụ nổ nào trong lĩnh vực bán lẻ di động. Viettel Store đã chẳng thể tận dụng được chút lợi thế nào từ mạng viễn thông đem lại. Nếu trên thế giới, mô hình bán lẻ di động đi kèm hợp đồng nhà mạng luôn giành được ưu thế và vị thế bền vững thì tại Việt Nam, câu chuyện hoàn toàn trái ngược.

Năm 2010, Viettel Store cũng học tập chiến lược này khi mở bán iPhone 3G với giá 0 đồng kèm gói thuê bao 24 tháng. Tuy nhiên, chiến dịch này không thành công và không bao giờ được dùng thêm một lần nào nữa.

Lãnh đạo Thế giới di động cho rằng, sở dĩ các nhà mạng tại Việt Nam ít tận dụng được lợi thế từ việc nắm giữ các thuê bao là do 95% thuê bao tại Việt Nam là thuê bao trả trước, chỉ có 5% là thuê bao trả sau.

Quá ít thuê bao trả sau khiến nhà mạng khó đưa ra được chính sách trợ giá mua điện thoại như các nước phát triển.

Bỏ qua lợi thế này, những yếu tố còn lại của Viettel như vị trí mặt bằng, hệ thống quản trị, hàng tồn kho, chuỗi cung ứng và chất lượng dịch vụ đều thuộc dạng “xoàng” trên thị trường, không thể cạnh tranh với Thế giới di động, FPT Shop hay cả viễn thông A.

Hiện tại, Thế giới di động nổi tiếng với điểm bán đẹp, chất lượng dịch vụ tốt và phụ kiện đa dạng, FPT Shop thì có iPhone chính hãng và Apple Studio, còn Viettel không nắm giữ lợi thế cụ thể nào.

Sau 10 năm, cuộc chơi bán lẻ di động đã có sự phân cực rõ ràng. Thế giới di động trở thành chuỗi cửa hàng nhận được mức chiết khấu tối đa từ phía các nhà sản xuất điện thoại, vị trí mà đáng ra nếu tận dụng tối đa lợi thế của mình, Viettel Store hoàn toàn có thể đạt được.

Quá khứ không thành công, hiện tại và tương lai sẽ thế nào? Liệu tinh thần Rowan và lời kêu gọi của CEO Nguyễn Mạnh Hùng có đủ sức vực dậy Viettel Store đang vùng vẫy dưới top cuối thị trường?

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here