Nội Dung Chính
Nokia huy hoàng một thời giờ xuống dốc không phanh và phải ngậm ngùi chứng kiến thương hiệu của mình bị mua đi bán lại từ hết công ty nọ tới công ty kia. Cũng trong hoàn cảnh đó, Samsung không chỉ trụ vững mà còn bước lên đỉnh vinh quang. Vì sao lại vậy?
Thành công của Samsung trong ngày hôm nay chính là nhờ những lựa chọn sáng suốt và kịp thời của cựu Chủ tịch Samsung, Lee Kun Hee.
Như đã đề cập trong bài viết lần trước, 3 trong số những lựa chọn chiến lược của cựu Chủ tịch Lee Kun Hee để tạo nên “kỳ tích Samsung” đó chính là bán dẫn, kỹ thuật số và thiết kế. Trong bài lần này, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về 3 lựa chọn sáng suốt nữa của Lee Kun Hee giúp con tàu Samsung cập bến thành công.
Lựa chọn smartphone
Nếu nói về “kỳ tích Samsung”, không thể không nhắc tới smartphone. Đây chính là mình chứng hùng hồn nhất cho sự sáng suốt của Chủ tịch Lee.
Tại sao người khổng lồ có tiềm lực về kinh tế và kỹ thuật mạnh mẽ như Nokia lại thất bại trước lời thách đấu đến từ tân binh vô danh trong ngành công nghiệp smartphone như Apple? Trong giai đoạn này, làm sao Samsung lại thoát được khỏi định mệnh cùng chung số phận hẩm hiu với Nokia? Không chỉ vậy, tại sao Samsung Electronics không những bình an vô sự sau cơn sóng gió mà còn có thể tận dụng tình thế rối ren để thực hiện cú nhảy vọt chưa từng có, giành được vị trí số 1 từ tay Nokia.
Trước hết, có thể nói căn nguyên sâu xa dẫn tới sự sụp đổ của Nokia chính là thói tự mãn và tâm lý ngủ quên trong chiến thắng của ông hoàng một thời. Trước iPhone của Apple, chưa từng có một sản phẩm smartphone nào có đủ sức mạnh để uy hiếp đế chế vững chãi mà Nokia đã tạo nên trong nhiều năm. Bởi vậy, với tư cách là một doanh nghiệp lớn, Nokia không thể cảm nhận được mối nguy hại đang rình rập. Trước khi iPhone xuất hiện, thế giới đã từng chao đảo vì những chiếc smartphone BlackBerry và có lẽ Nokia cũng chỉ nhận định rằng đây là một trường hợp điển hình về thành công chớp nhoáng “sớm nở tối tàn” mà thôi. Cuối cùng, cái giá mà Nokia phải trả cho sự khinh suất của mình chính là ngôi vị số 1 thế giới.
Samsung Electronics cũng bị ảnh hưởng không nhỏ từ thách thức to lớn ấy. Trong lần xuất hiện đầu tiên, Apple đã không đạt được chỉ tiêu mà họ mong muốn. Tỷ lệ sử dụng iPhone chỉ chiếm không quá 5% thị trường toàn thế giới. Tuy nhiên, khi Apple tung ra một sản phẩm nâng cấp hơn với tốc độ xử lý cao, tinh tế và mạnh mẽ hơn, iPhone 3Gs thì thị trường điện thoại di động mới thực sự bị chao đảo.
Tháng 11/2009, iPhone chính thức xuất hiện tại Hàn Quốc và được rất nhiều người yêu thích. Chính lúc này Samsung bắt đầu cảm nhận được những mối đe dọa. Cuối cùng, mối đe dọa trở thành hiện thực và Samsung từ một công ty đi đầu đã bị đẩy xuống thành một công ty chế tạo lạc hậu. Không chỉ vậy, sự nổi lên của Apple khiến chính phủ Hàn Quốc cũng như các doanh nghiệp thông tin di động trong nước bị coi là tụt hậu về mobile network và mobile internet. Điều đó khiến các doanh nghiệp này, bao gồm cả Samsung Electronics bị chỉ trích nặng nề từ phía chính phủ.
Nhưng trong tình thế đó, Chủ tịch Lee Kun Hee đã xác định “Hãy sản xuất ra những chiếc smartphone mạnh mẽ hơn bất cứ chiếc smartphone nào trên thế giới”. 3 tháng sau chỉ thị của Lee Kun Hee, kỳ tích đã xuất hiện. Samsung cho ra đời siêu phẩm Galaxy S, đối thủ ngang sức ngang tài duy nhất đủ để cạnh tranh trực tiếp với iPhone. Siêu phẩm này được thai nghén chỉ vẻn vẹn trong 3 tháng và khiến cả thế giới phải kinh ngạc.
Ông đã đặt cược toàn bộ sự sống còn của cả công ty vào dự án smartphone. Nếu quyết định này chỉ chậm chễ hơn 1,2 tháng thì không biết chắc chắn sự nghiệp smartphone của Samsung Electronics sẽ đi về đâu. Từ sau thành công của Galaxy S, Samsung tiếp nối với hàng loạt sản phẩm đình đám mà chúng ta đều biết đến. Tất cả là nhờ quyết tâm sắt đá do Lee Kun Hee khởi nguồn.
Lựa chọn đưa ra chuẩn kích cỡ mới cho LCD
Con đường của Samsung không phải lúc nào cũng bằng phẳng và từng có lúc Samsung phải nếm mùi thất bại.
Năm 1995, công ty bắt đầu phát triển hàng loạt các tấm màn hình có kích thước 10,4 inch. Thế nhưng không may, dự án này đã sản xuất ra hàng loạt sản phẩm bị lỗi, con số lỗi lên tới 50%. Bên trong khó khăn là vậy, bên ngoài hãng gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ phía các nhà sản xuất Nhật Bản. Công ty lao đao vì thua lỗ.
Nếu bạn còn nhớ trong bài viết trước, với lựa chọn bán dẫn, Samsung đã liều lĩnh lựa chọn đổi mới triệt để, không khắc phục khó khăn trước mắt mà mở ra hướng đi mới để tạo nên lợi thế cạnh tranh cho công ty. Trong mảng kinh doanh LCD, Samsung cũng đưa ra lựa chọn tương tự. Những công ty lão làng như Sharp liên tục hạ giá các tấm màn hình 10,4 inch và tung ra các tấm màn hình 11,3 inch. Các công ty LCD khác cũng “ăn theo” và lấy kích thước 11,3 inch làm chuẩn.
Samsung hiểu rõ, nếu chỉ đi theo sau dấu chân của kẻ đi trước thì mãi mãi không làm nên chuyện lớn. Vì thế hãng quyết định “nhảy cóc”, phát triển thẳng lên tấm màn hình 12,1 inch. Quyết định này của vị Chủ tịch khiến tất cả nhân viên hoang mang, thế nhưng Lee Kun Hee là người “đã nói là làm” vì thế trong bầu không khí nặng nề, cả công ty vẫn rục rịch chuẩn bị cho sự ra đời của dự án tấm màn hình 12,1 inch.
Năm 1996, khi các doanh nghiệp khác vẫn còn sản xuất tấm màn hình 11,3 inch thì Samsung đã tung ra hoàng loạt sản phẩm 12,1 inch. Thật bất ngờ, chỉ trong 6 tháng, tiêu chuẩn 11,3 inch do các công ty tiên phong định ra đã biến đổi thành tiêu chuẩn 12,1 inch. Cuối cùng sau 4 năm đi vào sản xuất hàng loạt màn hình LCD, năm 1998, Samsung Electronics trở thành công ty nắm vị trí số 1 trong ngành sản xuất LCD màn hình lớn. Một lần nữa, Lee Kun Hee lại chứng minh được tầm nhìn chiến lược và khả năng “bẻ lái” thị trường của mình.
Lựa chọn tài trợ thể thao
Làm thế nào để một doanh nghiệp châu Á chưa mấy tên tuổi bắt đầu đi vào tâm trí của mọi người? Để làm được điều này chắc chắn phải dựa trên một chiến lược marketing sâu rộng. Cái tên Samsung phải xuất hiện nhiều nhất có thể và ở những sự kiện lớn nhất có thể. Vào thời điểm bấy giờ, dù mới giành lại từ tay Motorola vị trí số một trên thị trường di động, nhưng xét về mức độ nhận diện thương hiệu, Samsung Electronics chắc chắn thua Motorola. Khi ban tổ chức Olympic đi tìm nhà tài trợ và Motorola chần chừ trước yêu cầu của Ủy ban Olympic về việc tăng thêm số lượng hiện vật tài trợ, Samsung đã nhanh tay đoạt lấy cơ hội này. Tài trợ cho Olympic là cơ hội mà cũng là thách thức của Samsung, bởi điều này đồng nghĩa với việc hãng phải bỏ ra một khoản tiền khổng lồ mà ngay cả doanh nghiệp lớn như Motorola còn “lăn tăn”.
Thế nhưng quyết định của Chủ tịch Lee lại một lần nữa tỏ ra xuất chúng. Từ một công ty Hàn Quốc mờ nhạt, vốn chỉ được biết đến như một “công ty sản xuất đồ tiện tử giá rẻ” hay một công ty không mấy tên tuổi, sau khi trở thành nhà tài trợ chính thức cho Olympic, cái tên “Samsung Electronics” bắt đầu được phổ biến rộng rãi ra toàn thế giới. Từ đó trở đi Samsung luôn là nhà tài trợ của các sự kiện Olympic. Có lẽ chính vì thành công trong sự kiện này, từ đó đến nay Samsung luôn nổi tiếng là một công ty “chịu chi” cho quảng cáo.
Trong cuốn sách “Sự lựa chọn của doanh nghiệp vĩ đại” của tác giả Jim Collins có đoạn viết: “Chúng ta không ở trong vận may, yếu tố không công bằng nội tại trong cuộc sống hay môi trường sống. Chúng ta không thể bị mắc kẹt trong thất bại nghiêm trọng, những lỗi lầm tự thân hay thành công trong quá khứ. Thời gian mà chúng ta được ban tặng trong cuộc đời ngắn ngủi này không thể bị chi phối bởi những con số. Chúng ta hầu như không thể làm chủ được những điều sẽ xảy ra với mình. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tự do lựa chọn và trở nên vĩ đại bằng những lựa chọn ấy”. Với lựa chọn của mình, Lee Kun Hee không chỉ giúp cái tên Samsung mà cả chính tên tuổi của ông trở nên vĩ đại.