Nội Dung Chính
Tiếp thị giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn, đối chiếu giá cả và chất lượng khi mua sắm. Chỉ có sự cạnh tranh không lành mạnh, tiếp thị mới trở thành phương tiện tiếp tay lừa đảo người tiêu dùng.
Chưa bao giờ người tiêu dùng – nhất là thị dân – được “phục vụ tận răng” như bây giờ. Đủ mọi hình thức tiếp thị như chào hàng, giới thiệu sản phẩm tại các siêu thị, cửa hàng, ngoài đường phố, gửi thư tận nhà, phát tờ rơi, post lên YouTube, Facebook, nhắn tin trên điện thoại… Có thể nói bây giờ “ra ngõ gặp tiếp thị”.
Thời của tiếp thị
Chả bù với thời bao cấp chưa xa “mua như xin, bán như cho”, bây giờ hàng hóa tràn ngập, thượng vàng hạ cám, người tiêu dùng được nuông chiều hết cỡ, được “thổi” tới trời xanh thành những “thượng đế”, tha hồ lựa chọn, mua sắm. Kể cả phương thức mua, thanh toán cũng cực kỳ linh động. Muốn sao cũng chiều. Mua tại siêu thị hay trực tuyến hàng sẽ giao tận nhà. Trả ngay hay trả góp đều được tất. Trả tiền mặt hay quẹt thẻ cũng ô kê… Từ những căn hộ cao cấp, xe hơi bạc tỉ đến cái bàn chải đánh răng, món đồ chơi, chai sữa chua… giá năm, bảy ngàn đồng. Tất tần tật đều được tiếp thị với nhiều chiêu thức “dụ dỗ”, khuyến mãi hấp dẫn làm mê hoặc các thượng đế. Đến mức có người trở thành con nghiện mua sắm, thường là những người tiền bạc rủng rỉnh, đôi khi thấy món hàng hay hay, thích thích thì mua chơi chứ ít khi dùng đến.
Tôi có quen một chị, tuổi trung niên, gia cảnh cũng thuộc loại thường thường bậc trung chứ chẳng giàu có gì nhưng chị là một “tín đồ mua sắm”, là khách hàng thân thiết của các chương trình tiếp thị trên tivi. Chị có thể ngồi nhiều giờ liền trước kênh tivi mua sắm, dán mắt vào các món hàng đang được giới thiệu. Mặc dù nhà chị cũng tương đối đầy đủ nhưng hễ có tiền là chị lại đi siêu thị hay lên kênh mua sắm trực tuyến lôi về những thứ mà nhà đã có. Riêng cái tủ giày chị có cả năm, sáu chục đôi. Chị bảo có đôi mua về chỉ xỏ chân một lần. Còn áo váy thì khỏi nói, chất đầy mấy tủ, “nhiều khi bả không nhớ mà mặc”, như anh chồng “rên rỉ”. Chồng chị, bạn tôi, một kỹ sư phần mềm, thì làm quần quật không biết giờ giấc, ngày đêm. Anh than phải “cày như trâu” để phục vụ bệnh nghiện mua sắm của bà vợ. Anh bảo phải nói họ tiếp thị giỏi quá!
… Và những chiêu tiếp thị lừa “thượng đế”
Từ xưa ông bà ta đã có câu “treo đầu dê, bán thịt chó” để cảnh giác những trò “tiếp thị lừa”, mặc dù bấy giờ chưa có khái niệm về cái gọi là tiếp thị. Chiêu thức lừa phổ biến nhất hiện nay là tiếp thị giới thiệu hàng Nhật Bản, hàng Hàn Quốc, thậm chí hàng Mỹ, hàng Ý nhưng bán hàng Trung Quốc. Đáng nói nhất là hầu hết những hàng tiếp thị lừa người tiêu dùng Việt là ghi trên sản phẩm “sản xuất theo công nghệ Nhật Bản” chữ thật lớn, còn tên, địa chỉ thật của nhà sản xuất Trung Quốc in ở một chỗ khuất nhất, chữ nhỏ xíu phải dùng kính lúp mới đọc được.
Một anh bạn tôi không tin quảng cáo tiếp thị trên tivi, ông đi siêu thị để “tận mắt thấy, tận tay sờ” sản phẩm. Anh sống một mình, tự đi chợ nấu ăn, anh muốn mua một cái nồi chiên không cần dầu. Ở siêu thị, anh nghe lời tiếp thị ngọt như mía lùi của nhân viên tiếp thị rằng đây là hàng Nhật Bản chính hiệu, siêu bền… Anh bóp bụng trả một triệu mấy trăm ngàn đồng, có người giao hàng tận nhà. Tôi ngờ ngợ khi đọc thấy hàng chữ in bằng tiếng Việt in thật bự “Sản xuất theo công nghệ Nhật Bản” dán chồng lên trên nơi sản xuất. Tôi lột miếng dán, phát hiện hàng chữ Hoa nhỏ xíu đọc không ra! Anh bạn tôi gọi điện thoại khiếu nại siêu thị và đòi trả hàng nhưng họ bảo trong hóa đơn có ghi “hàng sản xuất theo công nghệ Nhật Bản” chứ có phải “sản xuất tại Nhật Bản” đâu. Thế là anh ngậm bồ hòn làm ngọt, bị một quả tiếp thị lừa. Anh bảo thế mà mấy cô nhân viên tiếp thị liến thoắng khen sản phẩm độc đáo mới ra đời này. Tôi nói thật ra mấy cô bé đó ăn lương chỉ để giới thiệu sản phẩm thôi, mọi chuyện do nhà nhập khẩu, phân phối không đàng hoàng vì hám lời lừa người mua. Các nhân viên tiếp thị – cả chuyên nghiệp lẫn các em sinh viên làm thêm bán thời gian để kiếm tiền ăn học – chỉ là các “thiên lôi” chủ sai đâu đánh đó thôi.
Tiếp thị đúng là một phát kiến của thời đại văn minh nhằm giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn, đối chiếu giá cả và chất lượng khi mua sắm. Chỉ có sự cạnh tranh không lành mạnh, tiếp thị mới trở thành phương tiện tiếp tay lừa đảo người tiêu dùng. Điều đó mới thật đáng lên án. Kể cả cần sự tiếp tay của các cơ quan thực thi pháp luật.