‘Tôi đã hết yêu Sony’

0
1054

Đó là tiêu đề bài viết của tác giả Brandon Dean đăng trên The Verge, nói về câu chuyện anh đã từ bỏ tình yêu với nhà sản xuất đến từ đất nước mặt trời mọc.

Ra mắt lần đầu vào năm 2013, Sony Xperia Z được đánh giá cao không chỉ ở thời lượng pin cao, camera tốt mà còn làm say đắm lòng người bởi thiết kế nguyên khối hoàn mỹ. Là smartphone đầu tiên có khả năng chống nước, thiết kế của siêu phẩm này mang phong cách tối giản, có hơi hướng của sản phẩm đến từ tương lai trong những bộ phim viễn tưởng.

Tuy nhiên, hào quang không kéo dài lâu. Những năm vừa qua, Sony mắc phải hết sai lầm này đến sai lầm khác, từ thiết kế phần cứng đến hoạt động quảng bá kinh doanh, dẫn đến nguy cơ đóng cửa mảng smartphone.

Từ việc bỏ bê marketing…

Theo thống kê mới đây của hãng, Sony gần như không bỏ ra bất cứ khoản tiền nào phục vụ cho hoạt động quảng cáo. Có chăng, cái tên “XPERIA” chỉ xuất hiện lẻ tẻ ở các sự kiện thể thao như trên sân đấu quần vợt hoặc trên băng ghế dự bị của một giải đấu bóng đá. OEM này chưa bao giờ có một chiến lược xây dựng thương hiệu đúng nghĩa.

Những clip quảng cáo thậm chí còn ngán ngẩm hơn. Đội ngũ sản xuất những clip này dường như sống và làm việc ở một hành tinh xa xôi khi cho ra đời hàng loạt những quảng cáo giống nhau, với cùng một mô típ, và hầu như không làm nổi bật được sản phẩm so với với các đối thủ cạnh tranh.

…cho đến việc thất bại ở thị trường Mỹ

Trái với HTC – công ty nhỏ bé tới từ Đài Loan, dù được hậu thuẫn bởi cả một tập đoàn đa quốc gia song Sony vẫn phải chật vật trong việc tìm kiếm nhà phân phối tại Mỹ.

Xperia Z được nhà mạng T-Mobile bán ra vào năm 2013, lần lượt sau đó là Z1S và Z3 trong năm 2014. Verizon bán Z2 Tablet và Z3V vào năm 2014. Tuy nhiên, trong năm 2015, Sony đã phải trực tiếp phân phối sản phẩm của mình tới tay người dùng do không được các nhà mạng hỗ trợ. Tiêu biểu là chiếc smartphone cao cấp Xperia Z5.

Chưa đủ tệ hại, bộ phận điện thoại của Sony còn quyết định vô hiệu hóa chức năng nhận diện dấu vân tay trên phiên bản dành cho thị trường lớn thứ hai thế giới, mặc dù vẫn hỗ trợ phần cứng. Nhiều người tin rằng lý do liên quan đến vấn đề bằng sáng chế, nhưng phần lớn đổ lỗi cho sự thiếu nhạy bén trong kinh doanh của Sony tại xứ sở cờ hoa.

Còn đâu những ‘thiết bị chất lượng’ của Sony?

Đối nghịch với series Z luôn được cộp mác “cao cấp” với bộ cảm biến camera mới nhất, công nghệ màn hình tân tiến nhất…, dòng X gây thất vọng với người dùng khi thua thiệt về mọi mặt.

Thật khôi hài khi những con chip NFC trên các thiết bị series X được bố trí ở mặt trước của điện thoại thay vì ở mặt sau. Chúng trở nên vô dụng vì khiến người dùng Android Pay phải đăng nhập bằng mã pin do không kiểm soát được những gì diễn ra trên màn hình trước.

Điều tồi tệ nhất nằm ở mức giá trên trời của những thiết bị này. Một chiếc Xperia X có giá 700 USD, đắt hơn cả HTC 10, LG G5 nhưng dung lượng RAM lại ít hơn, không chống nước, độ phân giải màn hình chỉ 1.080p còn camera thì thua xa.

Tạm kết

Sau rất nhiều năm, dường như Sony vẫn chưa nắm bắt được quy luật chuyển động của thị trường thế giới. Công ty không đủ can đảm để thoát ra khỏi cái bóng do mình tạo nên. Về phía người dùng, họ sẽ có những trải nghiệm mới mẻ với HTC 10, OnePlus, Nexus… thay vì gồng mình gắn bó với một nhà sản xuất trì trệ. Liệu Sony có nhận ra và kịp thời thay đổi?

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here