M&A: Vừa mừng, vừa lo

0
1051

Thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) doanh nghiệp Việt Nam đang thực sự sôi động. Nhưng đằng sau những thương vụ đình đám được công bố vẫn tiềm ẩn những mối lo.

Một báo cáo vừa được Nhóm nghiên cứu thuộc Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF) công bố cho biết, thị trường M&A tại Việt Nam năm 2015 đã trở lại mốc kỷ lục 5,2 tỷ USD được thiết lập từ năm 2012.

Cuộc đua đã bắt đầu

Có vẻ như kỷ lục nói trên sẽ bị xô đổ trong năm nay khi chỉ sau nửa đầu năm giá trị các thương vụ M&A đã vượt mốc 3 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2015. Dự báo, cả năm tổng giá trị của các giao dịch loại này có thể đạt 6 tỷ USD.

Không chỉ xác lập kỷ lục về giá trị, ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty AVN, Trưởng nhóm Nghiên cứu của MAF còn cho rằng, điểm nổi bật của thị trường M&A Việt Nam những tháng cuối năm 2015, đầu năm 2016 còn là sự xuất hiện các thương vụ M&A có giá trị lên tới cả tỷ đô la, tác động lớn đến nhiều ngành, nhiều thị trường và nền kinh tế nói chung.

Không khó để liệt kê ra các thương vụ này. Từ chuyện Central Group mua lại BigC Việt Nam với giá 1,14 tỷ USD đến chuyện Singha Asia Holdings Pte Ltd trở thành đối tác chiến lược của Masan sau khi bỏ ra tới 1,1 tỷ USD để mua 25% cổ phần của Masan Consumer Holding và 33% cổ phần Masan Brewery… Rồi chuyện Vingroup chi một số tiền rất đáng kể để mua lại hệ thống siêu thị Maximark; chuyện hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài nhắm tới các tên tuổi lớn của Việt Nam như Sabeco, Habeco, Vinamilk… Chưa kể, còn là TCC hoàn tất mua Metro hay các ông lớn địa ốc Singapore như Keppel Land, Mapletree và Capita Land ra tay mua lại các dự án bất động sản lớn tại Việt Nam và các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư chiến lược vào Vietnam Airlines và Petrolimex…

Trong một cuộc trao đổi cách đây chưa lâu, ông Cee’t Hart, Chủ tịch Tập đoàn Carlsberg, đã không giấu giếm tham vọng tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu tại Habeco lên 30%, đồng thời cũng tính tới chuyện mua cổ phần tại Sebeco nếu như có cơ hội.

Thị trường M&A Việt Nam đang hết sức sôi động, thậm chí theo như lời ông Đặng Xuân Minh, thì có thể nói là “cuộc đua M&A đã bắt đầu”. Đua giành thị phần trong lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng; đua giành các vị trí vàng trong lĩnh vực bất động sản; đua tìm cơ hội trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước… Cuộc đua càng lớn với nhiều người tham gia thì thị trường M&A càng sôi động.

Nhưng tấm huy chương bao giờ cũng có mặt trái của nó. Và mặt trái của những thương vụ M&A đình đám chính là nỗi lo bị thâu tóm.

Nỗi lo thâu tóm

Thực ra, nỗi lo bị thâu tóm sau các thương vụ M&A đình đám đã được nhắc đi nhắc lại từ nhiều năm trước. Khi đó, trước làn sóng “bán mình” của không ít doanh nghiệp Việt, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã không khỏi sốt ruột. Bà Lan lo ngại, số lượng doanh nghiệp của người Việt Nam sẽ chẳng còn được bao nhiêu sau làn sóng ấy.

Trong tốp 10 thương vụ M&A lớn nhất, có đến 9 thương vụ có mặt nhà đầu tư nước ngoài với vai trò là bên mua.

Gần đây, mối lo thâu tóm và tập trung kinh tế lại trở nên bức xúc hơn bao giờ hết, khi hàng loạt thương vụ M&A trong lĩnh vực bán lẻ được thực hiện. Từ thương vụ của hơn nửa năm trước, khi Tập đoàn TCC Holdings của Thái Lan thâu tóm thành công hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam từ tay Tập đoàn Metro Group của Đức để đổi tên thành Mega Market, hay trước đó nữa là việc Aeon (Nhật Bản) mua thêm 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần của Citimart, rồi Berli Jucker Plc (BJC) của Thái Lan đã mua hệ thống 42 cửa hàng FamilyMart (Nhật Bản) tại Việt Nam và đổi tên thành B’mart đến gần đây là Central Group hoàn tất việc mua lại BigC Việt Nam…

Không chỉ là thực hiện các thương vụ M&A, các đại gia bán lẻ nước ngoài như Ministop, Aeon (Nhật Bản) hay Lotte (Hàn Quốc), Auchan (Pháp)… cũng đang từng ngày mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam.

Hẳn nhiên, nỗi lo thâu tóm và tập trung kinh tế là có thật. Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cũng đã từng thẳng thắn bày tỏ rằng, tuy làn sóng thâm nhập mạnh mẽ từ các đại gia bán lẻ nước ngoài đem lại thời cơ lớn cho thị trường, song cũng lại là thách thức to lớn đối với doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ Việt Nam trước “nguy cơ bị nhà bán lẻ nước ngoài thôn tính, chiếm lĩnh thị trường”. Nỗi lo hàng Thái, hàng ngoại nhập lấn át hàng nội cũng đã được nhắc tới và đó là nguy cơ hiện hữu, nhất là trong bối cảnh dù chưa có các hệ thống bán hàng của người Thái, người Nhật thì hàng nhập khẩu cũng đang bày bán ê hề trên thị trường Việt Nam.

Và thực ra câu chuyện không chỉ là lĩnh vực bán lẻ. Số liệu thống kê cho thấy, hiện các nhà đầu tư nước ngoài đang chiếm đại đa số trong danh sách các thương vụ M&A có giá trị lớn. Trong tốp 10 thương vụ lớn nhất, có đến 9 thương vụ có mặt nhà đầu tư nước ngoài với vai trò là bên mua. Các nhà đầu tư nước ngoài thường đóng vai trò quan trọng trong các thương vụ quy mô từ 30 triệu USD đến trên 100 triệu USD, thậm chí là cả tỷ đô la. Trong khi đó, các thương vụ giữa các doanh nghiệp nội tuy chiếm đa số với trên 60%, nhưng giá trị lại nhỏ, chỉ quanh mức 5 triệu USD.

Thực ra điều này là dễ hiểu. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, do nhà đầu tư Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về vốn, kỹ thuật, công nghệ quản trị, do vậy dễ thất bại trong các cuộc thương thuyết. Việc Co.op Mart đã từng muốn mua BigC nhưng bất thành có thể coi là một ví dụ điển hình.

Nhưng một khi sự xuất hiện của các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng lớn thì nguy cơ bị thâu tóm, bị mất thương hiệu, mất thị trường vào tay các đối tác sừng sỏ này càng nhiều. Nhiều năm trước đây, thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan nổi tiếng một thời đã bị mất vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Mới đây, bánh kẹo Kinh Đô cũng lại đã thuộc về Mondelēz International… Dù cả ông chủ của Dạ Lan và Kinh Đô đều được hưởng lợi từ các thương vụ này và họ bán cổ phần vì những toan tính riêng, bao gồm cả việc chuyển hướng chiến lược kinh doanh như Kinh Đô, song trong con mắt của nhiều người Việt Nam, đây đó vẫn có chút xót xa khi một thương hiệu Việt đã nằm trong tay kẻ khác.

Và câu chuyện lợi ích

Hứng khởi với sự sôi động trên thị trường M&A là điều quá dễ hiểu. Bởi điều đó cho thấy sức hấp dẫn rất lớn của thị trường Việt Nam. Song, câu chuyện còn lại, trước hết đó là nỗi lo bị thâu tóm và chuyện thu thuế sau các thương vụ chuyển nhượng này.

Không phải ngẫu nhiên mà sau các thương vụ bán Metro, BigC đã có các yêu cầu về việc TCC Holdings báo cáo lại quá trình mua lại Metro Cash & Carry. Tương tự là yêu cầu về việc rà soát để thu thuế chuyển nhượng BigC. Khoản thuế này được tính toán có thể lên tới 3.600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở chỗ, trong khi cơ quan thuế tỏ ra tự tin rằng hoàn toàn có thể thu được khoản thuế này thì các chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực này lại cho rằng, điều đó là rất khó.

Nguyên nhân là vì doanh nghiệp này tuy kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam, nhưng hoạt động chuyển nhượng lại diễn ra trên lãnh thổ nước khác. Bởi vậy, về mặt pháp lý, đây là một khoản khó đòi. Thậm chí, ngay cả khi hoạt động chuyển nhượng diễn ra tại Việt Nam, thì các bên liên quan cũng sẽ tìm cách để lách luật, làm sao để nộp thuế thấp nhất.

Đây là câu chuyện không mới. Việc các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tìm cách chuyển giá, rồi bây giờ là lách thuế chuyển nhượng đã không khỏi khiến dư luận bức xúc. Bởi thế, dù hứng khởi trước sự bùng nổ của thị trường M&A đến thế nào chăng nữa thì điều này chỉ thực sự có ý nghĩa khi cuộc chiến cam go chống thâu tóm, tập trung kinh tế và chống trốn thuế chuyển nhượng có được những thành công.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here