Nội Dung Chính
“Internet of Things” (IOT), tạm dịch là “Thời đại Internet hoá”, được ví như cuộc “cách mạng công nghiệp” tiếp theo trong hành trình phát triển của loài người.
Lý do cho tên gọi đó là sự thay đổi mà nó mang đến cho sinh hoạt, làm việc, giải trí, du lịch của mọi người dân trên hành tinh, thậm chí cả cách các chính phủ và doanh nghiệp ở các nước tương tác với thế giới.
Trong thực tế, cuộc cách mạng ấy đã bắt đầu từ vài năm trước. Khi mua một chiếc xe ôtô mới, người dùng sẽ thấy có rất nhiều “đồ chơi” và ứng dụng nối mạng được cài đặt sẵn sàng trong xe.
Những thiết bị gia đình thông minh giúp bạn điều khiển nhiệt độ phòng, kéo rèm, hoặc chơi nhạc với chỉ vài tiếng nói. Thiết bị theo dõi tập luyện thể dục mà bạn đeo trên cổ tay của mình có thể chia sẻ cho người thân và bạn bè của bạn biết những hoạt động bạn đang tập.
Tất cả đều là một phần của cuộc cách mạng IOT.
Nhưng đó chỉ mới là sự bắt đầu.
Một dự án nghiên cứu của Business Insider Intelligence (BII) đã theo dõi sự phát triển của IOT trong suốt 2 năm qua, đặc biệt là cách người tiêu dùng, doanh nghiệp, và các chính phủ đang sử dụng hệ sinh thái IOT. John Greenough và Johnathan Camhi tại BII đã lập ra một bản báo cáo kết quả nghiên cứu phân tích từng bộ phận của toàn bộ hệ sinh thái IOT, và đưa ra dự báo về hướng phát triển sắp tới của các thị trường IOT tiên phong.
Sau đây là một số tóm tắt của bản báo cáo nghiên cứu này:
IOT thực ra là gì?
Đó là một hệ thống mạng lưới các thiết bị được kết nối internet, có thể thu thập và trao đổi dữ liệu.
Hệ sinh thái IOT là gì?
Hệ sinh thái IOT cho phép các tổ chức có thể kết nối, kiểm soát và sử dụng các thiết bị IOT. Trong hệ sinh thái này, một tổ chức có thể sử dụng các thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính bản, … để gửi đi các hiệu lệnh, hoặc truy cập thông tin từ một mạng lưới các thiết bị IOT khác.
Trong trường hợp hiệu lệnh, thiết bị nhận lệnh sẽ thực hiện các công việc được thiết kế, thu thập dữ liệu để được truy cập và phân tích nhanh chóng.
Những động lực và rào cản của thị trường
Có 4 động lực chính cho thị trường IOT: kết nối Internet ngày càng mở rộng, thiết bị di động bùng nổ, thiết bị cảm biến với chi phí ngày càng thấp hơn, các nguồn đầu tư lớn đang đổ vào IOT.
Bênh cạnh đó, cũng có 4 rào cản đáng chú ý cho sự phát triển của thị trường IOT: các quan ngại về an ninh mạng, bảo mật thông tin cá nhân, các vấn đề trong quá trình ứng dụng, những tiến bộ về công nghệ còn đang phân tán.
Quy mô của thị trường
Trong tóm tắt tổng quan, báo cáo ước tính có khoảng 24 tỷ thiết bị IOT trên thế giới vào năm 2020. Tổng vốn đầu tư trong lĩnh vực IOT trong 5 năm tới sẽ đạt mức 13 nghìn tỷ đô la Mỹ
Ba đối tượng chính sử dụng thiết bị IOT, bao gồm các chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các nhóm thị trường này được dự đoán sẽ đóng góp chủ yếu cho thị trường IOT.
Đối với người tiêu dùng: 5 tỷ thiết bị IOT được cài đặt vào năm 2020, người tiêu dùng chi tiêu khoảng 900 triệu đô la Mỹ cho IOT, và dự báo vốn đầu tư vào thị trường này là 400 triệu đô la Mỹ đến 2020.
Đối với các chính phủ: sẽ có khoảng 7,7 tỷ thiết bị IOT được cài đặt đến năm 2020, tiêu tốn khoản 2,1 tỷ đô và 4,7 tỷ đô trong vốn đầu tư.
Đối với thị trường doanh nghiệp: sẽ có khoảng 11,2 tỷ thiết bị được cài đạt vào năm 2020, với chi phí 3 tỷ đô và 7,6 tỷ đô cho đầu tư.
Các ngành được hưởng lợi từ hệ sinh thái IOT
Ngành công nghiệp sản xuất: 35% các nhà sản xuất đã sử dụng các thiết bị cảm biến thông minh trong hiện tại, 10% đang có kế hoạch sử dụng trong năm tới, theo báo cáo từ PwC.
Ngành dầu khí và khai khoán: Ước tính 5,4 triệu thiết bị IOT sẽ được sử dụng tại các mỏ khai thác dầu vào năm 2020. Các thiết bị này chủ yếu là các cảm ứng nối Internet được sử dụng để cung cấp thông tin về các chỉ số môi trường tại mỏ khai thác.
Ngành giao thông: Các phương tiện giao thông nối mạng là các thiết bị IOT chính trong ngành này. Ước tính sẽ có khoản 220 triệu xe ôtô nối mạng được sử dụng vào năm 2020.
Ngành bảo hiểm: 74% các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực bảo hiểm nói rằng họ tin tưởng IOT sẽ cách mạng hoá ngành bảo hiểm trong 5 năm tới. 74% có kế hoạch đầu tư vào phát triển và ứng dụng các chiến lược IOT trong năm tới, theo nguồn từ trung tâm nghiên cứu SMA.
Ngành nông nghiệp: Ước tính 75 triệu thiết bị IOT sẽ được bán cho khối ngành nông nghiệp đến năm 2020. Các thiết bị này chủ yếu cảm biến trong đất để theo dõi nồng độ axit, nhiệt độ, và những yếu tố khách để giúp nông dân nâng cao sản lượng thu hoạch.
Ngành năng lượng: Các công ty năng lượng khắp thế giới đang cố gắng đáp ứng nhu cầu năng lượng toàn cầu đang tăng lên nhanh chóng. Để thực hiện điều đó một cách hiệu quả, họ sẽ cài đặt 1 tỷ thiết bị đo lường thong minh cho đến năm 2020.
Ngành quốc phòng: Ước tính chi tiêu cho các thiết bị bay không người lái sẽ đạt mức 8,7 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020. Thêm vào đó, 126 000 robot quân sự sẽ được chuyển giao đến năm 2020, theo nguồn từ Frost & Sullivan.
Ngành cơ sở hạ tầng: Ước tính các đô thị lớn trên thế giới sẽ tăng chi tiêu cho các hệ thống IOT thông minh từ 36 tỷ đô trong năm 2014 lên 133 tỷ đô vào năm 2019. Sự đầu tư này sẽ tạo ra 421 tỉ đô về giá trị kinh tế cho các thành phố lớn trên thế giới vào năm 2019.
Lĩnh vực nhà ở: Đến năm 2030, kết quả nghiên cứu dự đoán rằng phần lớn các thiết bị gia dụng được sản xuất và tiêu dùng là các thiết bị IOT, đặc biệt là từ động lực cạnh tranh giữa các nhà sản xuất lớn để kết nối các thiết bị do mình sản xuất.
Ngành dịch vụ ăn uống: Dự đoán 310 triệu thiết bị IOT sẽ được sử dụng bởi các công ty dịch vụ ăn uống vào năm 2020. Phần lớn các thiết bị này là các bản hiệu điện tử kết nối và thu thập thông tin trong các cửa chuỗi cửa hàng bách hoá và thức ăn nhanh.
Ngành dịch vụ khách sạn: 31% các khách sạn lớn sử dụng khoá cửa thông minh, 33% có các thiết bị điều khiển phòng thông minh, 16% có TV kết nối internet, và 15% sử dụng các thiết bị cảm ứng báo động khắp khách sạn, theo một khảo sát năm 2015 của tổ chức Hospitality Technology. Bạn có thể tưởng tượng ngành này sẽ phát triển các hệ thống IOT đến mức nào trong năm 2020.
Ngành dịch vụ bán lẻ: Các thiết bị cảm ứng kết nối với các ứng dụng điện thoại thông minh đã được sử dụng trong các cửa hàng để tìm hiểu hành vi khách hàng và cải tiến cách quảng cáo đến khách hàng. Chỉ trong nước Mỹ, ước tính khoảng 44,4 tỷ đô thu được từ tin nhắn quảng cáo được tạo từ phân tích dữ liệu của các cảm biến.
Ngành dịch vụ vận tải: Các thiết bị cảm biến theo dõi lộ trình được cài đặt vào các kiện hàng và các công hàng được vận chuyển để giảm thiểu chi phí vận chuyển, đồng thời tăng hiệu quả của mạng lưới. Thêm vào đó, các robot IOT như robot Kiva của Amazon giúp giảm thiểu chi phí kho bãi, nhân lực và các vấn đề hư hỏng hàng hoá.
Ngành dịch vụ sức khoẻ: Ước tính 646 triệu thiết bị IOT sẽ được sử dụng trong ngành y tế vào năm 2020. Các thiết bị chăm sóc y tế được kết nối IOT có thể thu thập dữ liệu, xử lý thông tin tự động, và hơn thế nữa.
Nhưng những thiết bị này cũng có nguy cơ bị tấn công, vì thế có những quan ngại lớn về khả năng bảo mật của các thiết bị này khi mà sự an nguy của người bệnh có thể phụ thuộc hoàn toàn vào chúng.
Ngành ngân hàng: Có gần 3 triệu máy ATM đã được cài đặt toàn cầu vào năm 2015, theo World Bank. Các thiết bị IOT có thể tạo ra lựa chọn kết nối các giao dịch viên ngân hàng với các máy ATM để tăng chất lương dịch vụ, đồng thời giảm chi phí của các phòng giao dịch.
Lĩnh vực quản lý các toà nhà thông minh: Tại Mỹ, 43% các toà nhà được quản lý bằng các công nghệ IOT. Trong vài năm tới chúng ta sẽ thấy xu hướng này càng tăng lên nhanh chóng và ảnh hưởng đến tất cả những người sử dụng các toà nhà này.
Năm 2020, các thiết bị IOT sẽ chiếm 24 tỷ, trong khi số lượng các loại thiết bị kỹ thuật số truyền thống ( điện thoại thông minh, máy tính bảng, đồng hồ thông minh, …) chỉ chiếm 10 tỷ trong tổng số này.
Kết luận
Vậy chúng ta có thể thấy gì từ bảng tóm tắt của bức tranh toàn cảnh “Thời đại Internet hoá” trên? Có một số điểm nổi bật từ kết quả nghiên cứu như sau:
Dự báo có tổng cộng 34 tỷ thiết bị kết nối với mạng Internet đến năm 2020, từ con số 10 tỷ trong năm 2015. Các thiết bị IOT sẽ chiếm 24 tỷ, trong khi số lượng các loại thiết bị kỹ thuật số truyền thống ( điện thoại thông minh, máy tính bảng, đồng hồ thông minh, …) chỉ chiếm 10 tỷ trong tổng số này.
Gần 6 nghìn tỷ đô sẽ được chi cho các giải pháp IOT trong vài năm tới cho đến 2020.
Các doanh nghiệp sẽ là những tổ chức đi đầu trong ứng dụng các giải pháp công nghệ IOT. Họ thấy được có 3 cách mà IOT có thể giúp họ tăng hiệu quả kinh doanh: 1) giảm chi phí hoạt động, 2) tăng hiệu quả lao động, và 3) phát triển các thị trường mới hoặc phát triển các sản phẩm mới.
Các chính phủ đang tập trung tăng cao hiệu quả lao động, giảm chi phí, và nâng cao đời sống xã hội. Trong tương lai, họ được dự đoán là nhóm lớn thứ hai sử dụng công nghệ IOT.
Với người tiêu dùng, họ là những người được tiếp nhận dịch vụ và sử dụng sản phẩm cuối cùng trong quá trình phát triển các giải pháp IOT, tuy nhiên họ lại là nhóm tiêu thụ một số lượng rất lớn các thiết bị IOT, đồng thời là động lực thúc đẩy tất cả các ngành nghề cập nhật ứng dụng IOT trong hoạt động để cạnh tranh.
Chúng ta vừa bước sang năm 2017. Cho đến tương lai gần vào năm 2020, chúng ta sẽ chứng kiến một giai đoạn phát triển thần tốc ngắn nhất trong lịch sử loài người, với những cải cách công nghệ thay đổi hoàn toàn những thói quen trong cuộc sống hằng ngày của con người.
Có rất nhiều cảm xúc phấn khích, háo hức, cũng có không ít lo lắng và quan ngại cho sự thay đổi thần tốc này. Hiểu được những cơ hội cũng như thách thức mà “Thời đại Internet hoá” mang lại sẽ là điều kiện cần thiết để các nước như Việt Nam chúng ta hội nhập với thế giới.
Chúng ta là những nền kinh tế phát triển sau, nhưng điều đó không có nghĩa rằng chúng ta không có khả năng để bắt kịp các nước lớn trong “Thời đại Internet hoá”. Mỗi một doanh nghiệp công nghệ được ra đời và phát triển tại Việt Nam sẽ là một đứa con của hy vọng, cho tương lai rất gần của chúng ta.