Xây dựng thương hiệu là khâu quan trọng với không chỉ doanh nghiệp đứng vững trên thị trường mà cả các doanh nghiệp mới bước chân vào con đường khởi nghiệp.
Hiện nay, thương hiệu trở thành một từ khóa phổ thông, được nhắc đến nhiều trên truyền thông cũng như đời sống hàng ngày. Thương hiệu trước hết giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt sản phẩm của doanh nghiệp này với sản phẩm của doanh nghiệp khác, tạo cảm giác tin tưởng, an toàn. Từ phía doanh nghiệp, thương hiệu là tài sản vô hình, giúp họ đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ sản phẩm, bán ở mức giá cao hơn và dễ thâm nhập thị trường hơn.
Đối với startup, vai trò của thương hiệu cũng không khác nhiều so với các doanh nghiệp nói chung. Đặc biệt, thương hiệu tốt là cơ sở để startup tuyển dụng nhân tài và thu hút thêm vốn đầu tư. Tuy nhiên việc xây dựng thương hiệu cho startup trong điều kiện nguồn lực tài chính có hạn lại là một bài toán khó.
Phát biểu tại hội thảo hôm 14/5 về chủ đề xây dựng thương hiệu cho startup, chị Ngọc Mai, Giám đốc cấp cao tại T&A Ogilvy cho biết việc này nên bắt đầu sớm nhất có thể, tuy nhiên dựa trên tình hình thực tế và mục đích của mỗi startup, nhắm tới khách hàng cá nhân hay khách hàng doanh nghiệp.
“Nhiều người nghĩ xây dựng thương hiệu là liên quan đến truyền thông quảng bá, phải để tất cả mọi người đều biết đến… nhưng đây là quan điểm chưa đúng lắm.”
Theo chị Mai, việc xây dựng thương hiệu nên bắt đầu ngay khi có ý tưởng liên quan đến sản phẩm. Các startup nên nghĩ đến tên thương hiệu, logo, giá trị thương hiệu mang đến cho khách hàng… các yếu tạo ra giá trị cốt lõi cho thương hiệu, còn việc truyền thông quảng bá thì có thể để sau.
“Nên cân nhắc mình đang ở giai đoạn nào, hướng tới ai, cân đối mặt ngân sách vì nhiều startup thường ưu tiên thực hiện chiến lược kinh doanh để phát triển sản phẩm trước”, chị Mai kết luận.
Cùng quan điểm với chị Mai, anh Minh Quang, Trợ lý Quản lý Thương hiệu tại Unilever, nhà sáng lập Tomorrow Marketers Academy cho biết, startup nên xây dựng thương hiệu ngay từ đầu, tuy nhiên việc này còn tùy thuộc vào định hướng chiến lược của CEO.
Anh lấy ví dụ với một công ty mạnh về sales (bán hàng), vẫn nên cố gắng duy trì độ nhận diện thương hiệu với khách hàng nhưng cần tập trung vào nhiều hơn vào lĩnh vực sales. Nếu công ty có khả năng thì nên làm hai việc cùng một lúc. Trường hợp ngân sách hạn hẹp nên tập trung đầu tư vào thế mạnh hơn là đổ nhiều tiền vào truyền thông thương hiệu.
Trường hợp ngân sách hạn hẹp nên tập trung đầu tư vào thế mạnh hơn là đổ nhiều tiền vào truyền thông thương hiệu.
“Phải làm cái gì để mình sống đã. Công ty không sống thì sao làm thương hiệu được”, anh Quang chia sẻ.
Cũng theo anh, khâu cốt lõi trong quá trình xây dựng thương hiệu là tìm được insight-sự thấu hiểu sâu sắc với nhu cầu khách hàng. Anh lấy ví dụ Lux là một trong những thương hiệu mạnh nhất của Unilver trong ngành hàng xà bông tắm. Trước đó Unilvever đã có Dove chuyên dành cho da dưỡng ẩm, Lifebuoy chuyên diệt khuẩn, làm sạch da thì Lux được sinh ra đáp ứng nhu cầu tạo mùi hương. Sau này tất cả các chiến dịch truyền thông của Lux đều xoay quanh thông điệp hương thơm và sự quyến rũ.
“Ban đầu mình xác định insight người dùng phải chính xác, phải bền vững, đủ lớn để thương hiệu phát triển qua thời gian thì mới tiếp tục xây thương hiệu được”, anh Quang kết luận.