Giới phân tích thế giới nhận định kế hoạch mở hãng hàng không Bamboo Airways là táo bạo và cũng rất mạo hiểm.
Vừa qua, FLC thông báo sẽ mua 20 máy bay Boeing dòng 787-9 Dreamliner với tổng trị giá hợp đồng khoảng 5,6 tỷ USD. Trả lời phóng vấn báo giới, ông Trịnh Văn Quyết cho biết Bamboo Airlines đã chuẩn bị xong về hạ tầng và nhân sự để có thể cất cánh trong tháng 10 tới. Ông Quyết chia sẻ: “Tôi có thể khẳng định 99% là Bamboo Airways sẽ cất cánh trong năm 2018 này”.
Bamboo Airways sẽ thực hiện những chuyến bay trong nước đến tất cả các tỉnh thành có sân bay của Việt Nam. Ngoài ra, hãng cũng đang triển khai các đường bay quốc tế từ Việt Nam đi Thái Lan, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Mỹ.
Theo ông Quyết, Bamboo Airways sẽ định vị như là hãng hàng không đạt tiêu chuẩn 5 sao nhưng có những chặng bay giá siêu rẻ. Giải thích về khái niệm siêu rẻ, ông cho biết, đến năm 2020, FLC sẽ có gần 20 quần thể nghỉ dưỡng trải dài khắp đất nước Việt Nam và mỗi quần thể nghỉ dưỡng của FLC đều có hệ thống sân golf. Khi đó, Bamboo Airways sẵn sàng miễn phí các chuyến bay từ quốc tế đến các quần thể nghỉ dưỡng này và không định vị mình là hãng hàng không giá rẻ.
Sự kiện FLC mua một số lượng máy bay lớn như vậy cũng thu hút sự chú ý của báo giới Mỹ. Trao đổi với Washington Post, chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết nói ông muốn mở rộng hoạt động của Bamboo Airways lên 16 tuyến nội địa và 10 tuyến quốc tế, bắt đầu với các tuyến trong khu vực và sau đó là vươn tới Mỹ và châu Âu. Ông nói: “Thỏa thuận với Boeing hôm nay chỉ là bước đầu tiên. Chúng tôi muốn có 100 chiếc máy bay trong tương lai “.
Washington Post cho rằng FLC đang có những bước đi đầy rủi ro khi tham gia ngành hàng không. Tờ này cho rằng, việc đặt một đơn hàng có giá trị khổng lồ trong khi chưa thử nghiệm trên thị trường là rất bất thường.
Henry Harteveldt, một nhà phân tích hàng không vũ trụ thương mại của Atmosphere Research, chia sẻ với WP rằng: “Việc mua hai mươi chiếc Boeing 787 cho thấy mức độ tự tin (hay số khác sẽ nói là kiêu ngạo) và hoặc là có rất nhiều tiền. Nó cho thấy rằng FLC sẵn sàng phớt lờ kế hoạch tài chính cơ bản với một hãng hàng không, nơi bạn thường mua một vài chiếc trước và chờ đợi sự đánh giá của thị trường. Đó là một động thái rất táo bạo, rất mạo hiểm”.
Bầu trời ngày càng chật chội
Richard Aboulafia, một nhà phân tích hàng không vũ trụ của Tập đoàn Teal, cho biết ông hoài nghi rằng thị trường hàng không của Việt Nam có thể đủ chỗ một hãng hàng không khác. Theo ông, hiện tại Việt Nam có 3 hãng hàng không chính phục vụ 3 phân khúc khác nhau. Ý ông muốn nhắc đến Vietnam Airlines, Viet Jet Air và Jetstar Pacific Airlines.
Đó cũng là điều mà Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhắc đến trong một báo cáo về ngành hàng không Việt Nam hồi đầu năm 2018. Theo BVSC, 2 hãng hàng không lớn nhất thị trường Việt Nam là HVN và VJC chiếm gần như toàn bộ thị phần nội địa. Mỗi hãng đại diện cho một mô hình kinh doanh khác nhau, với Vietnam Airlines là mô hình FSC (Full Services Carrier) còn Viet Jet Air là mô hình LCC (Low Cost Carrier).
BVSC nhận định cạnh tranh ở phân khúc này đối với các hãng hàng không Việt Nam là các hãng hàng không quốc tế gồm cả FSC và LCC. Mô hình FSC của Việt Nam (HVN) không có thế mạnh cạnh tranh nào so với các hãng quốc tế, còn mô hình LCC (VJC) có thể cạnh tranh nhờ giá vé rẻ đối với các hãng FSC quốc tế, cạnh tranh nhờ dịch vụ đối với các hãng LCC quốc tế và khả năng tìm kiếm thị trường mới ít đối thủ. Có thể thấy thị phần vận chuyển khách quốc tế của VJC đang tăng trưởng nhanh còn thị phần của HVN đang có nguy cơ bị tụt lại.
Về quy mô đội bay, việc Bamboo muốn phát triển đội bay lên đến 100 chiếc trong tương lai sẽ khiến bầu trời ngày càng chật chội. Vietnam Airlines dự kiến phát triển đội bay của mình lên 116 chiếc vào năm 2018; Jetstar Pacific lên 30 chiếc vào năm 2020; Viet Jet Air thì dự kiến sẽ phát triển đội bay lên 219 chiếc vào năm 2023.
Thị trường hàng không cho phân khúc quốc tế có tiềm năng tăng trưởng rất lớn bởi lượng khách quốc tế ở Việt Nam đang tăng mạnh với mức tăng 26% trong năm 2016 và đạt 29,1% trong năm 2017. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam cao hơn khách ở Việt Nam đi quốc tế.
Chính điều này đã thu hút không chỉ các hãng hàng không nội địa mà còn các hãng hàng không nước ngoài như Air Asia tham gia thị trường. Tuy nhiên, không dễ để các hãng hàng không mới chen chân vào, và liệu các hãng mới có duy trì được hoạt động hay không là một vấn đề lớn.
Trong quá khứ, các hãng hàng không như Air Mekong hay Indochina cũng chỉ gắng gượng được vài năm trước khi dừng hoạt động. Và để có được thành công như hiện nay, VietJetAir cũng đã có thời gian chuẩn bị trong 4 năm kể từ khi được cấp phép trước khi chính thức thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên.