Nội Dung Chính
Vụ lùm xùm từ Dược phẩm Hoa Linh và “chiến thần review” Hà Linh đã “ném đá” vào mặt hồ dư luận đang yên ả. Dấy lên luồng tranh cãi lớn nhất từ trước đến nay liên quan tới ngành Dược phẩm. Dựa trên số liệu thống kê từ Internet Listening – giải pháp phân tích dữ liệu và nền tảng Internet thuộc hệ sinh thái truyền thông Admicro – VCcorp, hãy bắt đầu đi từ bức tranh toàn cảnh để có góc nhìn khách quan và logic hơn về vụ việc xảy ra gần đây.
Toàn cảnh khủng hoảng truyền thông của Hoa Linh
Chuỗi drama bắt đầu bùng nổ từ ngày 2/4
Tối ngày 02/04, Hà Linh bất ngờ đăng 1 clip giới thiệu về livestream sắp ra mắt, trong đó có nhắc tới dầu gội Nguyên Xuân với các cụm từ giật tít “xanh 18 cành, nâu 11 cành”. Ngay lập tức, cộng đồng mạng và các kênh phân phối “dậy sóng” vì giá sản phẩm quá rẻ khi đem so với mặt hàng được mua tại tiệm thuốc với giá 71.000 đồng và 76.000 đồng.
Tiếp diễn các ngày sau đó 3/4 & 5/4
Đứng trước cơn mưa gạch đá từ các nhà thuốc, ngày 03/04 cả Hoa Linh và Hà Linh phải lên tiếng đính chính với một dòng trạng thái ”Sản phẩm được bán trong livestream là các combo sản phẩm của Hoa Linh, với mong muốn đem đến cho khách hàng là người tiêu dùng cuối mức giá ưu đãi tốt nhất để trải nghiệm dùng thử sản phẩm chính hãng. Số lượng sản phẩm bán trong livestream có hạn và chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, mục tiêu là giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng”.
Tranh cãi bán “phá giá” trong lần hợp tác với Dược phẩm Hoa Linh đã khiến phiên livestream vào tối 4/4 của “chiến thần” Hà Linh vốn đang hot lại càng nhận thêm nhiều sự chú ý. Thời điểm người xem cao nhất trong buổi tối hôm đó vượt ngưỡng 300K người, gần 60K người đặt mua cùng thời điểm.
Hà Linh cũng khẳng định đây là “một chương trình truyền thông của nhãn hàng”, người dùng sẽ mua được sản phẩm dầu gội xanh với giá 18K và nâu với giá 11K khi mua theo hình thức combo dầu gội + dầu xả + kem đánh răng của cùng công ty dược mỹ phẩm này.
Tổng combo này có giá 158K trên kênh mua sắm của Võ Hà Linh. Nếu lấy giá thị trường của kem đánh răng (khoảng 70K) và dầu xả (khoảng 70K) trừ đi giá tổng combo sẽ ra được giá sản phẩm dầu gội chỉ 11K – 18K, đúng như những gì video “nhá hàng” mà “chiến thần” đăng tải vào ngày 2/4.
Dẫu vậy, dù có khẳng định là mình không hề “phá giá”, vẫn có không ít cư dân mạng chỉ trích Võ Hà Linh “giật tít quảng cáo câu view”, “nói hai lời”… Trong video tung ra trước livestream của cô chỉ có câu “xanh 18 cành, nâu chỉ 11 cành”, điều này khiến người xem hiểu lầm giá bán của 2 sản phẩm này chỉ là 11K và 18K, làm bên phân phối, đại lý hoang mang với mức giá bán chỉ bằng 1/6 giá nhập từ xưởng.
Cộng đồng mạng cho rằng nếu Hà Linh nói rõ ràng về việc bán theo combo, số lượng có hạn thì đã không gây nên làn sóng tranh cãi lớn như vậy.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều luồng ý kiến bênh vực Võ Hà Linh, họ cho rằng:
“Mấy bạn xưa giờ chắc không săn sale nên không biết hay cố tình không biết hay sao á. Việc nói 18K hay 11K cũng chỉ đánh vào tâm lý người mua vào ngày sale. Mỗi bên hãng cho ra deal khác nhau ở phần quà tặng kèm thôi. Mà thực sự mua ở live của Linh là dễ rồi ý. Số lượng hàng quá lớn”, một người dùng bình luận.
Dưới phần bình luận về các bài đăng Võ Hà Linh, nhiều người cũng khẳng định lại ý kiến “chiến thần” và nhãn hàng Hoa Linh không “hề quay xe”. Bởi cô đã đính chính ngay trước phiên livestream rằng giá trong clip không phải giá lẻ mà là chương trình combo diễn ra trong một thời gian ngắn.
Ngoài ra, trong livestream, Hà Linh cũng nói thêm, nhãn hàng đang chịu lỗ khi tặng kèm kem đánh răng, bởi chiến lược của công ty là muốn truyền thông rộng rãi để quảng bá sản phẩm. Dường như những lời đính chính của nhãn hàng không đủ để xoa dịu, các group nhà thuốc xôn xao và liên tục đăng tải bài viết đề cập tới dược phẩm Hoa Linh. Những bài viết này thu hút hàng trăm lượt bình luận, nhiều ý kiến trái chiều nổ ra, phần lớn là các kênh phân phối thể hiện sự phẫn nộ, bất bình khi bị gắn mác bán giá “cắt cổ” và mất đi uy tín, danh dự của người làm thuốc.
Cũng trong ngày 4/4, từ khóa “dầu gội Nguyên Xuân” đạt đỉnh nằm trong top tìm kiếm của Google, tăng kỷ lục với 27,1k volume và 5,000 lượt search. Đồng thời, khi gõ tìm kiếm từ khóa trên, gã khổng lồ sẽ trả về 5 triệu kết quả chỉ trong vòng 0,46 giây.
Cơn phẫn nộ vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại – Ngày 5/4
Sang đến ngày 5/4, thông tin bán “phá giá”, quay lưng với nhà bán lẻ của Hoa Linh xuất hiện rầm rộ trên mọi mặt báo với nhiều phản hồi tiêu cực. Từ khoá “Dược phẩm Hoa Linh” lọt top tìm kiếm google với hơn 5,000 lượt tìm kiếm, vượt qua hàng loạt tên tuổi nổi bật như Jisoo Blackpink, Seagame 32.
Cũng trong buổi sáng hôm ấy, Dược phẩm Hoa Linh bất ngờ nhận hàng loạt đánh giá 1 sao trên Google cùng những lời nhận xét mang tính công kích từ phía cộng đồng. Nhiều người còn giải thích mình đánh giá 1 sao vì không thích Hà Linh hoặc vì Hà Linh review. Một số đánh giá còn kèm theo những từ ngữ nặng nề và “chối” tai.
Trước đó fanpage Dược phẩm Hoa Linh trên Facebook cũng phải khoá bình luận để ngăn cản những ý kiến trái chiều từ cư dân mạng. Sau hành động này, nhiều cư dân mạng đã chuyển sang thả “phẫn nộ” trong các bài đăng của Hoa Linh.
Vào 12h trưa cùng ngày, Dược phẩm Hoa Linh cũng chính thức lên tiếng khi đăng tải tâm thư xin lỗi chân thành tới các nhà thuốc, nhà phân phối sản phẩm và khách hàng của mình. Hãng đã nhận hoàn toàn trách nhiệm về mình, cụ thể là do sự thiếu sót trong việc triển khai, từ đó, dẫn đến những thông tin hiểu lầm, gây ảnh hưởng tới các kênh phân phối truyền thống.
Thương hiệu cũng khẳng định rằng, mình luôn trân trọng và biết ơn sự hỗ trợ, hợp tác của các kênh bán hàng truyền thống. Đồng thời cam kết rằng, các kênh bán hàng truyền thống không chỉ đóng vai trò quan trọng ở hiện tại mà sẽ còn kéo dài trong tương lai.
Mới đây, theo như chia sẻ với truyền thông, Dược phẩm Hoa Linh hé lộ rằng, công ty đã điều các trình dược viên của công ty xuống tận các hiệu thuốc, nhà phân phối để giải thích và xin lỗi với khách hàng. Công ty cũng dán bảng giá niêm yết giá bán lẻ của công ty rõ ràng tại điểm bán để tránh gây hiểu nhầm.
Theo thông tin trên website, hiện Hoa Linh đang hợp tác với hơn 170 đại lý phân phối trên toàn quốc, trong đó bao gồm các nhà thuốc, nhà phân phối, công ty dược phẩm và nhiều đơn vị bán lẻ khác.
Anh Quân – Quản lý kho phân phối Dược phẩm Hoa Linh tại Bình Chánh chia sẻ: “Sau sự việc trong livestream anh đã liên hệ trực tiếp với hãng để xác minh mức giá 11.000 đồng 18.000 đồng của 2 sản phẩm dầu gội Nguyên Xuân và được giải thích cặn kẽ. Ngoài ra, anh cũng đọc được thông báo xin lỗi của Hoa Linh, nhưng chưa thấy nhân viên hãng trực tiếp đến giải trình.
Đại diện Công ty TNHH MTV Sang Tân Tiến (nhà phân phối của Dược phẩm Hoa Linh tại Cà Mau) cho biết: “Đến nay, mình mới chỉ nhận được văn bản xin lỗi có dấu đỏ của Dược phẩm Hoa Linh vào sáng ngày 7/4. Được biết, Công ty TNHH MTV Sang Tân Tiến đã làm việc với Dược phẩm Hoa Linh trong thời gian dài nên không hoài nghi về cách thức làm việc hay chất lượng của sản phẩm. Cho đến thời điểm hiện tại, đơn vị này chưa nhận được phải hồi tiêu cực nào từ khách hàng sau sự việc livestream trên.”
Dù câu chuyện ồn ào giữa hợp tác bán hàng qua livestream của Dược phẩm Hoa Linh và “chiến thần review” Hà Linh đã khép lại nhưng dân tình vẫn rất quan tâm đến các động thái tiếp theo của cả hai bên. Bởi xét cho cùng, sau khi khủng hoảng xảy ra, công ty đã phải hứng chịu khá nhiều thiệt hại về hình ảnh và sự uy tín.
Những con số “tai tiếng” không ai muốn giành
- 92.9% chủ đề thảo luận trong số 19,666 chủ đề về thương hiệu đều bàn đến vụ lùm xùm của Dược phẩm Hoa Linh và Hà Linh.
- Tổng lượng tương tác tăng gấp 7 lần, từ 24,9 tăng 167,K
- Tổng thảo luận tăng gấp 5, từ 5,265 tăng 26,324
- Số lượng bài đăng tăng 2012%
- Lượt chia sẻ tăng 151,51%, từ 1,850 tăng 2,803
- Thu hút tổng 23,189 lượt bình luận, tăng trưởng gần 7 lần (682%)
Drama song Linh đem lại cả 2 mặt tích cực lẫn tiêu cực cho nhãn hàng, tuy nhiên mặt tiêu cực có sự ảnh hưởng lớn khi chiếm thị phần thảo luận vượt trội hơn. Người tiêu dùng lẫn các nhà phân phối khá bức xúc với vụ việc và kêu gọi tẩy chay nhãn hàng. Ngoài ra, một số người dùng còn nghi ngờ rằng các sản phẩm bán trên livestream là kém chất lượng hoặc là hàng giả.
Tuy vậy, cộng đồng mạng vẫn lên tiếng bênh vực nhãn hàng và thể hiện sự tin dùng sản phẩm. Nhiều người còn cho rằng đây là một chiến lược Marketing tốt, giúp tăng nhận diện thương hiệu và cũng mong muốn dùng thử sản phẩm.
Đọc thêm: