“Uống bia để cứu thế giới”: Chiến lược gia tăng giá trị của DB Export

0
768

Nếu như nhiều người cho rằng uống bia chẳng có tác dụng, chỉ toàn tác hại thì giờ đây, DB Export đã chứng minh rằng điều đó hoàn toàn không đúng đăn. Bởi vì uống bia còn để… cứu thế giới.

Nói đến sáng tạo và trong quá trình “động não” để tìm ra các ý tưởng mới, chúng ta thường bị rối trí và có thể bỏ qua vô số cơ hội có thể làm nên những hiệu quả đột phá từ chính những điều hết sức đơn giản.

Mô thức New Tasking trong sáng tạo được xem là phương án có tính thực tiễn cao khi không phải đầu tư tốn kém mà chỉ cần gia tăng, bổ sung các đặc tính mới hay chức năng mới dựa trên nền tảng sẵn có của sản phẩm hoặc củng cố những nhiệm vụ vốn đã định hình rõ ràng. Hoạt động này sẽ giúp thay đổi những nhận định đã “ăn sâu tiềm thức” về khả năng sáng tạo của chúng ta.

Để hiểu rõ hơn về hiệu quả của mô thức New Tasking, chúng ta hãy cùng tìm hiểu và đi sâu phân tích Case Study kinh điển về cách thức “gia tăng giá trị, củng cố nhiệm vụ” đã giúp cho hãng này giành hàng loạt giải thưởng lớn ở Clio, Spikes Asia và Cannes Lions.

Brewtroleum – “Uống bia để giải cứu thế giới”

Trước bối cảnh doanh số có nguy cơ bị sụt giảm khi việc uống bia không được khuyến khích nhiều, một nhà máy bia tại New Zealand đã đưa ra một giải pháp tuyệt đỉnh. Thay vì chú trọng vào việc quảng bá cho sản phẩm bia, họ tuyên bố đã chế tạo thành công xăng sinh học mang tên “Brewtroleum” bằng cách tận dụng bã hèm bia (sản phẩm tách ra sau quá trình lên men bia).

Hãng cho biết trước đây, bã hèm bia sau quá trình lên men bia thường bị vứt đi hoặc làm thức ăn cho động vật. Tuy nhiên, họ đã tìm được cách tái chế để biến nó thành cồn Ethanol và sẽ được trộn cùng với các loại nhiên liệu xăng thông thường thành xăng sinh học.

Giải pháp của DB Export hứa hẹn sẽ “lợi cả đôi đường”. Bởi vì với giải pháp này hãng vừa thay thế cho việc trồng bắp để tạo ra Ethanol và tận dụng được lượng bã hèm khổng lồ mà các nhà máy bia đang bỏ phí, vừa có thể giảm giá nhiên liệu cho những khách hàng mua bia DB.

Nếu ai đó cần một lí do chính đáng hơn để uống bia nhiều hơn thì DB Export đã đưa ra một giải pháp tốt nhất có thể.

Chiến dịch này thành công đến nỗi, loại xăng Brewtroleum đang được bán tại hơn 60 trạm xăng của tập đoàn Gull nằm rải rác khắp New Zealand, 300.000 lít xăng đã được sản xuất, doanh thu của DB Export tăng trưởng chóng mặt nhờ hơn 8,6 triệu chai bia được bán ra để làm “xăng sinh học”. Doanh thu cũng tăng vọt 10%, biến DB Export trở thành thương hiệu bia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất New Zealand.

Cuối cùng, DB đã vui vẻ tuyên bố: “Có thể bia sẽ giải cứu được Trái Đất và loài người, chỉ cần uống nhiều bia hơn miễn là nên nhớ, đã uống bia thì không lái xe.”

Vậy là, từ một nguồn sẵn có của doanh nghiệp (phụ phẩm từ hoạt động sản xuất bia), DB Export đã tìm ra một hoạt động chiến lược đánh sâu vào tâm lí người tiêu dùng (xăng sinh học khuyến khích tiêu thụ bia để “cứu thế giới”) nhờ áp dụng mô thức sáng tạo “tăng giá trị, củng cố nhiệm vụ”.

Mô thức này giúp người sáng tạo tìm đến những điều đơn giản sẵn có của doanh nghiệp và thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển để tạo nên những sự biến chuyển đột phá. Bạn có thể “phù phép” để biến những nguyên liệu có sẵn thành một sản phẩm mới mà hoàn toàn không tốn chi phí đầu tư như với việc phát triển một loại sản phẩm mới hoàn toàn. Với “New Tasking”, các sản phẩm, dịch vụ sẽ được khoác thêm một tính năng, lợi ích, giá trị và tăng cường những lợi thế cạnh tranh mới vô cùng khác biệt.

Bài học: Áp dụng mô thức “gia tăng giá trị, củng cố nhiệm vụ” cho thị trường Việt Nam

“New Tasking” không còn là khái niệm mới mẻ với các doanh nghiệp nước ngoài, nhưng với thị trường Việt Nam lại còn khá xa lạ. Vì thế, cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng giá trị sẵn có để tạo ra giải pháp đột phá cho các vấn đề xã hội là vô cùng lớn.

Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi hiện nay lại nằm ở việc rất ít doanh nghiệp Việt Nam nhận ra đâu là nguồn lực sẵn có của mình có thể khai thác để “tăng giá trị, củng cố nhiệm vụ”. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần phải có sự thấu hiểu sâu sắc giá trị chính bản thân thương hiệu của mình và nhu cầu cấp thiết của xã hội.

Tại Việt Nam, ví dụ thành công nhất phải kể đến một chiến dịch thông minh của Coca-Cola. Hưởng ứng chiến dịch phát triển bền vững được phát động trên toàn cầu, ông lớn làng nước giải khát đã áp dụng cực kì hiệu quả mô thức “New Tasking” cho thị trường Việt Nam bằng chiến dịch “second lives”. Nắm bắt được thói quen tái chế chai nhựa của người Việt, Coca-Cola đã tạo ra 16 loại nắp chai màu đỏ có khả năng biến những vỏ chai bị bỏ đi thành những loại vật dụng thú vị và hữu dụng.

Ít ai ngờ rằng chỉ cần khoác lên mình những chiếc nắp ngộ nghĩnh, vỏ chai Coca-Cola đỏ trắng quen thuộc bỗng biến thành cái đèn, chai xịt nước, đồ chuốt bút chì, hộp đựng xà phòng,… là những vật dụng hết sức quen thuộc của con người trong cuộc sống hàng ngày.

Dù là người không hay tận dụng đồ cũ, bạn vẫn dễ dàng bị những thứ tiện lợi và rất dễ thương như thế này hấp dẫn. Bằng chứng là chiến dịch “Second Lives” đã nhanh chóng trở nên rầm rộ trên các mạng xã hội và những nắp chai hữu dụng được săn lùng ráo riết.

Thành công của mô thức “New Tasking” đến từ sự giao thoa hoàn hảo giữa việc tận dụng giá trị có sẵn của sản phẩm và thói quen sinh hoạt của người tiêu dùng. Còn gì hấp dẫn hơn khi mua một sản phẩm nhưng lại có nhiều hơn hai giá trị sử dụng.

Có thể nói, “New Tasking” là công thức sáng tạo dành cho những người có tư duy thực dụng và khôn ngoan. “Thần chú” sử dụng mô thức này phải là biết cân bằng và tối đa hóa lợi ích của cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng. Rõ ràng, khách hàng luôn dành nhiều thiện cảm cho những nhãn hàng biết “lo cho túi tiền” của họ.

Đây không còn là cuộc chiến giữa chất lượng sản phẩm, mà còn là cuộc chiến giành cảm tình của khách hàng. Kẻ thắng cuộc chính là người hiểu khách hàng của họ nhất, giải quyết được những nhu cầu cấp thiết nhất và thực trạng nhức nhối nhất của xã hội.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here