Nestlé không coi Starbucks là đối thủ cạnh tranh trực tiếp

0
830

Bà Lê Thị Hoàng Yến, GĐ truyền thông của Nestlé nhận xét: Dù cùng kinh doanh trong ngành cà phê nhưng Starbucks không phải là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Nestlé.

Nestlé không ngại sự cạnh tranh

Sau Starbucks, một thương hiệu cà phê khác khá nặng ký đã bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam, đó là Dunkin’ Donuts. Sự xuất hiện của Dunkin’ Donuts đã chính thức châm ngòi nổ cho trận chiến cà phê tại thị trường nội địa.

Thêm vào đó, thương hiệu cà phê PhinDeli với những bước đi thận trọng và bài bản tấn công vào thị trường Mỹ nhằm tăng sức “chiến đấu” ở Việt Nam đã trở thành một “đòn đánh bất ngờ” đối với các thế lực cà phê nội địa khác. Tân binh này đang có dấu hiệu lấn lướt các thương hiệu coffee rang xay khác trên mọi mặt trận.

Trước sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường cà phê Việt, vị thế “vua cà phê Việt” của Trung Nguyên đứng trước nguy cơ bị lung lay. Còn Nestlé với nhãn hiệu Nescafe – một trong những thương hiệu cà phê hàng đầu trên toàn thế giới với lịch sử phát triên lâu đời phát đi thông điệp rằng: Họ không ngại sự cạnh tranh.

Bên lề buổi ra mắt cuốn sách “Swiss Made – Chuyện chưa từng được kể về những thành công phi thường của đất nước Thụy Sĩ”, bà Lê Thị Hoàng Yến, Giám đốc truyền thông và hỗ trợ tiếp thị của Nestlé cho biết: “Mỗi công ty có một mô hình kinh doanh khác nhau. Như Starbucks không phải bán cà phê mà bán môi trường uống cà phê, vì vậy, Starbucks sẽ luôn tìm những địa điểm tốt nhất để kinh doanh. Điều này khác với cà phê của Nestlé – chỉ tạo ra sản phẩm bán cho người tiêu dùng. Do đó, dù cùng kinh doanh trong ngành cà phê nhưng không thể nói Starbucks là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Nestlé”.

Bà Yến cũng tin tưởng: Sự cạnh tranh lành mạnh sẽ đem lại lợi ích cho người tiêu dùng bởi khi có cạnh tranh, mỗi công ty sẽ phải nỗ lực sản xuất ra các sản phẩm tốt hơn, với giá thành cạnh tranh hơn. Chính vì lẽ đó, “chúng tôi không ngại cạnh tranh” – bà Yến nhấn mạnh.

Bí quyết thành công của Nestlé: Hiểu khẩu vị người Việt

Trước sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường cà phê Việt, vị thế “vua cà phê Việt” của Trung Nguyên đứng trước nguy cơ bị lung lay.

Trong một cuộc khảo sát 70.000 người tiêu dùng tại 15 thị trường quốc tế chính đã cho kết quả Nestlé là thương hiệu được yêu thích thứ 5 trên thế giới. Năm 2012 doanh thu toàn cầu của Nestlé đạt hơn 92 tỷ Franc Thụy Sĩ. 43% doanh thu bán hàng là từ các thị trường mới nổi. “Good Food, Good Life” là lới hứa mà công ty thực phẩm và đồ uống này cam kết thực hiện hàng ngày và ở khắp mọi nơi.

Chia sẻ về bí quyết thành công của mình, bà Lê Thị Hoàng Yến khẳng định: Nguyên tắc hoạt động của Nestlé đó là tạo ra giá trị chung. Có nghĩa là: Bất cứ hoạt động nào mà Nestlé làm đều mang tới 2 lợi ích: Lợi ích cho công ty và lợi ích cho cộng đồng người dân ở những nơi mà Nestlé đang hoạt động.

“Tạo ra giá trị chung” không phải là hoạt động từ thiện hay bổ sung, nó đã được Nestlé đưa vào chiến lược kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn từ khi sáng lập vào năm 1866.

Mặc dù là công ty của Thụy Sĩ, được thành lập ở Thụy Sĩ hơn 150 năm, tuy nhiên, doanh thu ngay tại đất nước “mẹ” chỉ đóng góp vào Tập đoàn dưới 2%. Sự hiện diện của Nestlé rộng khắp trên toàn cầu và “một trong những điều mà Nestlé áp dụng ở tất cả các nơi đó là chất lượng bởi Thụy Sĩ là đất nước biểu trưng cho chất lượng” – bà Yến nói.

“Chất lượng” mà Nestlé nhắc tới ở đây không chỉ chất lượng của sản phẩm mà công ty này tạo ra mà còn có chất lượng của cuộc sống, của người tiêu dùng và của đối tác mà Nestlé đã và đang hợp tác.

Cũng theo thông tin từ bà Yến, ở Nestlé có 2 dự án mang tính toàn cầu đã được thực hiện trên 80 quốc gia đó là Nestle coffee brands và chương trình “Nestlé vì sức khỏe trẻ em toàn cầu”.

“Việt Nam dù là nước xuất khẩu cà phê cao, đứng nhất nhì thế giới nhưng vườn cà phê Việt Nam đang đối đầu với vấn nạn bị già hóa. Nếu như chúng ta không làm gì hết thì 50 năm nữa, con cháu chúng ta sẽ không còn cà phê để uống chứ đừng nói gì tới xuất khẩu” – Đại diện của Nestlé nhấn mạnh.

Vì vậy, với dự án Nestle coffee brands, Nestlé đã kết hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các đối tác khác như Viện cà phê Việt Nam để huấn luyện nông dân cách canh tác cho cà phê bởi chính vì cách bón phân, tưới tiêu không hợp lý đang tác động vào việc già hóa vườn cà phê. Đồng thời, tạo ra các loại cà phê kháng bệnh cao dần dần thay thế nhóm cà phê đang già đi tại Việt Nam.

Một bài học nữa mang lại thành công cho thương hiệu toàn cầu Nestlé đó là tính địa phương hóa,
“Nếu nói về thức ăn, thực phẩm của người địa phương thì Nestlé rất sành. Tuy là một công ty đa quốc gia nhưng khi đầu tư vào thị trường Việt Nam, Nestlé đã nghiên cứu rất kỹ khẩu vị, nhu cầu, thị yếu của người địa phương” – bà Yến bật mí bí quyết thống lĩnh thị trường tại Việt Nam.

Trên thực tế, hoạt động của Nestlé tại Việt Nam cho thấy, chỉ bằng cách đưa ra sản phẩm thích ứng với nhu cầu, sở thích và truyền thống của người tiêu dùng địa phương mới có thể đảm bảo thành công của thương hiệu tại thị trường đó. Đặc biệt là tại một trong những quốc gia có truyền thống trồng và xuất khẩu nhiều cà phê nhất thế giới như Việt Nam.

Một ví dụ điển hình cho chiến lược này là sản phẩm “Nescafé – Café Việt” đã được Nestlé nghiên cứu và phát triển theo đúng khẩu vị của người Việt cùng thói quen uống cà phê chậm rãi với đá, điều chỉ có tại Việt Nam.

“Nguyên tắc hoạt động của chúng tôi là: Hoạt động lâu dài, mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương bởi nếu không mang tới lợi ích cho người dân địa phương thì hoạt động của doanh nghiệp sẽ không thể bền vững” – bà Yến một lần nữa nhấn mạnh.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here