Với việc đưa Nick sang Việt Nam, Tôn Hoa Sen đã có một chiến dịch PR được đánh giá là hiệu quả cao, thậm chí, giá trị cổ phiếu của ông chủ doanh nghiệp này đã tăng gần 180 tỷ đồng chỉ trong vòng một tuần.
Trước sự kiện này, Hoàng Anh Gia Lai đã kết hợp với Eximbank mời đội bóng được hâm mộ trên toàn thế giới – Asenal của Anh sang du đấu ở Việt Nam với mức phí ra sân lên đến triệu đô la Mỹ. Mới đây nhất, Sabeco tiết lộ kế hoạch mời tay vợt số 1 thế giới Novak Jokovic sang đánh biểu diễn vài ván tennis cũng với mức phí tương đương.
Dường như trong cộng đồng doanh nghiệp Việt đang có xu hướng PR bằng việc tổ chức các sự kiện liên quan đến người nổi tiếng?! Liệu đây có phải là cách xây dựng thương hiệu bền vững và hiệu quả?
Không thể phủ nhận việc tổ chức các sự kiện đó mang lại hiệu ứng tốt trong việc nhận diện hình ảnh của doanh nghiệp trong một khoảng thời gian nhất định. Thậm chí nếu xét theo tiêu chí tài chính ROI (return on Investment: tỷ lệ hoàn vốn), việc này đưa đến kết quả đáng khích lệ. Cụ thể trường hợp của Tôn Hoa Sen, 180 tỷ đồng tăng thêm của giá trị cổ phiếu so với 36 tỷ đồng là chi phí tổ chức sự kiện này, chỉ số ROI 5:1 thật đáng mơ.
Tuy nhiên, ai dám khẳng định chỉ thông qua hoạt động này, doanh nghiệp Việt sẽ vươn mình ra biển lớn, thành thương hiệu toàn cầu?
Có một nghịch lý đang tồn tại trong cộng đồng doanh nghiệp Việt là nhiều ông chủ sẵn sàng chi hàng triệu đô la Mỹ để làm các chương trình như vậy, nhưng lại hết sức cân nhắc, thậm chí là gạt bỏ khoản chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đầu tư vào con người hoặc thuê tư vấn để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Trên thực tế, rất ít doanh nghiệp Việt đầu tư vào R&D, hoặc nếu có thì tỷ trọng khoản đầu tư này cũng rất nhỏ trong cơ cấu chi phí của doanh nghiệp.
Apple và Samsung là những thương hiệu toàn cầu đắt giá, nhưng hầu như chưa bao giờ thấy họ làm các chương trình PR kiểu như vậy.
Để trở thành một thương hiệu toàn cầu, doanh nghiệp cần trải qua một quá trình: từ nhận biết (Awareness), đến thích (Like), đến tin tưởng (Truth), rồi mới đến yêu (Love). Theo đó, phải bắt đầu từ cái gốc là tạo ra các sản phẩm / dịch vụ thỏa mãn nhu cầu của khách hàng cũng như tạo ra nhu cầu mới của khách hàng. Và đó mới là thành công trong việc xây dựng thương hiệu một cách bền vững.