Đến vì thách thức, ở vì tình yêu

0
901

Năm năm trước, việc Brian Hall đến Việt Nam theo lời mời của Virgin Islands-registered Envoy Media Partners là một sự thách thức. Theo đánh giá của ông lúc đấy, Việt Nam là một trong những thị trường điện ảnh tuyệt vời nhưng chưa được khai thác nhưng chứa đựng cả cơ hội lẫn thử thách. Gần sáu năm gắn bó, nhiệm vụ chinh phục thị trường đã không còn là áp lực và chủ sở hữu của MegaStar đã là một nhà đầu tư khác thì điều giữ chân ông ở lại chính là tình yêu. Ông bảo, mình có một tình yêu mãnh liệt với đất nước này.

Thị trường điện ảnh Việt Nam tăng trưởng từ 2 triệu USD trong năm 2006 tới 25 triệu USD trong năm 2010. Đến nay, thị trường đang tăng trưởng khá tốt với tỷ lệ tăng từ 15 đến 20% mỗi năm. Tất cả là nhờ cú hích mang tên MegaStar.

Không dừng lại ở việc khai phá thị trường, kinh doanh rạp chiếu, MegaStar còn hướng đến việc nuôi dưỡng để thành hình một nền điện ảnh vững mạnh ở Việt Nam trong tương lai bằng những hoạt động cụ thể như: mở các lớp dạy làm phim Toto, tạo điều kiện cho trẻ em được tiếp cận các kỹ thuật quay phim, quá trình sản xuất phim và thực hiện bộ phim của riêng mình; mang các tác phẩm điện ảnh đến chiếu miễn phí cho đồng bào vùng sâu, vùng xa…

“Công thức” chinh phục

* Gần sáu năm nhìn lại quyết định của mình, ông thấy có sai lầm khi chấp nhận thử thách ở Việt Nam?

– Tôi đã làm việc tại Việt Nam được gần sáu năm. Đến đây trước hết vì công việc, tôi cũng không thể ngờ là sau này mình lại yêu thích đất nước và đặc biệt là con người ở đây như hiện nay.

Tôi luôn nghĩ, đến đây là quyết định chính xác nhất của tôi từ trước đến nay. Tôi có một tình yêu với đất nước này và đặc biệt là những đồng nghiệp ở MegaStar.

* Ngành điện ảnh của Việt Nam gần như biến mất vào những năm 80 – 90 của thế kỷ trước, người dân mất thói quen tới rạp, còn ông lại thấy tiềm năng của thị trường này. Tại sao vậy?

– Không chỉ riêng tôi mà trong quan sát của rất nhiều nhà đầu tư Mỹ, bối cảnh không tích cực ấy của thị trường đã vô tình biến Việt Nam thành một trong những thị trường điện ảnh tuyệt vời còn sót lại chưa được khai thác.

Ở một đất nước đang trên đà phát triển, thu nhập người dân ngày một tăng mà công nghiệp điện ảnh lại đang bỏ ngỏ thì quả là tuyệt vời để đến và bắt tay vào gây dựng.

Tiếp xúc trực tiếp, tôi mới biết Việt Nam là một thị trường tiềm năng, không chỉ trong lĩnh vực điện ảnh, mà còn ở lĩnh vực khác. Việt Nam vẫn còn là một đất nước trẻ theo các khía cạnh như pháp luật, cơ cấu thương mại và hạ tầng cơ sở.

Nhưng mỗi năm, mọi thứ đang tiến triển theo chiều hướng tích cực. Dĩ nhiên là môi trường đầu tư ở đây vẫn có những bất cập và thách thức nhưng tôi cho rằng ở đâu cũng vậy.

Tôi tin rằng nếu biết kiên nhẫn, cố gắng chú ý và học hỏi cách thích nghi với văn hóa địa phương thì mình sẽ làm được. “Công thức” này giúp tôi làm việc tốt ở Việt Nam cũng như các thị trường khác.

* Những ngày đầu khởi dựng lại các rạp phim ở đây, khó khăn nhất mà ông vấp phải là gì?

– Một trong những thử thách lớn nhất tại Việt Nam mà chúng tôi phải đối mặt là việc tìm kiếm mặt bằng với giá cả phù hợp. Rất khó tìm được một vị trí trong trung tâm thành phố lớn đáp ứng được chi phí thuê mặt bằng dành cho rạp chiếu phim. Do vậy, chúng tôi vẫn đang nghiên cứu và tìm kiếm cả trong và ngoài trung tâm thành phố.

* Điều hành một đơn vị có thể nói là khai mở việc kinh doanh rạp chiếu lẫn phát hành phim tại Việt Nam. Ông tự hào vì điều đó chứ?

– Vâng, tôi rất tự hào. Điều tôi thích nhất là truyền đạt kiến thức cho những người đi sau, khai mở một thị trường đang ở mức không tăng trưởng cũng đồng nghĩa với việc chúng tôi phải đào tạo một đội ngũ nhân lực chuyên biệt cho ngành này tại Việt Nam, đưa các chuyên gia lẫn công nghệ mới nhất đến đây…

Tôi rất tự hào là công ty chúng tôi đang góp sức phát triển đất nước, xây dựng con người và nền công nghiệp điện ảnh của chúng ta.

* Có tự hào, chắc hẳn ông cũng có kỳ vọng ở thị trường này?

– Hiện nay, thói quen thưởng thức các tác phẩm điện ảnh ở rạp chiếu đã hình thành mạnh mẽ trong lớp người trẻ tuổi ở Việt Nam. Đó là một thuận lợi lớn của thị trường.

Tôi mong đợi thị trường tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng từ 10% đến 20% mỗi năm trong vòng 5 đến 10 năm nữa. Một mức tăng trưởng mạnh mẽ nhưng cũng hợp lý trong bối cảnh hiện nay.

“Điều cần thiết nhất của một doanh nhân, không chỉ kinh doanh trong lĩnh vực điện ảnh mà tất cả các lĩnh vực khác là phải có một trí óc minh mẫn và rộng mở cho việc học hỏi.”

Chiến lược lâu dài

* Tính đến nay, khoản đầu tư của MegaStar vào Việt Nam đã lên đến bao nhiêu, thưa ông?

– Một câu hỏi rất khó trả lời. Chỉ nói riêng về hạng mục đầu tư điện ảnh thì vào khoảng 1 tỷ USD. Nếu bạn chịu khó quan sát thì chúng tôi đã đầu tư vào tất cả mọi thứ như huấn luyện nhân viên, phát triển công việc kinh doanh và nhiều thứ cơ bản khác.

Và tất nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào xây dựng công ty, nền công nghiệp điện ảnh của Việt Nam.

* Nhưng so với quá khứ thì đã có rất nhiều thay đổi, cổ phần phần lớn của MegaStar đã về tay nhà đầu tư khác là Công ty CJ CGV của Hàn Quốc. Điều hành kinh doanh của ông ở MegaStar có vì vậy mà khác trước?

– CJ CGV là công ty điều hành rạp chiếu phim dày dạn kinh nghiệm trên thế giới. Việc MegaStar vẫn tiếp tục phục vụ thị trường nội địa bằng khả năng tốt nhất minh chứng cho điều đó.

Điều khác biệt nếu có chăng là ở việc xuất hiện của một số bộ phim điện ảnh Hàn Quốc mà bộ phận phát hành của tập đoàn phụ trách. Những bộ phim này có điều kiện trình chiếu sớm hơn tại Việt Nam. Nghĩa là chúng tôi mang đến khán giả nhiều chọn lựa hơn.

* Nghĩa là ông vẫn chưa có ý định thay đổi…?

– Hạnh phúc lớn nhất của tôi ở MegaStar là nhìn thấy nhân viên mình, trong đó có đến 99% là người Việt, không ngừng học hỏi và phát triển.

Chúng tôi làm việc với những người thông minh, nhiệt tình và có tài năng tại MegaStar. Điều duy nhất làm cho tôi thất vọng là thỉnh thoảng chúng tôi gặp khó khăn và trì trệ trong việc xúc tiến các dự án hay các ý tưởng mới không như tôi mong muốn. Tôi sẽ tiếp tục gắn bó dài lâu.

* Nhưng với chi phí đầu tư quá lớn, tính đến nay, việc kinh doanh của MegaStar đã có thể có lãi?

– Việt Nam vẫn là một thị trường điện ảnh còn rất trẻ nhưng phát triển rất nhanh chóng dành cho mọi thể loại phim. Chúng tôi đã bỏ ra rất nhiều thời gian và kinh phí đầu tư cho thị trường này.

Chúng tôi hy vọng rằng trong tương lai sẽ sớm nhận được thành quả từ sự đầu tư hôm nay. Thời gian tới, MegaStar vẫn tiếp tục cam kết phát triển tại Việt Nam, bao gồm toàn bộ thị trường điện ảnh và đặc biệt thị phần phim Việt.

* Cụ thể 5 năm tới, hình ảnh của MegaStar sẽ như thế nào so với hiện nay?

– Chúng tôi sẽ tiếp tục thi công và đưa vào hoạt động thêm nhiều cụm rạp tại Việt Nam. Chúng tôi lên kế hoạch nhân đôi số lượng cụm rạp và phòng chiếu so với hiện tại trong vòng 3 đến 4 năm tới. Trong giấc mơ của tôi, MegaStar sẽ là một công ty đầy niềm tự hào và thành công trong vòng 5 năm nữa.

Chúng tôi hy vọng sẽ được người yêu điện ảnh Việt Nam khâm phục và ngưỡng mộ vì đã mang đến những trải nghiệm điện ảnh tốt nhất tại rạp và đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh. Tất nhiên, để ước mơ này thành sự thật, chúng tôi sẽ cật lực cố gắng để MegaStar phát triển theo đúng lộ trình này.

Tố chất của doanh nhân

* Tâm huyết với nghề như thế, chắc ông có niềm đam mê đặc biệt với điện ảnh?

– Tôi thích xem phim và đặc biệt là xem tại rạp. Tôi thích nhiều dạng phim khác nhau nên rất khó để chọn ra một phim thích nhất.

Trong trách nhiệm của mình, tuy chẳng dễ dàng gì, nhưng tôi gần như xem hết toàn bộ phim của chúng tôi phát hành để hiểu được khách hàng sẽ nhận được gì khi đến với MegaStar. Trải nghiệm chính dịch vụ của mình là cách để mình có thể làm cho nó tốt hơn nữa.

* Ngoài việc kiểm soát và nâng cao chất lượng dịch vụ, theo ông, điều hành một doanh nghiệp kinh doanh trong ngành giải trí cần phải có những tốt chất đặc biệt nào không?

– Điều cần thiết nhất của một doanh nhân, không chỉ kinh doanh trong lĩnh vực điện ảnh mà tất cả các lĩnh vực khác là phải có một trí óc minh mẫn và rộng mở cho việc học hỏi. Riêng với con đường mà tôi chọn, ngành công nghiệp điện ảnh, thì lại có đặc thù là thay đổi liên tục.

Do vậy, tôi có thể phải nghiêm khắc khi cần thiết để thúc đẩy cả một tập thể phải chạy theo cùng để có thể đáp ứng công việc. Tuy nhiên, sau những lần nghiêm khắc ấy, tôi nhận ra rằng hầu hết mọi người tiếp thu tích cực hơn khi nhận được những góp ý chân thành.

Tôi cố gắng để điều hành MegaStar theo hướng ấy, mang sự thân thiện đến với mọi người, từ nhân viên đến khách hàng. Những gì đi từ trái tim sẽ đến được trái tim.

* Có vẻ như, việc hòa đồng, kết bạn… khá quan trọng với ông trong cuộc sống?

– Tôi tin là dù có mục tiêu hay khát vọng lớn lao đến mức nào, dù giàu có hay nghèo khổ đến đâu… thì bạn bè và gia đình vẫn luôn là những điều quan trọng nhất trong cuộc sống của mỗi người. May mắn là tôi cũng là người dễ gần nên có được nhiều bạn bè.

Tôi có hàng trăm bạn bè người Việt, hầu hết họ làm việc cho MegaStar. Tình bạn gây dựng trong môi trường làm việc có khả năng tạo ra một tập thể tốt bởi họ được sống trong môi trường đầy ắp tiếng cười và sự tôn trọng lẫn nhau.

* Những doanh nhân khác sau áp lực công việc hằng ngày có thể đến rạp xem phim để giải trí. Ông được xem phim thường xuyên, chắc không cần đến một thú giải trí khác?

– Chìa khóa để có một cuộc sống tốt không phải là tìm được thú vui nào cho mình mà là việc tìm ra được cách cân bằng trong cuộc sống. Ngày nay, áp lực đời sống, công việc khá nhiều khiến người ta dễ stress, dễ nổi nóng, dễ mất cân bằng…

Tôi luôn dặn mình phải duy trì một thái độ tích cực trong mọi việc để có thể tự cân bằng cho đời sống của mình. Mọi việc sẽ dễ dàng hơn khi thân thiện, hiền hòa với nhau.

* Ngoài việc gây dựng nên MegaStar tại Việt Nam, câu chuyện ông tự hào nhất về bản thân?

– Điều mà tôi tự hào nhất đó chính là đã gìn giữ được một gia đình hạnh phúc. Họ là nền tảng cho cuộc sống của tôi.

* Xin cảm ơn ông về những trao đổi này.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here