“Đổi đời” bằng đổi mới sáng tạo

0
777

Nghiên cứu và phát triển (R&D), đầu tư vào công nghệ đã trở thành yêu cầu bức thiết đối với doanh nghiệp (DN) trong điều kiện hiện nay.

“Phép màu” thành công

Đầu tư vào R&D, cải tiến công nghệ là mục đích của các DN trong thời điểm kinh tế khó khăn. Nhiều DN nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, quan tâm đầu tư vào việc phát triển công nghệ đã trụ vững trong thời gian qua. Tại Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Thiên Long thành lập cách đây 33 năm, nhờ đầu tư mạnh vào công nghệ đã trở thành thương hiệu đứng đầu trong lĩnh vực văn phòng phẩm.

Thiên Long dành đến 20% trên tổng doanh thu hằng năm để đầu tư, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới. Tính bình quân, mỗi năm, Thiên Long đưa ra thị trường hàng chục sản phẩm mới và 22% trong số đó là sản phẩm mới hoàn toàn. Nhờ đầu tư bài bản cho R&D mà công ty này ngày càng lớn mạnh.

Hiện Thiên Long có 6 công ty trực thuộc, hơn 100 nhà phân phối, hơn 40.000 điểm bán sỉ và lẻ văn phòng phẩm trên cả nước. Quan trọng hơn, sản phẩm của Thiên Long đã thay thế sản phẩm của Thái Lan, Hàn Quốc và đã có mặt tại nhiều nước.

Trong lĩnh vực sành sứ, cái tên Minh Long 1 được nhắc đến không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Với những ứng dụng công nghệ mới, sản phẩm của Minh Long 1 giờ đây không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà dành thị phần lớn ở nhiều nước.

Ông Lý Ngọc Minh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Long 1, cho biết, sự thành công của Công ty là nhờ đầu tư công nghệ và nguồn lực. Đây là “sân chơi” của những con người giỏi nhất ở tất cả các cấp độ. Nguồn nhân lực Công ty luôn được đào tạo và có tính kế thừa.

Trên thế giới, nhiều nước không lớn, tài nguyên thiên nhiên không có gì nhưng nhờ đầu tư cho công nghệ nên đã trở thành những cường quốc.

Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… là những điển hình về vấn đề này. Người Singapore ý thức rất rõ rằng họ là một nước nhỏ, không có tài nguyên nên chỉ có thể phát triển nhờ nguồn lực con người. Vì thế, họ đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và phát triển khoa học, công nghệ.

Ở Singapore, DN được tham gia vào các nghiên cứu ngay từ khâu đầu tiên và theo sát quá trình nghiên cứu ấy để có thể triển khai sản xuất. Ở lĩnh vực công nghệ xử lý nước, Singapore được xem là dẫn đầu thế giới. Hiện Singapore được xếp thứ 7 trong bảng xếp hạng toàn cầu về chỉ số đổi mới sáng tạo (theo Blooomberg).

Bà Daphna Murvitz, đại diện của Systematic Inventive Thinking – SIT tại Đông Nam Á, cho rằng, chỉ có đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới giúp cho đất nước phát triển bền vững. Trong đó, nguồn nhân lực giỏi đóng vai trò tiên quyết. Bà Daphna Murvitz đưa dẫn chứng về sự thành công của nghiên cứu, phát triển (R&D) và đổi mới sáng tạo của Israel.

Một nước nhỏ thiếu nguồn nhân lực nhưng Israel lại trở thành đất nước đứng đầu thế giới về sáng kiến, sáng tạo. Đó là nhờ tinh thần càng nhiều khó khăn thì càng nhiều sáng tạo, chấp nhận rủi ro, sáng tạo để thích nghi và phát triển.

Ở Israel, trẻ em đã được dạy khoa học từ mẫu giáo vì vậy tính sáng tạo luôn luôn cao. Sự phát triển của Israel không phải là phép màu mà là kết quả của nền dân chủ sáng tạo. Với ngân sách cho R&D chiếm đến 4,4% GDP, hiện Israel đứng đầu thế giới về đầu tư cho nghiên cứu phát triển.

Không thể thiếu công nghệ

Đầu tư cho R&D, cải tiến, ứng dụng công nghệ mới là yêu cầu bức thiết của các DN trong điều kiện hiện nay. Phát biểu tại diễn đàn quốc tế “Đổi mới sáng tạo – Phép màu thành công của doanh nghiệp” diễn ra tại TP.HCM chiều ngày 16/5, Bộ trưởng Công nghệ Nguyễn Quân, cho rằng, giờ đây, việc đổi mới công nghệ quan trọng hơn bao giờ hết.

Bởi DN vừa là trung tâm vừa là chủ thể của quá trình đổi mới này. Tồn tại và phát triển được trong môi trường toàn cầu hóa, đặc biệt là trong cộng đồng 600 triệu dân ASEAN (vào năm 2015), đòi hỏi DN phải sáng tạo, phải mạnh dạn đầu tư vào việc ứng dụng khoa học – công nghệ.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Giáp Văn Dương, nói thêm: “Hiện nay, thuật ngữ “đổi mới – sáng tạo” gần như là câu cửa miệng của nhiều doanh nhân và người làm chính sách. Kinh tế khó khăn, nhiều DN phá sản buộc họ phải xây dựng chiến lược phát triển bền vững dựa trên sự đổi mới công nghệ và quản trị”.

Nhưng làm thế nào để ứng dụng công nghệ thành công? Theo các DN, để đổi mới sáng tạo đạt hiệu quả cao, DN cần có nguồn nhân lực giỏi, đầu tư tài chính mạnh cho R&D và cải tiến công nghệ. Kinh nghiệm đổi mới từ Singapore và Hàn Quốc, cho thấy, để phát huy được nguồn lực quan trọng cho đổi mới sáng tạo, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa DN với các trường đại học, viện nghiên cứu. Sự liên kết này phải xuất phát từ thực tế mới mang lại kết quả.

Ở một góc độ khác, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cho rằng, hiện nay, các DN đã hiểu được rằng, không đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ tốt hơn, nâng cao năng suất… thì không tồn tại được. Nhiều DN đã thành công nhưng đại đa số vẫn còn khó khăn bởi quá nhiều khúc mắc cả về cơ chế lẫn nguồn lực để thực hiện.

Sáng tạo hay ứng dụng công nghệ mới sẽ khó có thể thuận lợi nếu cứ áp dụng cơ chế hành chính cứng nhắc, xa rời thực tiển sản xuất – kinh doanh đang thay đổi từng ngày. Việt Nam cần những công cụ hỗ trợ mang tính tự động để hỗ trợ DN.

Hình thức hỗ trợ không nhất thiết bằng tiền mà là cơ chế tiếp cận vốn, công nghệ, đào tạo chuyên môn, công nhận và quảng bá những thương hiệu gắn với công nghệ tốt… Ngoài hỗ trợ những DN làm tốt cũng cần có cơ chế phạt những DN sử dụng công nghệ cũ gây tác hại đến môi trường, những bộ máy chây ì, không kịp thời hỗ trợ DN áp dụng công nghệ mới…

“Toàn cầu hóa đang đặt ra nhiều thách thức cho các quốc gia. Việt Nam đang đứng trước thời đoạn hoặc là bừng tỉnh mà bứt phá hoặc mãi chìm trong tụt hậu. Đã đến lúc cần thay đổi để đi tới. Việt Nam cần phải có những ngành kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ tốt hơn nếu thực sự muốn vươn lên, “đổi đời” từ quốc gia làm thuê đơn thuần, gia công lắp ráp là chính sang đất nước sáng tạo, tham gia ở vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Chi Lan nói.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here