Lenovo có trường sức?

0
881

Lenovo đang rất “khỏe mạnh” nếu dựa trên kết quả kinh doanh, nhưng vì sao gần đây lại có những e ngại từ các nhà đầu tư lớn?

Lenovo là công ty giỏi nhất thế giới trong việc cân bằng giữa cải tiến và tính hiệu quả”. Đó là lời tuyên bố hùng hồn của Yang Yuanqing, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty sản xuất máy tính Trung Quốc này.

Khỏe mạnh về tài chính

Lời tuyên bố trên ít nhất đúng một nửa. Lenovo đã cho thấy tính hiệu quả trong hoạt động bằng cách luôn giữ chi phí ở mức thấp và giành thị phần từ tay các đối thủ lớn phương Tây. Gần đây, Lenovo đã qua mặt HP (Mỹ) trở thành hãng máy tính để bàn lớn nhất thế giới. Lenovo cũng đã gia tăng được thị phần ở thị trường điện thoại thông minh toàn cầu.

Bành trướng nhanh, nhưng Lenovo vẫn giữ được sức khỏe tài chính. Ngày 21/5/2014, công ty này đã công bố kết quả kinh doanh cả năm (năm tài chính của Lenovo kết thúc vào cuối tháng 3) rất khả quan. Theo đó, doanh thu cao hơn 14% so với năm ngoái, đạt 38,7 tỷ USD. Lần đầu tiên lợi nhuận trước thuế đã đạt 1 tỷ USD, tăng 27%. Lenovo cũng nắm giữ một lượng tiền mặt khá dồi dào là 3,5 tỷ USD tính đến cuối tháng 3/2014. Không chỉ vậy, vào cuối tháng 4 vừa rồi, công ty đã huy động thêm được 1,5 tỷ USD trong đợt phát hành trái phiếu đầu tiên của mình. Thông tin này sẽ làm vui lòng các nhà đầu tư, vốn gần đây đã bắt đầu đặt dấu hỏi về chiến lược của công ty này. Trong vài năm gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài rất ưa chuộng cổ phiếu của Lenovo. Một phần là vì Lenovo có hệ thống quản trị doanh nghiệp tốt. Phần khác là vì ông Yang có chiến lược tăng trưởng rõ ràng và công ty đã đạt được lợi nhuận như mong đợi.

Hai thương vụ bất ngờ

Cuối tháng Giêng 2014, nhiều nhà đầu tư đã rất sửng sốt khi công ty tuyên bố 2 thương vụ thâu tóm lớn chỉ trong vài ngày. Thương vụ đầu tiên là việc Lenovo mua lại bộ phận máy chủ cấp thấp của IBM trị giá 2,3 tỷ USD. Thương vụ này được cho là sẽ giúp công ty gia tăng sức hút với khách hàng doanh nghiệp. Thương vụ thứ hai gây nhiều tranh cãi hơn, đó là việc Lenovo mua lại Motorola Mobility từ Google. Motorola Mobility là đơn vị đi tiên phong trong lĩnh vực điện thoại di động, nhưng những năm gần đây đã làm ăn thua lỗ. Nếu được các cơ quan quản lý thông qua, cả hai thương vụ sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.

Quy mô lớn và tính chất đột ngột của các thương vụ thâu tóm này, cùng mối lo ngại về khả năng thành công (nhất là Motorola vì đơn vị này đang làm ăn thua lỗ), đã khiến các nhà đầu tư phải chột dạ. Trước những lo ngại này, ông Yang cam kết sẽ không thực hiện thêm thương vụ lớn nào trong tương lai gần. Nhưng ông khẳng định, công ty hoàn toàn có thể đưa các doanh nghiệp này trở nên sinh lợi. Ông viện dẫn thương vụ thâu tóm ra nước ngoài đầu tiên của Lenovo khi hãng mua lại bộ phận máy tính cá nhân (PC) làm ăn sa sút của IBM vào năm 2005. Khi ấy nhiều người cho rằng, một công ty vô danh tiểu tốt của Trung Quốc sẽ không thể nào cứu nổi một thương hiệu cao cấp của Mỹ đang gặp khó khăn. Nhưng đó chính xác là điều mà Lenovo đã làm.

Bộ phận PC ngày trước của IBM giờ là một con bò đẻ ra tiền, ông Yang tuyên bố. Thị trường Trung Quốc cũng vậy, vì đây là nơi Lenovo có mạng lưới phân phối rộng khắp và độ nhận biết thương hiệu rất cao. “Chúng tôi có tới 2 con bò đẻ ra tiền”, ông nói.

Cải tiến hay chỉ là tiết kiệm?

Tình hình tài chính gần đây của Lenovo quả là ấn tượng, nhưng hai câu hỏi lớn vẫn còn đang treo lơ lửng, phủ bóng mờ lên tương lai của Lenovo. Câu hỏi thứ nhất là làm thế nào hãng có thể kiếm ra tiền khi nhu cầu đối với PC đang giảm mạnh. Câu hỏi thứ hai là làm thế nào hãng có thể bắt kịp với các đối thủ đáng gờm Samsung và Apple. Câu trả lời của Yang đó là: cải tiến.

Cải tiến của Lenovo nằm ở sự khéo léo đưa các công ty lội ngược dòng, thực hiện các chiến lược một cách tiết kiệm và nhanh nhạy vượt qua các rào cản, thách thức.

Hầu hết các chuyên gia trong ngành đều cho rằng cải tiến có nghĩa là máy tính để bàn và laptop sẽ trở thành dĩ vãng. Ông Yang thì không cho là như vậy. Ông liệt kê ra một danh sách dài các đặc tính mà công ty ông đang cải tiến: tuổi thọ pin dài hơn, thiết kế mỏng hơn và nhẹ hơn, màn hình cảm ứng tốt hơn… Hiện tại, hầu hết các mẫu điện thoại của Lenovo đều chỉ là “tầm trung” và nó vẫn chưa thâm nhập được thị trường Mỹ. Lenovo đã cho ra mắt những sản phẩm cao cấp nhưng khi cố bán chúng ở các thị trường phát triển, Lenovo đã buộc phải bỏ ra 25% doanh thu để trả cho các tác giả sở hữu bản quyền sáng chế. Những khoản thanh toán như vậy là “phí gia nhập hội người giàu” của các hãng điện thoại thông minh toàn cầu, ông Alberto Moel, chuyên gia phân tích thuộc hãng nghiên cứu Sanford C. Bernstein, giải thích. “Luật chơi” như thế lại không có ở các thị trường mới nổi, nơi chuyện thực thi quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn kém. Tại Trung Quốc chẳng hạn, hãng bỏ ra chưa tới 2% doanh thu vào tiền bản quyền. Có lẽ đó là lý do trong những tháng qua Lenovo đã mua lại hàng ngàn bản quyền điện thoại thông minh từ NEC, một công ty điện tử Nhật và Unwired Planet, một công ty chuyên “thu gom” bản quyền. Thương vụ Motorola cho phép Lenovo tiếp cận miễn phí các bản quyền của Motorola, cũng như cho phép hãng tiếp cận các thương vụ bản quyền mà Motorola đã ký với những hãng khác. Ông Yang cho biết, hiện giờ bước chân vào thị trường Mỹ sẽ chỉ khiến Lenovo mất hơn 10% doanh thu từ mảng điện thoại.

Hồi tháng 4 vừa qua, tại một sự kiện trang trọng ở Thung lũng Silicon, ông Yang đã giành giải thưởng vì đã dẫn dắt công cuộc cải tiến tại Lenovo. Tuy nhiên, ông Moel cho rằng, Lenovo không phải là một nhà cải tiến như Apple, khi mà những mẫu thiết kế đột phá của nó đã làm thay đổi cả thị trường. Theo ông, cải tiến của Lenovo nằm ở sự khéo léo đưa các công ty lội ngược dòng, thực hiện các chiến lược một cách tiết kiệm và nhanh nhạy vượt qua các rào cản, thách thức. Ông Moel cho rằng, nói cách khác thì cải tiến ở Lenovo là “sự cải tiến cần kiệm”.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here