Năm năm sau khi tuyên bố độc lập tách ra khỏi Serbia và được 106 nước thành viên Liên Hợp Quốc công nhận, Kosovo vẫn phải chiến đấu để được chấp nhận bởi các nước còn lại như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và nhóm các quốc gia có thể bị đe dọa bởi chiều hướng ly khai ở trong nước. Ngoại giao số trở thành con đường kết nối Kosovo với giới chức và công dân tại các nước đó, vốn có thể tạo áp lực buộc chính phủ phải công nhận quốc gia Kosovo.
Ý niệm về ngoại giao số vẫn còn mới mẻ. Ở đó người ta sử dụng các công cụ trực tuyến để chuyển thông điệp quốc gia đến cộng đồng dân chúng ở trong và ngoài nước cùng các cộng đồng kiều dân ở nước ngoài với hy vọng nó sẽ tạo nên tác động tức thời. Đó cũng là nơi mà bất kỳ ai, các tổ chức dân sự hay cả những quốc gia đối nghịch có thể sử dụng để tạo nên sức ép ngoại giao ngược lại.
Từ nhiều thế kỷ nay, để đặt một quốc gia lên bản đồ thế giới người ta phải đổ nhiều máu trên các mặt trận hay thương thảo căng thẳng trong những căn phòng đầy khói thuốc. Nhưng đối với những quốc gia mới được thành lập thì đó mới chỉ là một nửa câu chuyện: Một nước không chỉ được quốc tế công nhận bằng các lá phiếu tại Liên hợp Quốc mà còn phải được sự thừa nhận của các tập đoàn internet có ảnh hưởng toàn cầu như Google hay Facebook.
Kosovo non trẻ với hơn 2 triệu dân và 80% số người sử dụng internet vào công việc hằng ngày cần được thế giới mạng công nhận. Nhưng Amazon, eBay, Google, Skype, Yahoo! cũng như các nền tảng công nghệ khác chưa chấp nhận tên miền Kosovo. Điều này làm cho mọi hoạt động bị ngưng trệ, phức tạp, khó khăn không chỉ trong việc giao dịch mua bán mà đơn giản cả đến gởi và nhận thư điện tử. Kushtrim Xhakli, nguyên cố vấn Bộ giáo dục Kosovo, muốn thay đổi tình trạng nan giải này bằng chiến dịch ngoại giao số.
Được Bộ Ngoại giao ủy nhiệm, Xhakli chính thức thiết lập nền tảng công nghệ Digital Kosovo Platform nhằm giúp cho mọi công dân có thể thực hiện tất cả các dịch vụ thông qua website bằng chính tên nước mình, đồng thời thiết lập các template dọn sẵn để nó tự động điền tên Kosovo vào các chỗ trống hoặc chỗ đang bị thay thế bởi Serbia hay Albania. Mọi người đều có thể cá nhân hóa template cho mình và rồi gởi văn bản đến những nơi họ muốn.
Chỉ trong thời gian rất ngắn các khách sạn, sân bay, hãng hàng không, thông tấn xã, các đại học ở khắp nơi trên thế giới lần lượt điền tên Kosovo chính thức vào mọi nội dung giao dịch và hoạt động trực tuyến của người dân Kosovo trở lại bình thường. Cuối cùng cái tên Kosovo cũng chính thức xuất hiện trên Google Maps và Facebook đã phải nhượng bộ trước đội quân ngoại giao số thông minh, trẻ trung, năng động, sử dụng template làm vũ khí trực tuyến.
Yeni Diplomasi, một tờ báo uy tín trong ngành ngoại giao số, cho biết Bộ Ngoại giao Kosovo được chọn đứng đầu lãnh vực này tại các nước Balkan và đứng hàng thứ tư thế giới sau Mỹ, Anh Quốc và Israel. Là một nước rất nhỏ mới được thành lập, Kosovo trở thành quốc gia năng động trong ngành ngoại giao số. Thứ trưởng Ngoại giao Petri Selimi cho biết thành công của Kosovo một phần là nhờ vào lập trình các ứng dụng di động để mọi người sử dụng, huấn luyện nhân viên viết blog như Wikipedia và thiết lập các cổng thông tin với 5 thứ tiếng.
Nền ngoại giao số đang trở nên phổ biến, cho dù nó được gọi dưới những tên khác nhau như “21st Century Statecraft” tại Mỹ, e-diplomacy hay digital diplomacy tại nhiều quốc gia khác. Các nhà ngoại giao và các chính quyền mỗi ngày một tiếp xúc nhiều hơn với các cộng đồng và tổ chức bên ngoài chính phủ thông qua mạng xã hội. Ben Scott, một thành viên tiên phong tại văn phòng ngoại giao điện tử của Mỹ, cho rằng đây chính là con đường ngoại giao của tương lai. Ông lưu ý rằng ngoại giao số không chỉ là những nút “like” trên Twitter hay Facebook mà là một thứ công cụ kết nối chính phủ với dân chúng và các tổ chức dân sự vốn mỗi ngày mỗi có tiếng nói mạnh hơn trong các vấn đề quốc tế.
Xế trưa ngày 19.11.2013, Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono nhận thấy cần đối phó ngay với cuộc khủng hoảng ngoại giao nhắm vào ông khi các hãng thông tấn quốc tế đưa tin Jakarta bị Cơ quan An ninh Quốc gia của Mỹ nghe lén và theo dõi. Tổng thống Yudhoyono đã vào Twitter và phát đi thông điệp: “Các nguồn tin cho biết Mỹ và Úc đang thực hiện việc nghe lén tại nhiều nước trong đó có Indonesia. Chúng tôi bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ”, “Những hành động của Mỹ và Úc đang làm tổn hại đến việc hợp tác chiến lược với Indonesia, một trong các đồng minh dân chủ”.
Các nhà ngoại giao hiện tiếp xúc nhiều hơn với các cộng đồng và tổ chức bên ngoài chính phủ thông qua mạng xã hội.
Thông điệp của Tổng thống đã nhắm đến khối lượng đông đảo khán giả trên khắp thế giới và thực sự nó đã tác động mạnh lên cả Canberra và Washington. Điều đặc biệt ý nghĩa là ông không chỉ thẳng thắn nói lên sự bực dọc của mình mà còn ở cách ông chọn mạng xã hội để phát đi một thông điệp ngoại giao. Điều mà trước đó các ý kiến của một tổng thống được chuyển tới nước khác qua người đại diện chính thức hoặc gián tiếp qua truyền thông đại chúng. Lần này ông chọn cách bày tỏ trực tiếp đến công chúng.
Tại sự kiện TEDx Talks năm nay tổ chức tại Stockholm từ 16 đến 17.1.2014, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Carl Bildt công bố việc triệu tập một nhóm quốc tế làm việc gồm các chuyên gia công nghệ và nhiều nhà ngoại giao đến từ các nước để hình thành một nền ngoại giao số mới, không chỉ dựa trên mạng xã hội thường được biết tới dưới tên Diplomacy 2.0 như hiện nay, mà bao hàm cả các giải pháp, công cụ và mạng lưới mới gọi là Sáng kiến Stockholm về Ngoại giao số (SIDD) được dự kiến đặt tên là Diplomacy 3.0
Đối với những vấn đề quốc tế đang nổi lên gần đây như tình trạng biển Đông trở nên bế tắc, nan giải thì ngoại giao số có thể trở thành cửa ngõ cho những giải pháp.