Từ mô hình Marketplace đến hiện tượng Uber!

0
914

Trước khi bàn đến mô hình sàn giao dịch Marketplace, chúng ta hãy nói về mô hình thương mại điện tử (TMĐT) truyền thống B2C (Business-to-Customer).

về mô hình thương mại điện tử (TMĐT) truyền thống B2C (Business-to-Customer). Với mô hình này, khi khách hàng đặt đơn hàng trên trang web của công ty TMĐT hoặc thông qua một trình ứng dụng (application) trên thiết bị điện thoại thông minh, toàn bộ đơn hàng sẽ được xử lý tại kho trực thuộc bộ phận vận hành (operations). Vì thế, các công ty TMĐT đầu tư khá nhiều vào chủng loại và số lượng hàng, kho bãi và giao nhận (logistics). Đó là còn chưa kể đến những khoản đầu tư lớn vào việc thiết kế và vận hành trang web, sản xuất hình ảnh, quảng cáo trực tuyến với Google, Facebook…

Thế nhưng, không phải công ty TMĐT nào cũng luôn rủng rỉnh tiền trong túi. Đến một giai đoạn nào đó, họ cũng phải tính đến hiệu quả kinh tế cho hoạt động của mình để thỏa mãn mong đợi của các nhà đầu tư. Lúc này, mô hình sàn giao dịch TMĐT (e-commerce Marketplace) xuất hiện.

Thật ra, mô hình Marketplace đã có mặt ở Việt Nam khá sớm, trước cả sự đổ bộ của Rocket Internet với hai trang TMĐT đình đám gần đây là Zalora và Lazada. Tuy nhiên, cách mà Zalora và Lazada đến với mô hình Marketplace hơi khác. Họ bắt đầu xây dựng một trang web thương mại điện tử B2C chuyên nghiệp, tích hợp tất cả các dịch vụ hỗ trợ khách hàng, đơn giản hóa các thao tác mua hàng ở mức đối đa và luôn cam kết bảo mật thông tin cá nhân của khách hàng. Cùng với một chiến lược quảng cáo trực tuyến rầm rộ và liên tục, từng bước họ chiếm được niềm tin với người mua hàng trong nước. Sau đó, họ mới bước sang giai đoạn thứ hai là giới thiệu sàn giao dịch thương mại điện tử!

Marketplace của họ “ký sinh” ngay trên trang web bán lẻ trực tuyến của mô hình B2C nên họ tận dụng được lượng truy cập, một số lượng lớn khách hàng và tài nguyên hiện có.

Dưới góc độ công ty bán lẻ trực tuyến, mô hình Marketplace có nhiều ưu thế hơn so với mô hình B2C truyền thống. Thứ nhất, nó giúp công ty TMĐT giảm đáng kể chi phí đầu tư kho bãi, mua hàng và quản lý tốt vốn lưu động. Hàng hóa, sau khi được đưa lên trang Marketplace, vẫn nằm tại kho và thuộc sở hữu của nhà cung cấp.

Khi có đơn hàng từ khách hàng, công ty mới liên hệ nhà cung cấp để thực hiện các công đoạn đóng gói, giao hàng và thu tiền hộ nhà cung cấp. Công ty TMĐT đơn thuần đóng vai trò trung gian, kết nối người bán và người mua. Việc xuất hóa đơn cho khách hàng là trách nhiệm của nhà cung cấp và điều này luôn được quy định rõ ràng có tính chất bắt buộc trong hợp đồng giữa công ty TMĐT và nhà cung cấp. Thứ hai, hoạt động song song với mô hình B2C, công ty TMĐT tận dụng được nguồn lực hiện có để xử lý đơn hàng và hoàn tất các dịch vụ hỗ trợ nhà cung cấp như vận hành (operations), sản xuất hình ảnh (production), giao vận (logistics), chăm sóc khách hàng (customer service)… Những công đoạn này thường là giống nhau ở cả hai mô hình B2C và Marketplace. Kế tiếp, thông qua hợp tác với nhà cung cấp, công ty TMĐT đa dạng hóa nguồn hàng, chủng loại hàng để từ đó giảm chi phí mua hàng và giá vốn hàng bán. Và cuối cùng, mô hình Marketplace luôn cho tỷ suất lợi nhuận gộp cao hơn từ phí dịch vụ tính trên phần trăm giá trị giao dịch thành công. Chính vì những ưu thế này mà cả Zalora lẫn Lazada cam kết đầu tư mạnh vào Marketplace. Những ưu thế này được sử dụng triệt để trong các đợt gọi góp vốn. Doanh thu và số đơn hàng từ Marketplace của Zalora và Lazada luôn có mức tăng hàng tháng từ hai con số trở lên và chiếm một tỷ lệ đáng kể trong tổng doanh thu.

Mới đây, Lazada gọi thêm được 250 triệu đô la Mỹ từ nhóm các nhà đầu tư dẫn đầu bởi Temasek (Singapore).

Mô hình Marketplace luôn cho tỷ suất lợi nhuận gộp cao hơn từ phí dịch vụ tính trên phần trăm giá trị giao dịch thành công.

Dưới góc độ nhà cung cấp (đặc biệt là các công ty nhỏ và vừa), mô hình Marketplace giúp họ quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm đến một lượng lớn khách hàng hiện có từ mô hình B2C của công ty TMĐT, tăng vòng quay hàng tồn kho, học tập và tích lũy kinh nghiệm cách làm thương mại điện tử bài bản, tập trung vào việc sản xuất và nghiên cứu phát triển sản phẩm mới.

Trên thực tế, mô hình Marketplace đã và đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam khi các cơ quan quản lý kinh doanh đã thừa nhận nó qua việc cấp phép sàn giao dịch cho các công ty TMĐT. Đơn giản vì nó mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng bao gồm người bán, người mua (khách hàng) và cơ quan quản lý thuế có thêm nguồn thu.

Vậy với mô hình tương tự Marketplace, cốt lõi vẫn là người trung gian cho giao dịch cung cấp dịch vụ taxi (thay vì mua bán hàng hóa hữu hình), vì sao Uber lại gặp không ít phản đối từ các hiệp hội taxi ở các thành phố lớn?

Trước hết, phải thừa nhận là Uber không phải là công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển taxi vì bản thân họ không sở hữu một chiếc xe nào, họ không ký hợp đồng thuê xe và cũng không ký hợp đồng lao động với bất kỳ tài xế nào. Uber đơn thuần chỉ là công ty công nghệ! Họ đầu tư và phát triển một hạ tầng công nghệ và một trình ứng dụng (application) trên điện thoại di động để kết nối khách hàng và công ty cung cấp dịch vụ vận chuyển.

Theo đó, Uber không trực tiếp cung cấp dịch vụ vận chuyển cho khách hàng. Với vai trò là người trung gian, họ chỉ cung cấp nền tảng công nghệ kết nối giữa công ty vận tải trong nước với khách hàng. Từ đó, doanh thu chính của họ là từ cung cấp dịch vụ sử dụng application và từ dịch vụ thu hộ (thông qua thanh toán bằng thẻ tín dụng), tính theo tỷ lệ phần trăm giá trị dịch vụ vận chuyển thành công.

Những phản đối của các hiệp hội taxi chủ yếu xoay quanh tính pháp lý, nghĩa vụ nộp thuế của Uber và sự an toàn của khách hàng. Mô hình trên chỉ ra những mối quan hệ giữa các chủ thể tham gia và bản chất thật sự của dịch vụ Uber. Rõ ràng Uber không phải là công ty taxi mà chỉ đơn thuần là công ty cung cấp dịch vụ ứng dụng phục vụ cho việc kết nối giữa công ty vận tải với khách hàng. Về bản chất thì dịch vụ này không bị cấm hay bị hạn chế hoặc thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện bởi các quy định hiện hành.

Ở khía cạnh thuế, nếu Uber chưa thành lập công ty lâu dài tại Việt Nam, doanh thu từ dịch vụ này sẽ phải chịu thuế nhà thầu (foreign contractor withholding tax) bao gồm cả thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp như bao loại hình dịch vụ khác có phát sinh thu nhập tại Việt Nam. Là công ty đa quốc gia, chắc chắn Uber phải tuân thủ vấn đề này!

Công ty vận tải trong nước có trách nhiệm, nghĩa vụ nộp thuế và tuân thủ các quy định có liên quan cho hoạt động kinh doanh vận tải của mình. Trước khi trả tiền dịch vụ cho Uber, họ phải có trách nhiệm giữ lại phần thuế nhà thầu và thay mặt Uber đóng vào ngân sách nhà nước. Điều này chắc chắn được quy định rõ ràng trong hợp đồng với Uber. Như bao công ty vận tải khác trong nước, họ phải ký hợp đồng thuê xe với các chủ xe có xe nhàn rỗi, kê khai và đóng các loại thuế và phí. Các công ty vận tải có trách nhiệm xuất hóa đơn tài chính khi khách hàng yêu cầu. Bên cạnh đó, để bảo đảm tính tuân thủ về thuế thu nhập cá nhân, họ cũng chính là người giữ và đóng thay phần thuế thu nhập của các tài xế. Tóm lại, hầu hết các nghĩa vụ nộp thuế theo mô hình trên đều nằm ở công ty vận tải trong nước.

Như vậy, một khi nắm rõ mô hình hoạt động của Uber và bản chất hoạt động kinh doanh của họ, chúng ta sẽ thấy được những mối quan hệ giữa các bên tham gia vào mô hình kinh doanh mới mẻ này. Và từ đó, các cơ quan nhà nước sẽ có cái nhìn thoáng hơn và quản lý nó chặt chẽ hơn. Mô hình kinh doanh Uber đang sử dụng tương tự như mô hình Marketplace. Marketplace được phép hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Thế thì tại sao Uber lại không được khuyến khích?

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here