Gắng hết mình vì người tiêu dùng

0
803

Ở độ tuổi 40, chị Đặng Thị Phương Ninh đã được ban lãnh đạo Vissan tin tưởng giao phó trọng trách cùng lèo lái con thuyền Vissan lên một tầm cao mới.

Từ năm 1997, chị Phương Ninh là sinh viên ngành hóa thực phẩm của Đại học Bách Khoa. Ra trường, cứ như số mệnh đã định sẵn chị về làm việc luôn cho Vissan và là nhân viên Phòng Nghiên cứu phát triển sản phẩm của Vissan. Say sưa với công việc chuyên môn, rồi không biết từ lúc nào, kĩ năng chế biến thực phẩm đã thực sự lôi cuốn và hút hồn chị. Hình ảnh người nữ cán bộ trong chiếc blouse trắng có mặt ở khắp các phân xưởng sản xuất, trực tiếp tham gia vào các khâu chế biến thực phẩm quan trọng đã trở nên thân quen với người lao động công ty. Và từ đầu năm 2014, chị là Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Kỹ nghệ Súc sản Vissan.

Chuyện kinh doanh không có trong sách vở

* Là kỹ thuật viên, lên phó rồi quản đốc xưởng chế biến thực phẩm. Sau đó làm trưởng phòng nghiên cứu phát triển sản phẩm, học thêm MBA lại được cất nhắc lên phó tổng giám đốc. Chị nhận thấy mình trưởng thành ở mặt nào?

Khi tôi vô công ty làm việc, lúc đó Vissan đã dẫn đầu nghành thực phẩm rồi. Tôi được đào tạo, đi học và làm việc với đối tác nước ngoài như: Nhật, Mỹ, Thái Lan, Đức… Truyền thống của Vissan đã giúp tôi trưởng thành rất nhanh về chuyên môn. Từ miếng thịt làm ra sản phẩm, rất nhiều bí quyết, tôi học và tự cảm nhận từ thực tế. Đây là những điều không ai có thể dạy và mình phải tự học, tích lũy mỗi ngày, những điều khác rất xa ở trường đại học và không có sách vở nào dạy hết được.

* Về máy móc công nghệ, trình độ sản xuất của nước ta có gì thua kém các nước tiên tiến?

Ngành sản xuất chế biến của thế giới đã có từ rất lâu và liên tục cải tiến, dây chuyền tự động hoàn toàn rồi, ở ta còn bán tự động nhiều. Tuy nhiên, Vissan có đủ các máy chính và dây chuyền sản xuất phù hợp với điều kiện hiện nay. Trước những đòi hỏi lớn về an toàn thực phẩm ở Việt Nam, tôi tin là không dễ có doanh nghiệp nào được đầu tư như Vissan.

* Sản phẩm của Vissan thu hút được sự quan tâm của rất đông người tiêu dùng. Vậy Vissan đánh giá những người thợ giỏi của mình như thế nào?

Chúng tôi thường ví họ như nghệ nhân. Họ là những người chăm chút cho sản phẩm không khác nào một tác phẩm nghệ thuật. Họ làm bằng tất cả tâm huyết của mình. Ví dụ câu chuyện của anh Bảo. Sản xuất sản phẩm từ thịt thường phải đợi lúc chín mới thử kết quả, nhưng có khi quy trình chưa hoàn thiện, anh dám đưa lên miệng để cảm nhận từ thịt sống. Điều này không có lý thuyết, sách vở nào dạy và đánh giá thay được. Ngoài ra chúng tôi có văn hóa trân trọng mọi đóng góp của người lao động, không ai quan trọng nhất. Đây là nét riêng của Vissan. Người thợ được đánh giá hơn kém nhau thì sự chênh lệch chỉ ở mức 8-10 điểm. Người giỏi thì sẽ biết cả các công đoạn trước, sau phần việc mình làm và cuối cùng sản phẩm sẽ như thế nào.

Ai cũng biết “Ba bông mai”

* Sang năm 2015 sẽ đánh dấu 45 năm thành lập Vissan, nếu hỏi niềm tự hào lớn nhất của Vissan thì chị sẽ nói gì?

Gắn bó với người tiêu dùng.

“Chúng tôi có văn hóa trân trọng mọi đóng góp của người lao động, không ai quan trọng nhất. Đây là nét riêng của Vissan.”

Nhưng đây là mục tiêu mà tất cả doanh nghiệp đều hướng đến…

Nhưng Vissan làm rất rõ. Chúng tôi có truyền thống của một doanh nghiệp nhà nước. Vissan tham gia các chiến dịch bình ổn giá những lúc thị trường chao đảo, giảm khó khăn một cách thiết thực cho người tiêu dùng. Tỷ suất lợi nhuận của Vissan không cao, bởi Vissan có tính đến yếu tố lợi ích của người tiêu dùng khi xây dựng giá. Đó là truyền thống đẹp ở Vissan.

Sau nữa, thương hiệu là niềm tự hào lớn của Vissan. Rất nhiều nhân viên và cả người tiêu dùng đều biết đến logo “Ba bông mai” của Vissan. Đó là tài sản rất lớn! Các công ty nước ngoài vào Việt Nam đầu tư kinh doanh, họ bỏ nhiều tiền vào làm marketing, PR, quảng cáo rồi có doanh nghiệp làm đủ chiêu trò, làm giá cả khuấy động thị trường… nhưng Vissan vẫn trung thành với người tiêu dùng Việt Nam và trở thành một tên tuổi ngày càng uy tín.

* Nhưng Vissan không thể tránh khỏi căn bệnh trì trệ – mang tên “doanh nghiệp nhà nước”?

Chính vì thế chúng tôi đang dốc sức lực cố gắng thay đổi lớn: cổ phần hóa. Phải thay đổi về quản lý, mọi người đều phải thay đổi cách làm việc. Chúng tôi đang được Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) hỗ trợ. Vissan cũng đang tiến hành dự án lớn: xây dựng cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan. Đây sẽ là cụm công nghiệp đầu tiên khép kín quản lý thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn, có hàm lượng khoa học công nghệ cao. Doanh nghiệp đứng đầu phải tiên phong hoàn thiện quy trình.

“Lên chức là phải làm nhiều”?

* Dưới góc độ bà nội trợ, chị thích sản phẩm nào của Vissan?

Khó nhỉ! Chúng tôi có tới 221 sản phẩm kia mà. Chả giò, xúc xích bán được lắm. Nếu bắt chọn thì tôi chọn giò lụa.

* Nhưng nhiều người bảo giò lụa Vissan không có mùi thơm lá chuối?

Do quy trình công nghệ, chúng tôi thao tác bọc kín sản phẩm, đảm bảo an toàn, không gói bằng lá chuối bọc thêm, nhưng giò lụa rất ngon. Ngoài ra chúng tôi có mắm chưng làm công phu và rất ngon. Những món dân dã qua chế biến công nghiệp rất khó, nhưng chúng tôi thành công.

* Là nữ doanh nhân, chị có bị căng thẳng giữa công việc và đời sống gia đình không?

Rất lạ là tôi không nghĩ mình là doanh nhân. Anh Mười (Tổng giám đốc Văn Đức Mười – PV) mới thực sự là doanh nhân giỏi. Tôi thích được gọi là người làm kỹ thuật hơn. Tôi chỉ mê được chui vào góc nào đó làm việc.

Hiện tôi có nhiều việc hơn, rồi họp hành đủ thứ; cũng không còn được mặc blouse trắng đi quanh phân xưởng nhiều như trước nữa. Việc nhà vẫn làm, nhưng không thể như xưa. Phải có người phụ vài ngày trong tuần.

* Nhưng nay chị đã là Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn rồi?

Có thể do phải làm việc nhiều vậy mà tôi được chồng, con thông cảm. Có lần, đứa con trai lớn 13 tuổi, trong ngày sinh nhật nó, tôi hỏi: “Con có muốn mẹ tới lớp làm sinh nhật cho con như các mẹ khác hay không? Nó bảo: “ Không nhất thiết đâu mẹ. Những mẹ nào rảnh rỗi muốn làm thế thì làm thôi”. Tôi rất cảm kích điều này.

* Vậy những sở thích riêng tư của chị có còn được duy trì?

Tôi vẫn đi bơi với các con, vẫn gặp bạn bè cùng nói chuyện. Dạo đầu, khi mới nhận chức và quá bận rộn, đứa con trai thỏ thẻ: “Mẹ ơi, lên chức là phải làm nhiều vậy đó hả”? Nó khiến tôi giật mình. Rồi thì theo thời gian, cũng sắp xếp mọi việc tốt hơn…

Xin cảm ơn chị!

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here