Luận về lãnh đạo, quản lý và quyền lực trong DN

0
1067

Các khái niệm “lãnh đạo” và “quản lý” đã được mổ xẻ và bàn luận nhiều, nhưng dường như vẫn chưa được phân biệt một cách triệt để.

Kết nối hai khái niệm với nhau theo cách tiếp cận dưới đây có thể là những gợi ý tham khảo cho việc nghiên cứu và thực hành quản trị trong doanh nghiệp (DN).

Trong quá khứ, lãnh đạo quốc gia là vua, tức người sở hữu quốc gia; người đàn ông sở hữu mọi tài sản nên thông thường cũng nắm vai trò chỉ huy trong gia đình.

Ngày nay, theo quy định, lãnh đạo cao nhất của công ty đại chúng là đại hội cổ đông; lãnh đạo cao nhất của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là chủ sở hữu.

Như vậy, quyền sở hữu và sử dụng nguồn lực sinh ra quyền lực. Người có quyền lực là lãnh đạo.

Những người sở hữu nhiều nguồn lực, như chủ các DN lớn, không thể tự mình lãnh đạo tất cả các DN, do đó họ ủy quyền cho một số người thay mặt họ lãnh đạo các DN này. Thông thường, người chủ sẽ gọi những người được ủy quyền là quản lý, tức là lãnh đạo làm thuê. Công việc của những lãnh đạo làm thuê là lãnh đạo trong phạm vi được ủy quyền. Ở đây, quyền lãnh đạo không có nghĩa là được sở hữu mà chỉ được sử dụng nguồn lực.

Theo đó, sẽ có hai loại hình lãnh đạo: (1) Lãnh đạo thực quyền, tức người có quyền sở hữu và sử dụng nguồn lực trong DN; và (2) Lãnh đạo ủy quyền, tức là người có quyền sử dụng nguồn lực được giao. Lãnh đạo được ủy quyền cũng có thể ủy quyền lại nếu được quy định trong cơ cấu tổ chức của DN.

Chẳng hạn, trong công ty đại chúng, trưởng phòng là lãnh đạo ủy quyền của phòng, tức là người quản lý của tổng giám đốc; tổng giám đốc là lãnh đạo ủy quyền của DN, tức là người quản lý của Hội đồng quản trị.

Tóm lại, nên hiểu lãnh đạo là vị trí, còn quản lý là công việc. Công việc chính của lãnh đạo các cấp đều là quản lý. Cố gắng phân biệt công việc lãnh đạo và công việc quản lý là vô nghĩa theo cách tiếp cận này.

Lãnh đạo thực quyền khác với lãnh đạo ủy quyền ở phạm vi quyền lực, trách nhiệm, thời hạn nắm quyền, tầm nhìn và góc nhìn tổ chức, mục tiêu tìm kiếm lợi ích.

Lãnh đạo thực quyền có quyền lực tuyệt đối đối với nguồn lực sở hữu (mua bán, cho tặng, giải thể…). Do đó, lãnh đạo thực quyền có trách nhiệm cao nhất mọi hoạt động của tổ chức.

Hơn nữa, quyền sở hữu nguồn lực, tức quyền lực của lãnh đạo thực quyền, có thể là vô hạn và được thừa kế.

Lãnh đạo thực quyền nhìn DN là một dạng tài sản và tầm nhìn vượt ra khỏi hiệu suất hoạt động của nó. Tài sản phải gia tăng về giá trị và như vậy, hiệu quả đầu tư vào DN quan trọng hơn hoạt động nội tại của nó. Chủ DN sẵn sàng bán doanh nghiệp này mua DN khác là vì vậy.

Làm gia tăng giá trị tài sản một cách tốt nhất là thước đo năng lực của lãnh đạo thực quyền, trong đó sáng tạo ra giá trị mới là năng lực cốt lõi.

Do lãnh đạo thực quyền đương nhiên tuyệt đối trung thành, có động lực sáng tạo thêm nhiều giá trị cho tổ chức đồng thời cũng là tài sản của mình, nên việc sở hữu rõ ràng là yếu tố quan trọng hàng đầu đảm bảo hiệu quả cho tổ chức.

Lãnh đạo ủy quyền có quyền lực trong phạm vi và thời hạn được giao. Lãnh đạo ủy quyền xem tổ chức là guồng máy và như vậy, đạt hiệu suất tối đa, tức hoàn thành tốt nhất các mục tiêu do lãnh đạo thực quyền đề ra – là thước đo năng lực lãnh đạo ủy quyền.

Mục tiêu quan trọng của lãnh đạo ủy quyền là tìm kiếm giá trị cho mình từ bên trong tổ chức như chức vụ, lương và các quyền lợi khác. Lãnh đạo ủy quyền tham lam có xu hướng chiếm đoạt thêm giá trị từ bên trong tổ chức (tham nhũng). Do vậy, bên cạnh năng lực quản lý thì trung thành là giá trị đạo đức cốt lõi của lãnh đạo ủy quyền.

Ủy quyền bắt buộc phải đi kèm với kiểm soát quyền lực nhằm tránh thất thoát nguồn lực và việc kiểm soát chỉ có thực chất khi được thực hiện bởi lãnh đạo thực quyền và lãnh đạo ủy quyền trung thành.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here