M&A: Để không yếu thế so với bên mua

0
993

Thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) đang nở rộ tại Việt Nam với hàng loạt các thương vụ lớn diễn ra thời gian qua như Central Group mua Nguyễn Kim, BJC mua Metro Việt Nam, Vingroup mua Oceanmart, Kinh Đô bán 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho Mondelez International…

Đây là chiến lược quan trọng trong việc thâm nhập và phát triển thị trường của nhiều doanh nghiệp (DN). Thế nhưng, làm thế nào để chọn được đối tác phù hợp là điều không phải DN nào cũng biết.

Theo một báo cáo về xu hướng M&A của Công ty Deloitte, số lượng và giá trị các thương vụ M&A trên thế giới tăng nhanh trong 2 năm qua với giá trị lên tới 600 tỷ USD. Tuy nhiên, hơn 50% số thương vụ này không kết thúc suôn sẻ và đến 80% số vụ đổi chủ này không đạt được mục tiêu đề ra.

Tại Việt Nam, những năm qua, đã có hàng loạt những thương hiệu lớn phải “bán mình” như Kinh Đô bán 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho Mondelez International, BJC mua Metro Việt Nam, Vingroup mua Oceanmart…

Gần đây nhất là Nguyễn Kim bán 49% cổ phần cho Tập đoàn Central Group (Thái Lan). Xu hướng M&A được nhận định là sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới khi Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN đang gần kề và nhiều hiệp định thương mại sắp được ký kết.

Có nhiều lý do để DN chọn M&A như muốn phát triển thương hiệu, chuyển hướng kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường, thua lỗ có thể dẫn đến phá sản… nhưng nguyên nhân mà các DN nhỏ thường tìm đến M&A chủ yếu là vì thua lỗ.

Chia sẻ tại tọa đàm “Mua bán doanh nghiệp: Kinh nghiệm từ người bán” do Báo Doanh Nhân Sài Gòn, Hội Các nhà Quản trị Việt Nam và Công ty ANHGROUP tổ chức ngày 15/5 tại TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Tùng, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, cho biết, lý do Hoàn Mỹ bán đứa con của mình là vì nợ nần.

Hoàn Mỹ của ông Tùng từng là thương hiệu bệnh viện tư nhân lớn nhất của Việt Nam. Năm 2007, Hoàn Mỹ đã có đến 10 bệnh viện – phòng khám, 2.000 nhân viên, 322 bác sỹ trải dài từ Cà Mau đến Đà Nẵng. Năm 2011, doanh thu của tập đoàn đạt 700 tỷ đồng và tăng 30% trong năm 2012.

Thành công từ những bệnh viện – phòng khám đã mở, ông Tùng liên tục đầu tư, mở thêm những bệnh viện mới ở các tỉnh thành. “Nhưng, chính sự hăng say và tâm huyết nhưng thiếu kinh nghiệm trong quản lý tài chính khiến chúng tôi lâm vào tình thế khó khăn.

Với số tiền vay gần 400 tỷ đồng, Hoàn Mỹ trở thành cái tên thứ 2 tại TP.HCM trong danh sách… nợ. Nguồn thu từ Hoàn Mỹ Sài Gòn không thấm vào đâu so với lãi suất lên đến 20-21%/năm nên nguy cơ mất trắng DN đang ở trước mắt. Tình thế đó buộc tôi phải bán công ty dù niềm đam mê về bệnh viện vẫn còn nguyên đầy”, ông Nguyễn Hữu Tùng kể.

Khi Hoàn Mỹ rao bán, có đến 5 đối tác đặt vấn đề mua nhưng đơn vị này chọn Fortis vì họ không đơn thuần là nhà đầu tư tài chính tuần túy. Fortis chấp nhận định hướng phát triển hệ thống bệnh viện khắp Việt Nam của Hoàn Mỹ. Không những thế, nhà đầu tư này còn chấp nhận trả mức giá tương đối để mua cổ phần của VinaCapital và Deutsche Bank đang sở hữu ở Hoàn Mỹ và mua thêm cho đủ 65%.

Chưa hết, Fortis chấp nhận đầu tư công nghệ, phương pháp quản trị mới, nâng cấp chất lượng dịch vụ… để Hoàn Mỹ ngày càng phát triển. “Đó là lý do Hoàn Mỹ quyết định chọn Fortis thay vì những đối tác khác”, ông Tùng cho biết.

Nên cẩn trọng!

Với 64 triệu USD từ việc bán 65% cổ phần cho Fortis Healthcare, ông Nguyễn Hữu Tùng và thương hiệu Hoàn Mỹ trở nên “hot” vì đây là thương vụ đầu tiên trong lĩnh vực y tế tư nhân và giá trị thương vụ cũng không hề nhỏ.

Theo ông Tùng, giá trị thương vụ cao hay thấp tùy thuộc vào thái độ cũng như hoàn cảnh của bên bán. “Nếu như biết mình đang cần tiền trả nợ, kinh doanh cần vốn mở rộng… chắc chắn đối tác sẽ làm cao ngay”, ông Tùng nói.

Tại Việt Nam, tuy M&A đã phát triển nhưng vẫn còn mới mẽ đối với nhiều DN Việt Nam. Phía bên mua, nhà đầu tư nước ngoài am tường quản trị, có tiềm lực tài chính, nhiều kinh nghiệm trong việc mua lại DN có thể đưa ra hợp đồng phức tạp với những điều kiện khó khăn cho DN Việt Nam.

M&A là cái bẫy tài chính, chỉ cần DN thiếu tỉnh táo sẽ dễ bị sa lầy.

Kinh nghiệm từ thương vụ bán Tập đoàn Hoàn Mỹ, ông Tùng cho rằng, các đối tác nước ngoài thường chú ý đến giá trị của DN, năng lực chủ đầu tư về phát triển thị trường, khả năng quản trị…

Nhưng, vấn đề quan trọng nhất vẫn là nguyên nhân chủ DN bán công ty? “Khi đặt vấn đề mua Hoàn Mỹ, nhà đầu tư rất… “từ tốn” chứ không sốt sắng. Họ biết chúng tôi nợ ngân hàng và bắt buộc phải tìm đến họ thỏa thuận.

Vì vậy, các đối tác này đưa ra mức giá rất thấp. Đối tác đưa ra giá cao thì đi kèm với đó là nhiều điều khoản bất lợi cho Hoàn Mỹ. Cuối cùng, chúng tôi chọn Fortis vì giá chấp nhận được mà định hướng phát triển trong tương lai cũng phù hợp với chiến lược của chúng tôi”, ông Tùng cho biết.

M&A là cái bẫy tài chính, chỉ cần DN thiếu tỉnh táo sẽ dễ bị sa lầy. Vì thế, khi đầu tư, thì phải tính toán kỹ và khi đàm phán thì phải biết mình là ai, ở đâu, làm gì để chủ động với những thương thảo. Điều quan trọng không kém là phải lưu ý các điều khoản cơ bản trong hợp đồng như giá chuyển nhượng, phương thức và thời gian thanh toán, thời hạn thực hiện… để hạn chế rủi ro.

Chúng ta thường yếu về tài chính nên đối tác thường ép chúng ta về giá. Phía bên mua nghiên cứu rất kỹ những điều kiện của bên bán, rồi những rủi ro nào có thể xảy ra trong 5 năm, nền kinh tế phát triển ra sao… Sau khi bán DN, làm sao để thống nhất được với bên mua về định hướng phát triển công ty cũng là điều rất quan trọng.

Cũng theo ông Tùng, mục tiêu của các nhà đầu tư tài chính là tạo ra giá trị lớn hơn nhiều lần giá trị nguồn vốn đầu tư để bán lại cổ phần. Nếu không khéo léo, doanh nhân không thể giữ quyền kiểm soát.

Muốn hội nhập quốc tế thì phải quốc tế hóa ở từng con người, từng sự việc. Trong điều kiện hiện nay, nếu các DN nhỏ và vừa không chuẩn bị những vấn đề này sẽ không còn đất sống khi làn sóng đầu tư từ cộng đồng ASEAN đang đến.

Để không yếu thế trước các đối tác nước ngoài, theo ông Tùng, các DN cần sử dụng dịch vụ tư vấn. Đây là biện pháp khắc phục tình trạng thiếu hiểu biết về pháp luật, về kiến thức trong các khâu định giá, tái cấu trúc… ở các DN.

“Các nhà tư vấn pháp luật và các luật sư không chỉ cung cấp thông tin, giải thích pháp luật về M&A mà còn đưa ra những lời khuyên để phòng ngừa tranh chấp và rủi ro pháp lý trong quá trình thực hiện hoạt động M&A cho DN. Trong khi đó, các tổ chức tư vấn sẽ hỗ trợ DN trong việc tái cấu trúc hiệu quả, thu hút thêm đầu tư, lành mạnh hóa tài chính DN, xác định hướng đi sau khi sáp nhập…”, ông Tùng tư vấn.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here