Tương lai nào cho dầu thực vật Tường An?

0
1296

Vốn từng thống lĩnh thị trường dầu ăn trong nhiều năm liền, “Chú voi đỏ” Tường An đang phải chứng kiến thị phần và tỉ suất lợi nhuận giảm mạnh.

“Tôi thấy lo lắng khi Tổng Giám đốc không nắm được tình hình công ty” là ý kiến của một nhà đầu tư tại Đại hội cổ đông thường niên 2015 của Công ty Dầu Thực vật Tường An. Không riêng gì cổ đông này, nhiều nhà đầu tư khác cũng thể hiện sự thất vọng về tình hình kinh doanh của Tường An.

Kết quả là nhiều nội dung trong tờ trình tại Đại hội cổ đông chưa được thông qua (do tỉ lệ bỏ phiếu dưới 65%) dù cho Công ty không có cổ đông lớn nào ngoài Vocarimex (51% cổ phần). Chẳng hạn như kế hoạch kinh doanh và việc chi trả thù lao cho lãnh đạo Tường An năm 2015, phương án phân phối lợi nhuận, cổ tức năm 2014.

“Voi đỏ” mất ngà

Nguyên nhân chủ yếu khiến cổ đông phản ứng gay gắt là vì biểu tượng chú voi đỏ từng thống lĩnh thị trường dầu ăn trong nhiều năm đang chứng kiến thị phần và tỉ suất lợi nhuận giảm mạnh.

Hiện nay, Tường An chỉ còn chiếm hơn 20% thị trường dầu ăn so với mức trên 35% vào năm 2007. Công ty soán ngôi chính là Dầu Thực vật Cái Lân (ra đời sau Tường An 20 năm và do Wilmar nắm giữ gần 70% cổ phần) với thị phần hơn 40%.

Tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Tường An cũng giảm mạnh, từ mức bình quân 24% giai đoạn 2005-2007 xuống còn 13%/năm trong 7 năm qua. Kết quả kinh doanh giảm sút, nhưng chi phí bán hàng (chủ yếu là chi phí khác) của Tường An lại tăng mạnh và là khoản mục có tỉ trọng trong doanh thu cao, chỉ sau chi phí nguyên liệu.

Do vậy, dù vẫn đem lại lợi nhuận mỗi năm và có thị phần đứng thứ hai trong ngành dầu ăn, nhưng những tín hiệu trên cho thấy sự đuối sức của chú voi đỏ trong những năm gần đây.

Giải thích cho vấn đề này, đại diện của Tường An đưa ra các lý do như sức mua của thị trường còn yếu; mức độ cạnh tranh giữa các nhãn hiệu rất gay gắt; biên lợi nhuận của ngành này thấp và phụ thuộc vào giá nhập khẩu nguyên liệu trên thế giới…

Trong khi đó, tại Đại hội cổ đông vừa diễn ra, có ý kiến cho rằng vấn đề khó khăn nhất của Công ty là chuyện mua nguyên liệu đầu vào. Nhiều cổ đông đã tỏ ra bức xúc khi Công ty mua nguyên liệu từ Vocarimex (công ty mẹ chiếm 51% cổ phần tại Tường An). Lý do được đưa ra là Vocarimex không sản xuất ra nguyên liệu mà lại nhập từ nước ngoài (từ Bunge, Denali và Wilmar) rồi về bán lại cho Tường An lấy lời. “Sao Công ty không mua trực tiếp từ nước ngoài mà cứ phải qua Vocarimex?”, một cổ đông thắc mắc.

Điều đáng nói là doanh thu từ việc cung ứng nguyên liệu cho công ty con như Tường An và Dầu Tân Bình đang chiếm tỉ trọng gần như tuyệt đối trong tổng doanh thu của Vocarimex. Chẳng hạn, trong năm 2013, Vocarimex bán nguyên liệu (dầu xá – chưa tinh luyện) cho Tường An với doanh số gần 3.200 tỉ đồng trong tổng số 4.200 tỉ đồng doanh thu thuần. Còn tỉ trọng doanh thu từ dầu chai (đã tinh luyện) của công ty này chỉ vỏn vẹn 3% với thị phần không đáng kể so với các công ty con và công ty liên kết.

Như vậy, liệu Vocarimex có dễ dàng từ bỏ việc bán nguyên liệu cho Tường An hay không? Người bán chắc hẳn không muốn. Vậy còn bên mua thì sao? Tường An có quyền quyết định và lựa chọn nhà cung cấp nguyên liệu cho mình hay không? Chuyện này dường như khó xảy ra khi ban điều hành của Tường An cũng chính là lãnh đạo của Vocarimex.

Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều năm gần đây, nhà cung cấp nguyên liệu cho Tường An chỉ có Vocarimex, dù cho các cổ đông khác có bằng lòng hay không. Thậm chí, có 2 cổ đông nước ngoài lớn là Jaccar Capital Fund và Amersham Industries cũng từ bỏ Tường An do những bất đồng chủ yếu liên quan đến việc mua nguyên liệu từ Vocarimex.

Mặt khác, tỉ lệ sở hữu cá nhân của ban lãnh đạo Tường An đều dưới 0,1%, khiến một số cổ đông cho rằng các vị lãnh đạo Tường An không thực sự bận tâm đến kết quả kinh doanh của Công ty.

Tìm lại thời vàng son?

Thời vàng son của Tường An được ghi dấu trong các năm 2005-2007. Khi ấy, Tường An là doanh nghiệp dầu ăn có quy mô và thị phần lớn nhất Việt Nam với các sản phẩm chính là dầu chiên xào, dầu đặc, dầu cao cấp.

Tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Tường An giảm mạnh, từ mức bình quân 24% giai đoạn 2005-2007 xuống còn 13%/năm trong 7 năm qua.

Tỉ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu (ROS) của Công ty đạt mức bình quân 3,8%/năm, cao hơn nhiều so với những năm sau đó. Đây cũng là mức sinh lợi rất cao, nếu chiếu theo những gì Tổng Giám đốc đương nhiệm của Tường An trả lời cổ đông trong Đại hội vừa diễn ra. Đó là “trong ngành dầu ăn, doanh nghiệp nào tốt thì tỉ suất ROS cũng chỉ từ 2-3% vì ngành này cho mức lợi nhuận thấp”.

Năm 2007, lợi nhuận sau thuế đạt gần 126 tỉ đồng, mức cao nhất trong lịch sử kinh doanh của Tường An cho đến nay. Mức sinh lời này càng ấn tượng khi vốn điều lệ lúc đó chỉ gần 190 tỉ đồng. Tỉ trọng chi phí bán hàng/doanh thu thuần cũng giảm mạnh vào năm 2007 và đạt mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Kết quả thành công này được nhiều cổ đông và các công ty chứng khoán đánh giá là có sự góp phần không nhỏ của cựu Tổng Giám đốc Huỳnh Tuân Phương Mai, nhất là trong việc chủ động nhập khẩu nguyên liệu và dự trữ trước khi có đợt tăng giá mạnh. Tuy vậy, cơ duyên của bà Mai với Tường An không kéo dài khi bà bị bãi nhiệm sau đó – một vấn đề gây tranh cãi kéo dài giữa lãnh đạo mới (đại diện vốn của Vocarimex) và các cổ đông khác trong Công ty.

Nay khi có thông tin Tập đoàn Kinh Đô mua chi phối 51% cổ phần tại Vocarimex, nhiều cổ đông càng quan tâm hơn đến tương lai của Tường An. Một số cổ đông lo ngại nếu Kinh Đô chỉ tập trung hợp tác với Vocarimex, Tường An có thể sẽ mất tiếp thị phần cho các sản phẩm mới, khi Kinh Đô có hệ thống phân phối rất mạnh trên toàn quốc. Nhiều cổ đông khác thì lại hy vọng Tường An có thể cải thiện tình hình tốt hơn nếu Kinh Đô tác động đến chiến lược của Công ty thông qua Vocarimex.

Tại Đại hội cổ đông vừa qua, đại diện ban lãnh đạo Tường An đã xác nhận rằng Kinh Đô chỉ đầu tư vào Vocarimex chứ không phải Tường An, cũng như ông chưa nhận được thay đổi nào trong chiến lược của Công ty.

Dù vậy, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng Kinh Đô sẽ tác động lên chiến lược của Tường An, vì đây mới là mục tiêu mà Kinh Đô mua Vocarimex. Đại diện của Kinh Đô hiện chưa xác nhận thông tin này. Nhưng căn cứ vào kết quả kinh doanh tại các công ty con và công ty liên kết, cũng như thị phần của Vocarimex, có thể thấy chỉ có Tường An và Cái Lân là 2 thương hiệu xứng tầm với Kinh Đô.

Thế nhưng, Vocarimex lại chỉ có 24% cổ phần tại Cái Lân và Wilmar làm chủ cuộc chơi tại doanh nghiệp đang có thị phần hàng đầu này. Trong khi đó, Tường An lại là công ty con của Vocarimex. Do vậy, không loại trừ khả năng đích đến của Kinh Đô có thể là Tường An.

Nếu điều này xảy ra, liệu Tường An có khả năng tìm lại thời vàng son ngày trước?. Chưa có thông tin nào về mối liên kết giữa Kinh Đô và Tường An được công bố chính thức, nhưng có một số tín hiệu mà cổ đông nhỏ lẻ của chú voi đỏ có thể hy vọng.

Đầu tiên phải kể đến sự thay đổi trong ban quản trị Vocarimex. Trong Đại hội cổ đông lần đầu của công ty này sau khi IPO, các cổ đông đã thông qua việc thay thành viên trong Hội đồng Quản trị. Theo đó, Hội đồng mới sẽ có 3 thành viên đến từ Kinh Đô, trong đó ông Trần Kim Thành sẽ làm Chủ tịch tại Vocarimex. “Cặp đôi quyền lực” Trần Kim Thành – Trần Lệ Nguyên được kỳ vọng sẽ thổi làn gió mới vào Vocarimex và ít nhiều cũng sẽ tác động đến Tường An.

Cùng với việc thay lãnh đạo mới tại công ty mẹ của Tường An, chú voi đỏ cũng tuyển thêm nhiều giám sát bán hàng và một số vị trí khác ở các tỉnh. Ngoài ra, tỉ suất lợi nhuận gộp quý IV/2014 đạt mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp với hơn 15% cũng là tín hiệu khả quan ban đầu.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here