Bphone: Không phải dạng vừa đâu!

0
878

Trước đây đã có nhiều thương hiệu điện thoại Việt ra đời, nhưng chưa ai “dám” tuyên bố sản phẩm của mình là tốt nhất và đẹp nhất thế giới như Bkav.

Đầu tháng 1.2015, chiếc Bphone của Bkav “bỗng dưng” xuất hiện tại sự kiện công nghệ nổi tiếng CES ở Mỹ, nơi quy tụ tất cả các thương hiệu nổi tiếng thế giới về triển lãm và giới thiệu sản phẩm mới. Không chỉ che giấu thiết kế bằng cách bọc trong khung kín chỉ lộ màn hình, Bphone còn gây nên rất nhiều sự tò mò khi đại diện Bkav khẳng định rằng chiếc smartphone này “đẹp nhất nhì thế giới, đã được đăng ký bản quyền và không nhái bất cứ sản phẩm nào”.

Ngày 26.5 vừa qua, tại Việt Nam, trong sự kiện ra mắt, Nguyễn Tử Quảng mang trên mình chiếc áo phông tối màu, quần jean xanh và giày thể thao năng động đã trình diễn Bphone trước sự theo dõi và chờ đợi của 2.000 người. “Vô cùng thách thức và hôm nay tôi vô cùng hạnh phúc giới thiệu với các bạn siêu phẩm hàng đầu thế giới, Bphone,” ông Quảng đã bắt đầu như vậy khi giới thiệu về chiếc smartphone mới được trình làng của Tập đoàn Bkav, nơi ông đang là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc. Không chỉ được tổ chức khá hoàng tráng bên trong hội trường, sự kiện còn được các phương tiện truyền thông đại chúng tường thuật trực tiếp trên internet với hình ảnh, thông tin cập nhật từng phút.

Lời giới thiệu ban đầu đó cũng phản ánh đúng phong cách vẫn thường thấy ở ông Quảng. Nhiều người vẫn cho rằng vị doanh nhân sinh năm 1975 này hay “nổ”. Nhưng ở một góc nhìn khác, những tuyên bố như vậy phản ánh sự tự tin của một trong số ít những cá nhân từng tạo được tên tuổi trong lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam. “Tôi tin rằng khi các bạn cầm trên tay sản phẩm này, các bạn cũng nghĩ như tôi, một trong những smartphone đẹp nhất nhì thế giới,” ông nói khi tiếp tục trình diễn chiếc Bphone.

Bkav không phải là công ty Việt Nam đầu tiên nhảy vào sản xuất điện thoại. Trước đó đã có nhiều thương hiệu điện thoại Việt ra đời như Mobiistar, Q-mobile, FPT F99 hay Viettel được tung ra thị trường, nhưng hầu hết đều chịu số phận đìu hiu trên kệ bán. Chỉ có điều là chưa có một công ty Việt Nam nào mạnh dạn tuyên bố sản phẩm điện thoại của mình là tốt nhất và đẹp nhất thế giới như Bkav.

Trước khi nghĩ về tương lai của Bphone, chúng ta hãy nhìn lại tư duy phát triển công nghệ của người đàn ông trung niên được gán cho mác “nổ” này.

“Nổ” từ Bkav…

Bkav được thành lập từ năm 1995 và khi đó, Nguyễn Tử Quảng được xem là một trong những thế hệ sinh viên nền tảng trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam. Trong bối cảnh virus máy tính bắt đầu lây lan, ông Quảng và nhóm bạn của mình đã cho ra đời Bkav và phần mềm diệt virus Bkav, được cung cấp hoàn toàn miễn phí cho người dùng qua internet. Đó là điều đáng được khen ngợi nhưng cũng vô tình cản trở sự phát triển của Bkav, khi Công ty thiếu nguồn lực để tăng đội ngũ nhân sự, đầu tư cơ sở hạ tầng và cả chi phí vận hành.

Sau 10 năm ra mắt phiên bản đầu tiên, tháng 12.2005, phiên bản BkavPro thương mại được đưa ra thị trường. Từ đó, Tập đoàn Bkav đã phát triển nhanh chóng lên quy mô 1.600 người. Bkav giờ không chỉ có phần mềm diệt virus, mà còn có giải pháp Chính phủ điện tử và công nghệ nhà thông minh Bkav SmartHome.

Tuy nhiên, điều thu hút sự chú ý tới Bkav nhiều nhất nằm ở những tuyên bố của công ty này, khi thường tự so sánh với những tập đoàn công nghệ khác nổi tiếng trên thế giới. Trong một quảng cáo trên truyền hình, Bkav từng tự ca ngợi sản phẩm của họ là phần mềm diệt virus tốt nhất thế giới. Sau đó, tại một sự kiện về an toàn thông tin, Bkav tiếp tục đưa ra thông tin khẳng định các tính năng trong phần mềm Mobile Security, phiên bản diệt virus trên điện thoại của Công ty, đứng trên cả 4 ông lớn thế giới là Kaspersky, McAfee, BitDefender và Norton Antivirus. Trong một tuyên bố khác, ông Quảng thậm chí còn chê tập đoàn an ninh mạng nổi tiếng thế giới Trend Micro là “quá lạc hậu” khi không thể đối phó với những mối nguy hiểm hiện nay, còn Bkav thì lại có thể.

Nhưng khách quan mà nói, Bkav cũng không nói suông về khả năng của mình, ít nhất là tại thị trường Việt Nam. Trong nước, sản phẩm của Bkav chiếm ưu thế áp đảo so với các phần mềm diệt virus từ nước ngoài khi có tới 73,95% các doanh nghiệp lựa chọn sử dụng, theo kết quả xếp hạng các thương hiệu phần mềm được doanh nghiệp ưa chuộng do VCCI thực hiện. Dù Bkav chưa bao giờ tiết lộ về doanh thu, nhưng tỉ lệ thị phần áp đảo trước các đối thủ mạnh thế giới tại thị trường Việt Nam cũng có thể cho thấy sự thành công ít nhiều của tập đoàn này.

Bkav cũng từng tuyên bố rằng công nghệ nhà thông minh SmartHome của mình đã “đi trước Microsoft, Google và Samsung cả chục năm” và ông Quảng tiếp tục nổi bật trên truyền thông.

Nhưng Bkav cũng chính là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam lọt vào danh sách những công ty hấp dẫn tại các thị trường mới nổi trên thế giới do Gartner, hãng nghiên cứu công nghệ thông tin hàng đầu hàng đầu thế giới, công bố. Hiện tại, Tập đoàn đã thành lập Bkav Singapore và Bkav USA đặt tại Thung lũng Silicon, Mountain View, bang California, Mỹ. Ngay cả ông Nguyễn Tử Quảng cũng đã được vinh danh là người đặt nền móng cho lĩnh vực an ninh mạng ở Việt Nam, và là một trong 10 nhân vật tiêu biểu của ngành công nghệ thông tin trong thập kỷ 2000-2010.

…“Nổ” ra Bphone

Có thể hiểu rằng khi Bkav đưa ra những tuyên bố đầy thách thức tới các tập đoàn an ninh mạng hàng đầu thế giới về vấn đề diệt virus, họ đã có bề dày lịch sử tính đến nay đã là 20 năm trong lĩnh vực đó. Nhưng đối với Bphone, đó là một câu chuyện khác dù ông Quảng đang rất tâm huyết với sản phẩm mới này. “Cách đây hơn 4 năm, vào tháng 9.2010, chúng tôi đã khởi động dự án Bphone,” ông Quảng kể về lịch sử hình thành chiếc điện thoại Bphone ngày nay.

Sự chuẩn bị kỹ lưỡng còn thể hiện ở việc Bkav đã đăng ký tên miền website cho Bphone từ tháng 9.2010 và đăng ký bản quyền sáng chế trên toàn cầu từ năm 2011, nhằm đảm bảo không bị đánh cắp bản quyền ở bất cứ thị trường nào.

Theo ông Quảng, trước khi bắt đầu dự án Bphone, Bkav đã đặt ra câu hỏi liệu có thể thiết kế chiếc smartphone đẹp hơn những chiếc smartphone hàng đầu trên thế giới được hay không. Đó là bởi vì ông cùng với đồng nghiệp tại Bkav hiểu rằng smartphone không chỉ là một chiếc điện thoại, cũng không chỉ là chiếc máy tính. Ngoài những tiện ích mang lại, smartphone còn là một sản phẩm thời trang.

“Chúng tôi tham gia lĩnh vực này sau các hãng khác. Vậy để trở thành một thương hiệu thực sự trong lĩnh vực, không có cách nào khác chúng tôi phải làm ra những sản phẩm tốt hơn họ và đẹp, tinh xảo, mạnh mẽ là những tiêu chí đầu tiên. Và chúng tôi đã làm được,” ông Quảng khẳng định.

Theo sự quảng cáo của Bkav, Bphone là sản phẩm đầu tiên trên thế giới có thiết kế phẳng về kiểu dáng. So với những sản phẩm mới nhất của Apple hay Samsung, ông Vũ Thanh Thắng, Phó Chủ tịch Phụ trách mảng phần cứng của Bkav, cho rằng Bphone là một chiếc điện thoại có cấu hình mạnh. Sản phẩm này được tích hợp chip xử lý Qualcomm Snapdragon 801, 4 lõi, 2,5 GHz, RAM Sky Hynic 3GB LPDDR3, bộ nhớ flash eMMC 5.0 của Toshiba, màn hình Sharp 5 inch Full HD với 441 điểm ảnh trên 1 inch, camera sau 13 Mpx cảm biến Omnivision. Bphone còn có 2 mặt kính cường lực Gorilla Glass. Ngoài ra, điểm khác biệt của Bphone so với các điện thoại tốt nhất hiện nay của Samsung và Apple là không có camera lồi ở phía sau, một điểm mà nhiều người dùng có thể không chuộng. Ông Thắng nói: “Chỉ có thể là một siêu phẩm mới có tất cả các điều này”.

Hơn nữa, Bkav đã biết tận dụng lợi thế là một công ty chuyên về an ninh mạng để tạo ra hệ điều hành hoàn toàn mới có tên gọi BOS cho Bphone, cùng với các phần mềm bảo mật cho điện thoại. Hệ điều hành mà ông Nguyễn Tử Hoàng, Phó Chủ tịch phụ trách mảng phần mềm của Bkav, miêu tả là “quá nhanh, quá thông minh và vô cùng sành điệu”.

Tương lai của sự tự tin

Có thể thấy rằng sự chuẩn bị cho Bphone của Bkav là rất kỹ lưỡng. Nhưng một câu hỏi lớn ở đây là liệu Bphone có vượt qua được cái bóng đã quá lớn của Apple và Samsung ngay tại thị trường Việt Nam hay không, chứ chưa cần nói đến thị trường toàn cầu.

Bài học về định kiến dành cho điện thoại Việt của các thương hiệu trước vẫn còn rất giá trị với Bphone hiện tại, khi người tiêu dùng Việt vẫn được biết đến là chuộng hàng ngoại.

Theo ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Ban Quản lý phát triển sản phẩm công nghệ của Công ty VNPT Technology, thì Smartphone Vivas Lotus của VNPT mang đi giới thiệu ở các thị trường nước ngoài như Bắc Mỹ và Úc đã được đối tác đánh giá rất cao. Thế nhưng tại Việt Nam, phần lớn người tiêu dùng không đánh giá cao sản phẩm này. Điều này nói lên thực trạng chung là niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm công nghệ thương hiệu Việt đang rất thấp. Bản thân những tuyên bố của Bkav trước đây vẫn hay bị cho là “nổ” quá mức cũng xuất phát một phần từ sự nghi ngờ của người tiêu dùng.

Mặt khác, sự kín tiếng của ông Quảng về địa điểm đặt dây chuyền sản xuất Bphone tại Việt Nam cũng góp phần khiến những người trong ngành tiếp tục hoài nghi về tỉ lệ “chất xám Việt” của sản phẩm này, dù Bphone là smartphone đầu tiên được đóng mác “Made in Vietnam”. Theo quan điểm của ông Đỗ Hoài Nam, chuyên gia công nghệ từng thành công ở Thung lũng Silicon với sáng chế thiết bị đọc sóng não người, thì Bkav nhiều khả năng cũng chỉ đang làm được những điều mà FPT hay Viettel từng thực hiện vài năm trước với các dòng smartphone đã ra mắt trên thị trường.

“Cách đây 10 năm, các hãng sản xuất linh kiện lớn đều đặt nhà máy ở Trung Quốc. Bây giờ thì khác nhiều vì chi phí ở Trung Quốc đã trở nên đắt đỏ, nên họ đã sang mở nhà máy tại Việt Nam. Vì vậy, nếu FPT và Viettel làm smartphone thời điểm này thì cũng sẽ Made in Vietnam như Bkav thôi”, ông Nam công khai chia sẻ.

Khi tự đặt mình vào phân khúc cao cấp, Bkav cũng đã tự đặt mình vào sân chơi cạnh tranh khốc liệt với các thương hiệu lớn nhất thế giới là Apple, Samsung, LG và Sony.

Một trở ngại nữa đối với Bphone có thể nằm ở giá. Bphone có các mức giá từ 9.990.000 đồng đến 20.190.000 đồng cho các phiên bản từ 16GB đến 128GB, nhưng những khảo sát gần đây cho thấy rằng điện thoại smartphone tầm trung có mức giá dao động dưới 7 triệu đồng mới bán chạy ở Việt Nam do phù hợp với túi tiền của nhiều người. Các sản phẩm điện thoại có mức giá cao hơn đang tiêu thụ chậm hơn. Như vậy, khi tự đặt mình vào phân khúc cao cấp, Bkav cũng đã tự đặt mình vào sân chơi cạnh tranh khốc liệt với các thương hiệu lớn nhất thế giới là Apple, Samsung, LG và Sony. Cho đến đầu tháng 6, sản phẩm Bphone đầu tiên mới được tung ra thị trường. Và sự thành công của chiếc smartphone này vẫn là dấu hỏi rất lớn.

Cũng phải nhắc đến sáng kiến phân phối khá lạ của Bphone. Không hề đề cập tới việc bán hàng trên kệ tại các siêu thị điện máy hay cửa hàng điện thoại, Bkav cho biết Bphone sẽ được phân phối qua mạng, thông qua Vala.vn, website thương mại điện tử cũng được ra mắt đồng thời với Bphone. Đây là một chiến lược mới của Bkav, không chỉ để bán Bphone mà còn cạnh tranh với các trang thương mại điện tử khác tại Việt Nam.

“Chúng tôi không tập trung vào những mặt hàng có lợi nhuận ngay như những website thương mại điện tử khác tại Việt Nam hiện nay, mà chúng tôi muốn phục vụ mọi người với đúng nghĩa là có mọi thứ”. Ông Quảng chia sẻ khi giới thiệu về Vala.vn.

Vì lý do gì Bkav lại chọn thương mại điện tử. Đó là vì công ty này hiện có hơn 5 triệu khách hàng đã mua phần mềm diệt virus của Bkav qua internet trong suốt 10 năm qua, theo ông Quảng. “Chúng tôi chắc chắn rằng chưa có website thương mại điện tử nào ở Việt Nam có được số lượng khách hàng hoàn toàn mua qua mạng lớn như vậy. Chỉ có điều trước đây chúng tôi bán sản phẩm của mình và nay chúng tôi mong muốn phục vụ mọi người với tiêu chí là có mọi thứ, có tất cả các sản phẩm khác,” ông cho hay.

Như vậy, bằng cách chỉ phân phối Bphone qua internet, Bkav đã dùng chính Bphone để quảng bá cho sự xuất hiện của Vala.vn.

Phân tích sâu hơn về Bphone, có thể nhìn thấy chiếc smartphone của Bkav đang bước vào một cuộc cạnh tranh vô cùng khốc liệt ở nền tảng Android. Theo thống kê toàn cầu thì điện thoại Android chiếm trên 76% thị phần nếu tính về lượng người dùng. Nhưng các nhà sản xuất điện thoại Android chỉ chiếm hơn 11% tổng lợi nhuận, trong khi Apple chiếm đến 88%. Điều này có nghĩa Bphone tham gia thị trường điện thoại Android là đang bước vào một đại dương đỏ, nơi mà biên lợi nhuận không cao và các nhà sản xuất phải cạnh tranh bằng số lượng lớn, cũng như phải trình làng mẫu sản phẩm mới liên tục.

Dù vậy, ông Quảng dường như cũng đã nhìn thấy vấn đề này. Có lẽ đó cũng là một phần lý do vì sao Bphone sẽ chỉ được bán qua Vala.vn, sau bài học thành công nhờ chiến lược phân phối sản phẩm của Xiaomi, nhà sản xuất smartphone lớn thứ 3 thế giới. Một trong những ưu thế mạnh nhất của Xiaomi chính là việc thương hiệu này có thể tung ra những sản phẩm có cấu hình tương đương các smartphone chạy Android hàng đầu của Samsung hay Sony, nhưng giá chỉ bằng 2/3.

Để làm được điều này, Xiaomi đã thực hiện chiến lược bán hàng “khác người” là chỉ sử dụng duy nhất kênh thương mại điện tử. Theo một tài liệu nội bộ của Xiaomi mà tờ Wall Street Journal thu thập được, chi phí marketing và bán hàng của Xiaomi chỉ chiếm 3-4% doanh thu. Trong khi đó, con số này của Apple là 6,5%, còn ở Samsung là 16,3%. Bằng cách cắt giảm chi phí bán hàng triệt để, ngay cả khi bán sản phẩm với giá rẻ hơn rất nhiều thì Xiaomi cũng vẫn đạt được mức biên lợi nhuận là 12,8% trong năm 2013, gần bằng mức 13,3% của Samsung trong cùng kỳ.

Nói đi cũng phải nói lại, một yếu tố khác làm nên ưu thế giá của Xiaomi là họ sẵn sàng duy trì dây chuyền sản xuất một sản phẩm kéo dài tới 24-28 tháng trong khi các thương hiệu khác chỉ dám giữ con số này ở mức 8-12 tháng. Cộng yếu tố này vào quy mô khổng lồ của thị trường Trung Quốc, Xiaomi có thể sản xuất hàng loạt để giảm chi phí sản xuất tới mức tối thiểu. Liệu thị trường Việt Nam có đủ chỗ cho Bkav bán ra một số lượng lớn Bphone để hạ giá thành? Hãy chờ ông Quảng trả lời.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here