Ước mơ của Đặng Lê Nguyên Vũ

0
822

Việc tặng sách của ông Vũ phải nói là rất đáng quý. Tuy nhiên, liệu điều này có giúp cho giới trẻ Việt Nam tự thay đổi để tiến bộ hơn không?

Trung Nguyên là một doanh nghiệp đặc biệt. Không chỉ nổi tiếng với sản phẩm cà phê, Trung Nguyên còn được nhắc đến bởi tư duy đáng chú ý của người chủ Công ty, ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Ngoài việc kinh doanh, vị doanh nhân này thường xuyên đăng đàn cổ vũ thanh niên ra sức sáng tạo, lập nghiệp để thành công. Không dừng lại ở lời nói, ông Vũ còn hiện thực hóa lời kêu gọi của mình bằng nhiều cách, ví dụ như kế hoạch in 100 triệu cuốn sách để tặng cho giới trẻ.

Tất nhiên, đây đều là những đầu sách có bản quyền và Trung Nguyên chắc chắn phải tốn không ít chi phí. Có thể kể ra một số tựa sách nổi bật trong đó như “Khuyến học”, “Nghĩ giàu làm giàu”, “Quốc gia khởi nghiệp”, “Không có gì là thất bại, tất cả chỉ là thử thách” hay “Đắc nhân tâm”. Nếu đây chỉ đơn thuần là một hình thức marketing, thì rõ ràng việc tặng 100 triệu cuốn sách cho 23 triệu thanh niên Việt Nam của Trung Nguyên sẽ là chiến lược marketing mà không phải doanh nghiệp nào cũng dám thực hiện.

Nhưng có lẽ ông Vũ còn nghĩ xa hơn thế. Thống kê thị trường lao động Việt Nam quý I/2015 cho thấy, số lao động tốt nghiệp đại học, trên đại học thất nghiệp là 177.700 người; cử nhân cao đẳng thất nghiệp là 100.600 người. Ðây là tình trạng đáng báo động, khi một lượng lớn người trẻ vẫn đang quá thụ động với tương lai của chính mình. Phải chăng qua những đầu sách của mình, ông chủ của Trung Nguyên muốn trao công cụ có thể giúp giới trẻ xây dựng suy nghĩ, nhiệt huyết để thành công?

Theo công bố của Trung Nguyên, từ năm 2012 đến nay, Công ty đã tặng hơn 1,5 triệu cuốn sách. Riêng trong năm 2015, tập đoàn này có kế hoạch tổ chức trên 100 sự kiện tặng sách tại 22 tỉnh và thành phố, dự kiến thu hút hơn 500.000 thanh niên tham gia. Người trẻ tham gia sẽ được những nhân vật thành công chia sẻ nhiều câu chuyện thực tế, bài học và các quyết định đã thay đổi cuộc đời họ.

Cách tặng sách của ông Vũ phải nói là rất đáng quý. Tuy nhiên, liệu việc làm này có tác động hiệu quả và khiến cho giới trẻ Việt Nam tự thay đổi để tiến bộ hơn hay không? Sẽ khó đong đếm được điều này, nhưng có một thực tế rằng dường như việc làm của ông chủ Trung Nguyên ở thời điểm này là quá sớm và cũng quá trễ.

Quá sớm là vì hiện tại, với thương hiệu cá nhân của mình, liệu Đặng Lê Nguyên Vũ có thể thuyết phục được thanh niên Việt Nam chịu đọc và áp dụng những kiến thức trong sách ông tặng hay không? Người sáng lập Trung Nguyên dù đã có được nhiều thành công trên bước đường kinh doanh, nhưng để có thể trở thành tấm gương khiến ai cũng muốn noi theo thì ông vẫn chưa đủ tầm. Ðối với giới trẻ ngày nay, phần lớn sẽ chỉ bắt đầu chú ý khi người lên tiếng là những bậc vĩ nhân kinh doanh tầm thế giới như Bill Gates, Jack Ma hay Richard Bransons.

Nhưng, việc tặng sách của ông Vũ vào lúc này cũng là quá trễ, trong bối cảnh công nghệ thông tin bùng nổ và kiến thức con người phụ thuộc gần như hoàn toàn vào các thiết bị điện tử thông minh. Văn hóa đọc sách, nhất là sách dạy kinh doanh, chỉ chiếm số ít trong giới trẻ Việt.

Không chỉ có vậy, ngay cả việc tặng sách này cũng chưa thật sự được tất cả mọi người ủng hộ. Thậm chí, thông điệp tặng sách của Trung Nguyên còn từng bị một bộ phận cộng đồng mạng chỉ trích về câu từ. Với kinh phí đầu tư phi lợi nhuận quá lớn, chuyện ông Vũ có kham nổi việc tặng 100 triệu cuốn sách theo đúng kế hoạch hay không vẫn còn ở tương lai.

Dù sao, ước mơ của ông Vũ vẫn rất đáng được trân trọng. Người ta thường nói ông chủ của Trung Nguyên hay phát biểu ngông, nhưng rõ ràng với những việc làm thiết thực của mình, ông Vũ đã và đang xây dựng hình ảnh bản thân trở thành một doanh nhân vì cộng đồng thực sự. Hãy cho ông thêm thời gian.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here