Công ty sau sáp nhập sẽ có hơn 80 tỉ USD doanh thu nhưng kèm theo đó là món nợ hàng chục tỉ USD.
Cách đây 2 năm, Michael Dell đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông khi cùng với Silver Lake dàn xếp thương vụ 25 tỉ USD đưa hãng máy tính Dell mà ông sáng lập cách đây 30 năm trở thành công ty tư nhân. Giờ đây ông lại trở thành tâm điểm một lần nữa khi bắt tay với đối tác lâu năm Silver Lake trong thương vụ thâu tóm EMC trị giá 67 tỉ USD – thương vụ sáp nhập lớn nhất từ trước đến nay trong ngành công nghệ. Ông đặt cược rằng sự thống trị của EMC trong mảng máy chủ có thể giúp ông đánh bại HP, Amazon và các đối thủ khác trên thị trường máy tính doanh nghiệp.
Ngành công nghệ từng chứng kiến nhiều lần quay trở lại táo bạo như thế của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, nhưng không phải ai cũng thành công. Steve Jobs đã trở lại một cách vẻ vang sau nhiều năm bị hất cẳng khỏi Apple, nhờ tung ra được hàng loạt sản phẩm làm thay đổi cuộc chơi trong ngành công nghệ thế giới. Nhưng Meg Whitman, người đã rời eBay sau khi thất bại trong việc vực dậy trang web đấu giá trực tuyến này, thì vẫn đang chật vật đưa HP lội ngược dòng 4 năm sau khi tại nhiệm. Liệu Michael Dell có thành công với canh bạc EMC?
“Có quá nhiều thách thức. Rõ ràng không phải cứ sáp nhập 2 công ty này với nhau là có thể tạo ra giá trị cho doanh nghiệp”, Shebly Seyrafi, chuyên gia phân tích tại FBN Securities, nhận xét về thương vụ Dell – EMC.
Michael Dell là một những doanh nhân khởi nghiệp xuất sắc nhất thập niên 1990. Cải tiến mà đưa ông nổi danh trong giới công nghệ chính là mô hình bán hàng trực tiếp, bỏ qua khâu bán hàng trung gian, cho phép khách hàng tự chọn cấu hình máy tính ưng ý qua mạng và được giao hàng tận tay ngay sau đó. Doanh số bán đã tăng mạnh và Dell nhanh chóng trở thành một những cổ phiếu tốt nhất thập kỷ. Vào năm 2004, Michael Dell đã giao lại trọng trách cho cấp dưới, để rồi 3 năm sau, ông lại quay trở lại với vai trò Tổng Giám đốc sau khi Dell mất vị trí dẫn đầu thị trường vào tay HP.
Vì quá mệt mỏi với những câu hỏi chất vấn từ Phố Wall, Michael Dell quyết định đưa Dell trở thành công ty tư nhân vào năm 2013. Làm tất cả những điều này không hề dễ dàng. Ông phải thuyết phục Hội đồng Quản trị, chống lại ý đồ thâu tóm của Blackstone Group và cả ý đồ hất cẳng ông của nhà đầu tư chủ động nổi tiếng Carl Icahn.
Cuối cùng Michael Dell đã thành công. Trở thành công ty tư nhân đã mở ra một chương mới cho Dell, cho phép ông chỉnh đốn công ty do mình sáng lập theo ý muốn. Thực vậy, hai năm qua ông đã chuẩn bị mọi thứ để có thể sẵn sàng thực hiện các thương vụ lớn như thương vụ thâu tóm EMC.
Song song với việc trả nợ, ông đã đầu tư vào các sản phẩm lõi của doanh nghiệp là máy tính và máy chủ trong khi rót tiền vào các canh bạc dài hạn xoay quanh định hướng điện toán đám mây và phần mềm. Có vẻ như Dell đã thành công phần nào. Số cổ phần nắm giữ bởi Dell và đối tác Silver Lake đã tăng gần gấp đôi về giá trị lên mức khoảng 11 tỉ USD kể từ đó, theo những người thân cận với vụ việc.
Tháng 2 vừa qua, Moody’s đã nâng hạn mức tín nhiệm của Dell và cho biết Công ty đang trả nợ nhanh hơn dự kiến. Còn Dell thì dự đoán tăng trưởng doanh thu có thể sẽ tiếp tục ở mức 1 con số ở các bộ phận máy tính và doanh nghiệp. Riêng ở mảng máy tính cá nhân, Dell vẫn giữ được thị phần toàn cầu ở mức ổn định 14% nhờ doanh số bán giảm ít hơn so với các đối thủ.
Với tình hình đã ổn định hơn, Michael Dell dường như đã chuẩn bị cho bước đi lớn tiếp theo: thâu tóm EMC để thâm nhập sâu vào lĩnh vực đang tăng trưởng nhanh hơn là quản lý và lưu trữ dữ liệu.
Trong cuộc họp báo tuần qua, Dell chỉ ra những danh mục sản phẩm và dịch vụ phong phú hơn mà ông có thể cung cấp cho khách hàng bằng cách sáp nhập EMC. Theo ông, hai công ty bổ sung cho nhau vì EMC có mối quan hệ thân thiết với các khách hàng lớn trong khi Dell mạnh về phân khúc doanh nghiệp quy mô vừa. Dell cũng là nhà sản xuất lớn các loại máy chủ trong khi EMC là nhà cung cấp hàng đầu về thiết bị lưu trữ dữ liệu. EMC nắm giữ 21% thị phần trên thị trường lưu trữ vào năm ngoái, gấp 2 lần thị phần Dell đang có, theo dữ liệu của Bloomberg.
Tuy nhiên, đây là thương vụ có nhiều rủi ro. Công ty sau sáp nhập sẽ có hơn 80 tỉ USD doanh thu nhưng kèm theo đó là món nợ hàng chục tỉ USD. Thương vụ sẽ khiến cho Dell càng trở nên phình to hơn trong bối cảnh xu hướng của ngành công nghệ là trở nên tinh gọn hơn để cạnh tranh hiệu quả hơn. Nhiều hãng công nghệ lớn đều đã và đang tuyên bố các kế hoạch chia tách như HP sẽ chia tách ra làm hai vào tháng 11 tới, trong khi eBay đã chia tách bộ phận thanh toán PayPal khỏi mảng cốt lõi là thương mại điện tử vào đầu năm nay.
Nhiều nhà phân tích lo ngại, mặc dù Dell và EMC hợp tác với nhau đã nhiều năm và có văn hóa tương đồng nhưng kết hợp 2 công ty vốn dĩ có quy mô quá lớn có thể sẽ làm chậm lại quá trình ra quyết định và kiềm hãm tốc độ phát triển sản phẩm. Đó là chưa kể việc hợp nhất sẽ mất nhiều thời gian và HP đã tuyên bố rằng sẽ tận dụng khoảng thời gian đó để trở thành mối đe dọa lớn hơn đối với Dell.
Trong khi đó, các đối thủ cải tiến như Amazon đang cách mạng hóa bộ phận doanh nghiệp bằng cách cung cấp các dịch vụ điện toán đám mây với giá rẻ hơn qua mạng. Điện toán đám mây đang cho các doanh nghiệp một lựa chọn thay thế có tính hiệu quả chi phí cao, thay vì phải sắm sửa và bảo trì phần mềm và phần cứng lưu trữ dữ liệu của riêng mình.
Tony Sacconaghi, chuyên gia phân tích tại Sanford C. Bernstein & Co., cũng cho rằng đây là thách thức lớn. Ông nói rằng đối với cả Dell lẫn EMC, mảng chính của họ là bán phần cứng cho các doanh nghiệp trong một thế giới “đang chuyển sang những dịch vụ điện toán đám mây”.
Bản thân EMC cũng đang gặp nhiều thách thức, đặc biệt là nhu cầu giảm đối với các hệ thống lưu trữ đắt đỏ nhưng cũ hơn. Mặc dù Công ty đang tập trung vào các sản phẩm lưu trữ nhanh có khả năng tăng tốc độ phục hồi dữ liệu nhưng điều đó vẫn không đủ để đẩy mạnh tăng trưởng doanh số bán. Doanh thu của EMC dự kiến sẽ tăng chỉ khoảng 3% năm nay, tốc độ thấp nhất kể từ năm 2009, theo số liệu của Bloomberg.
Tuy nhiên, EMC lại đang có tài sản quý giá là VMware, công ty mà EMC nắm giữ 81% cổ phần. Sáp nhập EMC sẽ cho Dell lợi thế lớn trong việc sở hữu VMware, nhà cung cấp phần mềm ảo hóa nổi tiếng có vốn hóa thị trường khoảng 33 tỉ USD.
Một thuận lợi khác của Dell là sau khi sáp nhập, công ty mới vẫn là công ty tư nhân. Chris Bulger, đối tác điều hành tại ngân hàng Bulger Partners, cho rằng vị thế là một công ty tư nhân có nhiều cơ hội thành công hơn trong quá trình tái cấu trúc so với những công ty đại chúng như IBM, vốn cũng đang đổi mới mình. “Sự dòm ngó của công chúng không tốt cho một cuộc tái cấu trúc triệt để”, ông nói.
Các đồng nghiệp lâu năm cũng rất tin tưởng vào khả năng thành công của Michael Dell. “Tôi chẳng bao giờ đặt cược rằng Michael Dell sẽ thất bại. Ông ấy có tính cạnh tranh rất cao”, Jim Breyer, từng là thành viên Hội đồng Quản trị Dell và là một nhà đầu tư mạo hiểm”, nhận xét