Điều gì tạo nên thương hiệu James Bond lừng lẫy?

0
764

Tồn tại hơn nửa thế kỷ, trải qua những thời kỳ phát triển của điện ảnh với 6 diễn viên thủ vai, James Bond vẫn giữ cho mình một thương hiệu nguyên vẹn và thống nhất.

Trải qua hơn 50 năm trong thế giới phim ảnh cạnh tranh khốc liệt, ít có nhân vật hư cấu nào có thể tồn tại lâu và được yêu thích rộng rãi như James Bond.

Ra đời dưới ngòi bút của Ian Fleming, điệp viên 007 đã nhanh chóng trở thành một gương mặt quen thuộc trên màn bạc khắp nơi trên thế giới. Phải chăng, có một điều gì đó khiến thương hiệu này trở nên hấp dẫn đến vậy?

James Bond – điệp viên 007 là một nhân vật tưởng tượng trong tiểu thuyết của nhà văn Ian Fleming vào năm 1953, tuy loạt truyện này nhanh chóng trở thành best-seller tại các nhà sách tại Anh Quốc nhưng James Bond chỉ thực sự vươn lên thành một biểu tượng nổi tiếng khi phần phim đầu tiên về chàng điệp viên này ra đời vào năm 1962.

Từ đó đến nay, trong suốt 53 năm và 24 tập phim, James Bonds đã trở thành một thương hiệu đình đám và ăn khách giữa hàng ngàn những nhân vật tương tự, thậm chí còn đẹp trai và hài hước hơn quý ông đến từ nước Anh.

Chuỗi James Bond 007 không chỉ thành công như một tác phẩm điện ảnh, mà thương hiệu James Bond đã vượt khỏi giới hạn ban đầu. Mỗi một tập phim, mỗi một diễn viên đóng vai James Bond được xem là một sản phẩm trong mô hình thương hiệu James Bond, tồn tại và phát triển thông qua các chuỗi sản phẩm.

Thương hiệu này giờ đã có thể được định giá, được phát triển sang các lĩnh vực khác nhau với nhiều cơ hội nhượng quyền gắn nhãn. Doanh thu của thương hiệu này không nhất thiết phải từ số tiền bán vé, mà còn được tạo ra nhờ các hợp đồng tài trợ, nhượng quyền kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm…

Có lẽ sẽ không ít người tò mò rằng, tại sao James Bond lại được yêu mến trên toàn thế giới và mỗi phần phim về điệp viên 007 lại luôn thu hút sự chú ý của giới truyền thông?

Nhân sự kiện tập phim mới nhất về James Bond mang tên Spectre (tạm dịch: Bóng Ma) dự kiến được công chiếu vào ngày 6 tháng 11 sắp tới, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những yếu tố làm nên thương hiệu James Bond cũng như vì lý do gì mà bộ phim về nhân vật này có thể “sống” lâu tới vậy.

Thương hiệu tiên phong

James Bond với bí danh 007 được ra mắt đúng vào thời điểm khán giả đang trở nên bội thực với những nhân vật siêu anh hùng có phép màu và những nhiệm vụ siêu nhiên bất khả thi.

Khi mà người xem bắt đầu cảm thấy nhàm chán với những trò bay lượn, những vũ khí không có thực hay cách giải quyết có phần thiên vị nhân vật chính thì James Bond – một nhân vật người trần mắt thịt xuất hiện và mang lại cảm giác gần gũi hơn rất nhiều với khán giả.

Chàng điệp viên điển trai, lạnh lùng của tổ chức tình báo nước Anh MI6 gánh trên vai những trọng trách nặng nề liên quan đến sự an nguy của quốc gia, và thậm chí là thế giới. James Bond chính là hình mẫu đầu tiên của những nhân vật là con người bình thường nhưng có khả năng “hành động”. Các nhân vật này có thể thông minh, khỏe mạnh, tháo vát, biết xoay chuyển tình thế nhưng họ vẫn là con người, có điểm yếu và không có phép màu nào bảo vệ.

Người xem nhận thấy chính mình trong James Bond hoặc có khao khát trở nên giống với anh ta, điều này có thực hơn những giấc mơ siêu nhiên không thể với tới.

Chính việc có thể bị tổn thương khi gặp nguy hiểm của James Bond lại khiến hình mẫu này được yêu thích hơn so với những nhân vật siêu anh hùng kia.

Trước những pha hành động hoàn toàn có thực và theo logic có thể thực hiện được nếu tập luyện, khán giả sẽ cảm thấy hồi hộp, cuốn hút và sau cùng là sự ngưỡng mộ phẩm chất của chàng điệp viên này, thay vì tâm lý yên tâm khi xem những Superman hay Captain America vì biết chắc với sức mạnh của mình, họ sẽ chẳng sao cả.

Ấn tượng đầu tiên của con người về bất cứ điều gì luôn mạnh mẽ và khó có thể thay đổi nhất, đó dường như là tâm lý chung trong nhiều thế hệ và cũng chính là lý do tại sao 007 vẫn được yêu thích cho đến giờ.

Thương hiệu của nhân vật, hay nói rộng hơn của cả bộ phim James Bond được ra đời vào thời điểm chính xác để trở thành hình mẫu tiên phong, mang đến điều mới lạ và thu hút mọi sự quan tâm.

Suốt những năm sau đó, có rất nhiều bộ phim với những nhân vật chính tương tự cũng rất ăn khách, nhưng đối với nhiều khán giả, điệp viên 007 vẫn là bộ phim đầu tiên. Cho dù mô típ qua các phần không có quá nhiều thay đổi, người xem vẫn mong chờ anh chàng này.

Nhắc tới điệp viên, là nhắc tới James Bond.

Phong cách Anh Quốc

Nếu như mọi nhãn hàng trên toàn thế giới đều có bộ nhân diện thương hiệu riêng (brand identity), thì đối với James Bond, đó chính là chất Anh Quốc. Điều này không được thể hiện qua những sản phẩm hay đồ dùng mà nhân vật này sử dụng, mà qua tính cách của hình mẫu.

Không phải là một bộ phim thuần Anh như Harry Potter, nhưng chất Anh trong James Bond được khắc họa rõ nét trong cách xây dựng hình tượng nhân vật. Bất cứ diễn viên nào thể hiện vai điệp viên này đều là người Anh hoặc phải sở hữu tông giọng Anh, đồng thời mang dáng vẻ lạnh lùng thu hút dù không cần quá đẹp trai.

James Bond gần như không pha tạp và thay đổi quá nhiều để đáp ứng xu hướng do đã sở hữu điểm nhấn là bản sắc của chính mình – người Anh.

Giữa vô vàn những hình tượng đến từ Hollywood, James Bond khác biệt khi không có sự “tưng tửng” hài hước đặc trưng của Mỹ, thay vào đó là sự bình tĩnh, kiệm lời, lịch lãm nhưng kiêu ngạo đúng phong cách Ăng-lê. Điều này giúp khán giả “nhân diện thương hiệu” một cách dễ dàng hơn đồng thời đảm bảo tính nhất quán xuyên suốt nhiều thế hệ.

Giống như các thương hiệu lớn lâu đời trên thế giới, James Bond gần như không pha tạp và thay đổi quá nhiều để đáp ứng xu hướng do đã sở hữu điểm nhấn là bản sắc của chính mình – người Anh.

Những thương hiệu đi kèm

Không thể phủ nhận, chất lượng các sản phẩm mà điệp viên 007 sử dụng trong mỗi tập phim cũng góp phần rất lớn để mang lại sự khu biệt cho thương hiệu này.

Đồng hồ Omega chứ không phải Rolex theo như nguyên bản tiểu thuyết, Aston Martin và chiếc xe Land Rover cũng đã trở thành một phương tiện huyền thoại. James Bond luôn cầm trên tay 1 ly martini hoặc một chai bia Heineken khi tán tỉnh những phụ nữ xinh đẹp. Điện thoại là của hãng Sony và được thiết kế hết sức đặc biệt theo yêu cầu của bộ phim. Quần áo và các phụ kiện thời trang như kính mắt, thắt lưng luôn được tài trợ bởi Gucci, Yves Saint Laurent hay Tom Ford.

Gần đây, có thông tin rò rỉ cho biết trong phần mới Spectre, James Bond đã từ chối sử dụng smartphone với hệ điều hành Android, bóng gió iPhone sẽ được lựa chọn.

Các thương hiệu lớn song hành cùng James Bond tạo nên hiệu ứng cho cả hai bên. Nếu như các nhãn hàng được thơm lây nhờ hình tượng điệp viên, thì 007 cũng muốn có được sự đẳng cấp nhất định khi được sử dụng những sản phẩm nổi tiếng.

 

Trên trang web chính thức 007.com, thậm chí còn có một thực đơn dành cho 12 “đối tác” thương hiệu của bộ phim, dấy lên một nghi ngờ rằng bộ phim đã được sản xuất theo kiểu nhượng quyền thương mại khi các sản phẩm mà nhân vật này dùng được bán công khai bên ngoài, điển hình như chiếc áo vest Barbour mà điệp viên James Bond sử dụng trong phần phim “Skyfall”.

Tuy nhiên, một thương hiệu giải trí như James Bond không thể đứng một mình vì sản phẩm của anh ta chính là lối sống của bản thân, và nhân vật này cần những nhãn hiệu danh tiếng trên để củng cố vị thế. Trong tâm trí của khán giả, việc hình tượng James Bond gắn liền với những vật dụng cao cấp đã trở nên rất quen thuộc và cũng là một cách để giúp họ phân biệt và nhận ra 007 giữa một rừng các điệp viên khác.

Tồn tại hơn nửa thế kỷ, trải qua những thời kỳ phát triển của điện ảnh với 6 diễn viên thủ vai, James Bond vẫn giữ cho mình một hình tượng nguyên vẹn và thống nhất. Tất cả những yếu tố như sự yêu mến lâu đời của khán giả, phong cách có dấu ấn riêng hay chính những phụ kiện đính kèm đã tạo nên một thương hiệu được săn đón, dù không hề có thực.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here