“Vua start-up” Mike Cassidy chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam

0
771

Hiện là Phó Chủ tịch của Google, Mike Cassidy đã trở thành “vua start-up” sau kỳ tích “500 ngày làm ra 500 triệu USD” hồi năm 2000.

Thời gian tối đa để cho “vua start-up” Mike Cassidy, Phó Chủ tịch Google, ra quyết định tuyển dụng nhân sự sau khi phỏng vấn Là 12 giờ. Tốc độ và cường độ là một phần bí quyết thành công được chia sẻ trong buổi hội thảo về dự án Project Loon của bậc thầy thế giới về khởi nghiệp này.

Vào năm 1990, khi ở tuổi 27, Mike đã tham gia sáng lập công ty phần mềm thoại và fax mang tên Stylus Innovation với tổng số vốn ban đầu là 1.500 USD. 6 năm sau đó, với số vốn 13 triệu USD có trong tay sau khi bán lại Stylus, Mike tiếp tục tham gia thành lập và trở thành CEO của công ty thuật toán tìm kiếm Direct Hit. Đến năm 2000 thì công ty này được Ask Jeeves mua lại với giá hơn 500 triệu USD, chỉ sau 1,5 năm kể từ thời điểm ra mắt sản phẩm đầu tiên.

Kỳ tích này cho tới nay vẫn được giới công nghệ tại Thung lũng Silicon nhắc đến với biệt danh “500 ngày làm ra 500 triệu USD”. Tuy nhiên, Mike thừa nhận, ông đã quyết đoán trong thương vụ chuyển nhượng này vì chỉ cần chậm 30 ngày, ông sẽ trắng tay vì rơi vào cuộc khủng hoảng dot.com trên toàn cầu.

Ngay sau đó, Mike Cassidy còn lập ra thêm 2 start-up đầy tiếng vang khác là ứng dụng chat Xfire dành cho game thủ và trang web thông tin du lịch Ruba.com. Ông đầu quân cho Google từ năm 2010, sau khi Google mua lại Ruba chỉ sau 15 tháng từ ngày trang này đi vào hoạt động. Với một bề dày thành tích bất khả chiến bại như vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người đã đặt cho Mike biệt danh “vua start-up”.

Mike cho biết, triết lý mang lại thành công của ông chính là việc phát huy tối đa tốc độ triển khai và cường độ tập trung. 4 công ty mà Mike từng tham gia sáng lập đều có thời gian từ lúc khởi động cho đến lúc ra sản phẩm không bao giờ kéo dài quá 3 tháng rưỡi. Thời gian mà ông cần để mở một văn phòng là không quá 2 tuần.

Trong kỹ năng đàm phán, Mike cũng đưa ra quy tắc: mỗi ngày đàm phán chưa mang lại kết quả, xác suất thành công sẽ giảm xuống 10%. Dựa theo “nguyên lý 10%” này, ông đã thành công trong việc gây sức ép và thuyết phục được các tập đoàn lớn như Microsoft hay MTV/Viacom chấp nhận kết thúc đàm phán trong vòng chưa tới 10 ngày.

Trong kỹ năng đàm phán, Mike cũng đưa ra quy tắc: mỗi ngày đàm phán chưa mang lại kết quả, xác suất thành công sẽ giảm xuống 10%.

Tuy nhiên, tốc độ chỉ là điều kiện cần, cường độ sẽ là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến toàn cục. Các công ty khởi nghiệp của Mike đều từng có ít nhất một lần đổi thương hiệu hoặc chiến lược. Mỗi lần như vậy, quyết định thay đổi được đưa ra chỉ trong vòng từ 2 tuần cho đến một tháng và 100% nhân lực của công ty cũng lập tức chuyển hướng theo. Theo Mike, trong những trường hợp cần đưa ra những thay đổi quan trọng, doanh nhân khởi nghiệp không thể chần chừ trong việc phân chia nhân lực để thử nghiệm các ý tưởng khác nhau, mà cần phải tập trung toàn bộ cho một mục đích duy nhất.

Ví dụ điển hình mà Mike đưa ra chính là Xfire, công ty đã được ông bán lại cho MTV/Viacom với giá 110 triệu USD vào năm 2006. Đầu tiên, Xfire có tên là Ultimate Arena, một ứng dụng cho phép game thủ tự tổ chức các giải đấu riêng. Tuy nhiên, sau đó khi Mike và các đồng nghiệp phát hiện rằng tính năng của Ultimate Arena được các game thủ sử dụng nhiều nhất lại là chat trong lúc chơi. Thế là trong vòng chưa đến 2 tuần, sản phẩm nhanh chóng được đổi tên thành Xfire, tập trung toàn bộ cho chức năng chat và sau đó đạt tốc độ tăng trưởng người dùng là 3%/ngày. Nói cách khác, cứ 3 tuần rưỡi thì lượng người dùng Xfire lại tăng gấp đôi!

Lẽ dĩ nhiên, để có được một tập thể làm việc với tốc độ và cường độ như vậy, việc tuyển dụng bộ máy nhân lực cũng không phải là dễ. Có một điều mà Mike hay dặn các start-up mà ông làm cố vấn, đó là đừng hy vọng nhiều vào chuyện biến nhân viên đang có trở thành những người có động lực và tốc độ làm việc tốt hơn, mà phải tìm kiếm những người như vậy ngay từ đầu.

Điều thú vị khi trực tiếp tham gia phỏng vấn, Mike hay đặt ra câu hỏi “Bạn nấu bữa ăn tối như thế nào?”. Thực tế cho thấy, những người có thể trả lời rành mạch rằng họ có thể quyết định nhanh chóng về việc ăn món gì, nấu trong bao lâu và như thế nào, sau này đều trở thành những nhân vật có tiềm năng.

Giờ đây, trong vai trò trưởng dự án Project Loon, Mike Cassidy đang là một trong những nhân vật đi đầu trong các nỗ lực mang lại internet giá rẻ cho mọi người khắp thế giới.

Đừng hy vọng nhiều vào chuyện biến nhân viên đang có trở thành những người có động lực và tốc độ làm việc tốt hơn, mà phải tìm kiếm những người như vậy ngay từ đầu.

Bằng cách sử dụng các khí cầu có gắn thiết bị truyền tín hiệu thay vì lắp đặt cáp trên mặt đất, Project Loon có thể giúp nhà mạng tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí trong việc cung cấp dịch vụ internet đến vùng sâu vùng xa. Theo dự kiến, tốc độ đường truyền mà các khí cầu của Project Loon mang lại sẽ là 10 Mbps, một con số không thua kém nhiều so với tốc độ bình quân tại Mỹ là 11 Mbps hay của Việt Nam là 1,7 Mbps.

Để biến dự án này thành hiện thực, Mike đã áp dụng triết lý tốc độ và cường độ của mình một cách tối đa. Từ chỗ cần có một nhóm 15 người để có thể phóng được một khí cầu mỗi giờ, Project Loon hiện nay chỉ cần một tổ 2 người để phóng 4 khí cầu mỗi giờ, nghĩa là năng suất tăng đến 30 lần! Cũng phải kể rằng những khí cầu thế hệ đầu tiên chỉ tồn tại được một thời gian rất ngắn, nhưng các khí cầu mới nhất thì có thể duy trì hoạt động trong vòng 6 tháng.

Mới đây, vào cuối tháng 10 vừa qua, Google đã chọn xứ sở vạn đảo Indonesia làm quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á khởi động Project Loon, với sự hợp tác từ 3 nhà mạng lớn của nước này. Theo dự kiến, các khí cầu đầu tiên của Project Loon tại Indonesia sẽ đi vào hoạt động trong năm 2016.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here