Ý tưởng sáng tạo kinh doanh nhìn từ Uber, Netflix và GoPro

0
1006

Netflix, Uber, GoPro là bằng chứng thành công của việc không ngừng quan sát, sáng tạo trong thị trường tưởng chừng như đã chật chỗ.

Đối với bất kỳ ai muốn tăng khả năng sáng tạo, tầm ảnh hưởng, đừng ngồi chờ một ý tưởng tuyệt vời đến với bạn trong giấc mơ hoặc ước ao mình có thể tạo ra một thứ gì đó. Đặc biệt với các doanh nhân, hãy thật sự xem xét những điều đã có sẵn – tức là thấu hiểu khách hàng, tập trung vào vấn đề, theo dõi các xu hướng hiện tại, nghiên cứu thị trường đang phát triển và tìm hiểu những phân khúc khách hàng mục tiêu lớn (ví dụ như thế hệ Y hay thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh).

Sau đây là 3 bài học sáng tạo được rút ra từ những doanh nghiệp khởi nghiệp thành công như Netflix, Uber và GoPro:

Phát hiện được một xu hướng và chọn được đúng thời điểm của thị trường là yếu tố tối quan trọng

Netflix ra đời tại Thung lũng Scotts, California, vào tháng 8 năm 1997 dưới sự chỉ đạo của Reed Hastings và Marc Randolph, hai nhà khởi nghiệp “công nghệ mới” giàu kinh nghiệm, những người muốn cho thuê và bán DVD qua Internet.

Trước đó Randolph đã từng giúp gây dựng một công ty đặt mua máy tính qua thư có tên MicroWarehouse rồi giữ trọng trách phó chủ tịch phụ trách marketing của Borland International, trong khi Hastings, từng là giáo viên toán, đã thành lập Pure Software, mới đây được bán với giá 700 triệu đô-la.

Theo như được biết, Hastings, người đã rót khoản vốn ban đầu 2,5 triệu đô-la cho hãng, nảy ra ý tưởng cho thuê qua thư này khi buộc phải trả 40 đô-la tiền phạt tại một cửa hàng của Blockbuster sau khi thuê băng quá hạn, bộ phim lúc đó là Apollo 13.

Định dạng DVD được ra mắt vào mùa xuân năm ấy và khi đó chỉ có chưa tới 1.000 bộ phim ở định dạng này. Mặc dù loại phần cứng cần thiết để chạy DVD khá đắt đỏ và số người Mỹ sở hữu tương đối ít, Hastings và Randolph vẫn cho rằng loại đĩa này có tiềm năng rõ ràng trong việc thay thế những chiếc băng cồng kềnh hơn, độ phân giải thấp hơn khi khách hàng lựa chọn định dạng.

Họ đã có kinh nghiệm trước đây trong việc điều hành một doanh nghiệp đặt hàng qua thư và nghĩ việc gói ghém chuẩn bị và gửi những chiếc DVD tới nhà ai đó cũng khá đơn giản. Điều họ thật sự hy vọng là chọn được đúng thời điểm người tiêu dùng chịu chấp nhận công nghệ chạy DVD mới. Và rồi, mong là, băng thông Internet sẽ cho phép họ streaming. Cuối cùng họ thành công.

Đầu tiên hãy giải quyết vấn đề cho một phân khúc “ngách” trong một thị trường rộng lớn đã

Tất cả bắt đầu khi Nick Woodman, năm đó 22 tuổi, đặt ra mục tiêu tới năm 30 tuổi phải trở thành một nhà khởi nghiệp. Trải qua 4 năm và một lần kinh doanh thất bại sau đó, anh quyết định dùng tiền tiết kiệm để tới những địa điểm lướt sóng khắp Úc và Indonesia suốt năm tháng nhằm tìm nguồn cảm hứng. Nhưng còn chưa lên đường, Woodman đột nhiên nảy ra ý tưởng sẽ tạo ra chiếc GoPro sau này.

“Để chuẩn bị cho chuyến đi đó, tôi có ý tưởng về một chiếc máy ảnh đeo ở cổ tay, thứ tôi có thể đem theo khi lướt sóng, ghi lại hình ảnh của bạn bè và mình trong chuyến đi” anh kể lại. “Trớ trêu ở chỗ mục đích của chuyến đi là truyền cảm hứng cho công việc tiếp theo của tôi, ấy vậy mà tôi lại có được ý tưởng trước cả khi lên đường.”

Ý tưởng Woodman nảy ra vào năm 2001 chỉ là một chiếc dây đeo cổ tay có thể buộc chặt chiếc máy ảnh có sẵn cho những người lướt sóng. Sau khi thử dùng mô hình tạm thời đầu tiên trong chuyến đi tới Úc và Indonesia đó, anh mới nhận ra mình cần phải sản xuất cả chiếc camera, hộp đựng và dây đeo cùng nhau. Woodman vốn không chủ đích định nghĩa lại thị trường hình ảnh kỹ thuật số. Anh chỉ muốn chụp được những bức ảnh lướt sóng đẹp mà thôi.

Câu hỏi thú vị ở đây là, làm thế nào mà những nhà lãnh đạo doanh nghiệp điện tử tiêu dùng (trong một thị trường do các ông lớn như Sony, Canon, Nikon và Panasonic thống trị) lại không nhìn ra xu hướng chia sẻ video và hình ảnh trên mạng xã hội đang dần xuất hiện? Đáp án là các vị lãnh đạo trong ngành này còn mải cố gắng thêm vào vài tính năng thừa thãi và tăng độ phân giải của những chiếc máy ảnh sáng bóng cho mọi người.

GoPro thì tập trung vào việc tạo ra một thiết bị “chia sẻ trải nghiệm”. Đầu tiên, nó chỉ chú trọng vào một thị trường ngách – thể thao mạo hiểm và lướt sóng – bây giờ là tất cả mọi người.

Hãy sẵn sàng chuyển hướng giải pháp sáng tạo của bạn nếu cần thiết để nhắm tới một thị trường lớn hơn

Ý tưởng tạo ra Uber đến với Travis Kalanick khi anh đang cố tìm một chiếc taxi để tới dự hội nghị LeWeb tại Paris vào năm 2008, nhưng lại không tìm được chiếc xe nào. Kalanick đã gọi “Paris” là nguồn cảm hứng cho dịch vụ Uber của mình.

Tại hội nghị công nghệ, anh đã có những cuộc trò chuyện mang tính quyết định với nhà sáng lập StumbleUpon, Garrett Camp. Camp kể cho Kalanick nghe ý tưởng của mình về một dịch vụ xe cao cấp thuận tiện và không mất tới 800 đô-la cho một chuyến đi, một mức giá đã có lần anh phải trả. Kalanick cùng tham gia và UberCab được tạo ra vào năm sau.

Khi tầm nhìn phát triển, họ thay đổi thứ về bản chất là một dịch vụ gọi xe limousine thành dịch vụ taxi theo yêu cầu, sử dụng thông qua một ứng dụng điện thoại di động. Họ thu được 1,25 triệu đô-la trong vòng gọi vốn khởi động và ra mắt với tên gọi Uber tại San Francisco vào năm 2010. Tháng 12 năm đó, Kalanick trở thành tổng giám đốc điều hành.

Cả hai người họ lập tức đặt ra lời thề phải giải quyết vấn đề bằng một ứng dụng mới mang tính cách mạng. Tiền đề rất đơn giản: Nhấn nút và có xe. Từ lúc đó, tiền bắt đầu đổ về, tính cả 10 triệu đô-la tiền rót vốn vào tháng 12 năm 2011 từ Benchmark, nâng giá trị của Uber lên 60 triệu đô-la.

“Tôi từng nghĩ đến việc xem điện thoại thông minh như một chiếc điều khiển từ xa cho cuộc sống thực, đây chính là ví dụ tuyệt vời nhất tôi từng thấy”, trích lời nhà đầu tư mạo hiểm Matt Cohler.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here