Xây dựng thương hiệu: Từ gia công đến liên kết sản xuất

0
906

Chọn hướng gia công hoặc hợp tác với nước ngoài sản xuất, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã rút ngắn thời gian làm thương hiệu và đã thành công bước đầu.

Đường tắt thông minh

Theo ông Nguyễn Ngoan, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo MandaMind: “Xây dựng thương hiệu từ nước ngoài muốn thành công còn tùy thuộc vào mặt hàng.

Ví dụ, sản phẩm nông sản, đông dược vốn là thế mạnh tại Việt Nam, thì phải xây dựng thương hiệu ngay trong nước và cũng dễ hơn khi chọn gia công ở nước ngoài.

Hiện nay, nông sản Việt Nam như cà phê, trà… có hai đối thủ là Thái lan và Indonesia. Tuy nhiên, Thái Lan đã mất ưu thế do sản xuất công nghiệp, trong khi Việt Nam vẫn sản xuất trà và cà phê theo thủ công truyền thống nên chất lượng đặc sắc và tinh hơn.

Ngược lại, các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm thì có thể chọn gia công hay hợp tác sản xuất ở nước ngoài vì họ có thế mạnh về công nghệ sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng cũng được quy định cụ thể.

Đặc biệt, các sản phẩm thời trang, điện tử… với xuất xứ nước ngoài thường sẽ được khách hàng Việt ưa chuộng và tin dùng hơn”.

Theo đánh giá chung của các chuyên gia thương hiệu, một trong số DN thành công khi xây dựng thương hiệu từ nước ngoài phải kể đến là Công ty CP Dược phẩm ECO.

Trên bao bì các sản phẩm thực phẩm chức năng sâm Alipas và Angela đều ghi nhà sản xuất là Công ty St. Paul Brands – Mỹ và nhà phân phối là Công ty CP Dược phẩm ECO, nhưng thực chất ECO đã gia công sản xuất các sản phẩm này ở Mỹ và nhập khẩu về thị trường Việt Nam.

Ông Ngô Chí Dũng, Tổng giám đốc Công ty ECO, cho biết, hai sản phẩm Angela và Alipas nhập khẩu từ Mỹ về phải chịu thuế nhập khẩu và thuế VAT lên tới 25%, cùng với chi phí bán hàng và quản lý rất tốn kém.

Tuy nhiên, do mang nhác nhập khẩu từ Mỹ nên ngay khi tung chiến dịch quảng bá tại Việt Nam, sản phẩm đã được người tiêu dùng đón nhận tích cực.

Trong khi nhiều công ty dược phẩm trong nước cũng sản xuất một số sản phẩm chức năng có công dụng tương tự vẫn không tạo được tên tuổi trên thị trường.

Được biết, chỉ tính riêng 5 dòng sản phẩm thực phẩm chức năng mà ECO phân phối tại Việt Nam đã đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng/năm.

Ngoài việc gia công, nhiều DN còn chọn hướng hợp tác với các công ty ở nước ngoài để sản xuất.

Trong kế hoạch lấn sân sang các mặt hàng thực phẩm chức năng, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH Milk, cho biết: “Sau việc sản xuất sữa, tôi rút ra kinh nghiệm, dù công nghệ hiện đại và nguyên liệu đầu vào tốt đến mấy nhưng khi ra sản phẩm, vẫn có thể bị người tiêu dùng hoài nghi.

Trong khi đó, tiêu chuẩn chất lượng cho sữa tươi tại Việt Nam vẫn chưa có quy định chuẩn mực.

Vì vậy, với dự án sản xuất thực phẩm chức năng, toàn bộ nguồn nguyên dược liệu sẽ được chúng tôi trồng tại Việt Nam theo tiêu chuẩn Global Gap, sau đó trích ly nguyên liệu và hợp tác với một công ty của Mỹ sản xuất ở nước ngoài.

Khi sản phẩm đạt chứng nhận kiểm nghiệm theo tiêu chuẩn của Tổ chức Quản lý Thực phẩm Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ đem vào bán ở các siêu thị lớn của Mỹ, sau đó nhập khẩu trở lại Việt Nam với nhãn made in USA.

Dù công nghệ hiện đại và nguyên liệu đầu vào tốt đến mấy nhưng khi ra sản phẩm, vẫn có thể bị người tiêu dùng hoài nghi.

Như vậy, không chỉ được người tiêu dùng yên tâm đón nhận nhanh hơn mà còn rút ngắn thời gian làm thương hiệu so với việc sản xuất trong nước”.

Cũng có thể “chết” vì sính ngoại

Tập đoàn Nova Group cũng chọn hướng đi “khôn ngoan” này khi hợp tác toàn diện độc quyền cùng phát triển và cung cấp sữa bột cho trẻ em Việt Nam với Tập đoàn Kerry – tập đoàn đang dẫn đầu lĩnh vực dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trên thế giới.

Theo đó, Nova Group đầu tư trên 50 triệu USD, bao gồm hợp tác xây dựng chuỗi quản lý trang trại bò hiện đại tại Ireland, xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm, xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Ông Nguyễn Hiếu Liêm, Phó chủ tịch Nova Group, cho biết, sẽ sản xuất, đóng lon dòng sữa bột Anka tại châu Âu và chuyển về phân phối tại thị trường Việt Nam.

Theo các chuyên gia tư vấn thương hiệu, việc các DN Việt Nam làm thương hiệu ở nước ngoài không mới. Tuy nhiên, đối với ngành thực phẩm dinh dưỡng thì chỉ có Nova Group đầu tư toàn bộ cho công việc phát triển trang trại bò sữa ở nước ngoài rồi nhập sản phẩm về Việt Nam.

Đây là chiến lược độc đáo, đặc biệt rút ngắn thời gian làm thương hiệu bởi hai lý do, một là tâm lý người tiêu dùng Việt Nam vốn tin cậy sản phẩm của các tập đoàn có bề dày kinh nghiệm.

Thứ hai, nếu làm nhà phân phối các sản phẩm nhập về từ nước ngoài hoặc nhập nguồn nguyên liệu về và sản xuất trong nước, Nova Group sẽ mất nhiều thời gian và chi phí đầu tư hơn.

Trước đó, Công ty CP Sữa Việt Nam – Vinamilk cũng đã đầu tư 7 triệu USD để hợp tác với Driftwood, công ty chuyên sản xuất và phân phối sản phẩm từ sữa, nước hoa quả và đồ ăn nhẹ như bánh mỳ, pho mát… có trụ sở tại Mỹ.

Tuy nhiên, các sản phẩm này chủ yếu xuất khẩu và đã đem về doanh số khoảng 80 triệu USD cho Vinamilk mỗi năm.

Theo ông Robert Trần, Tổng giám đốc Khu vực châu Á của Tập đoàn Tư vấn Chiến lược Robenny (Canada), chiến lược bàn đạp bằng nhãn mác nước ngoài sẽ giúp DN làm thương hiệu dễ hơn nhờ tâm lý sính đồ ngoại của người Việt.

Chiến thuật này phù hợp với những đơn vị có sẵn cơ sở vật chất nhưng chưa đủ khả năng tự xây dựng thương hiệu.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngoan cũng lưu ý các DN khi đặt gia công hoặc hợp tác sản xuất phải tìm hiểu thật kỹ đối tác, nếu được, hãy đến tận nơi để xem quy mô nhà máy và nhà xưởng.

Bởi dù ở nước ngoài cũng vẫn có những DN có quy mô sản xuất nhỏ, thậm chí thua xa công ty trong nước cả về quy mô nhà xưởng lẫn công nghệ.

Do ở nước sở tại họ không có khách hàng nên sang chào mời ở các nước châu Á. Thực tế, đã có nhiều DN Việt Nam do được chào giá gia công rẻ từ các công ty của Mỹ, Úc… nhưng sau đó thì phải ôm những lô hàng không đạt tiêu chuẩn đặt hàng do quy mô sản xuất nhỏ.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here