Nội Dung Chính
“Không phải cứ xây nên một cái “hiệu” là được, còn cần phải được người ta “thương” mới thật sự thành công”.
Cái “hiệu” liệu đã được “thương”?
Bất kỳ doanh nghiệp nào mới khởi nghiệp cũng đặt ra câu hỏi làm thế nào để xây dựng thương hiệu? Làm thế nào để giữa rừng hoa, ta vẫn có thể là bông hoa nổi bật? Nhưng câu trả lời vẫn dường như còn bỏ ngỏ.
Khi hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đang chỉ mới quy mô vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, để có một thương hiệu thực sự, họ tìm đến các chiến lược cạnh tranh và tìm ý tưởng của riêng mình để thuyết phục được nhóm khách hàng mục tiêu.
Tuy nhiên, doanh nghiệp luôn chỉ mới đi tìm kiếm cái duy nhất, cái khác biệt mà chưa thực sự nhận thức được giá trị vô hình cần hướng tới trong quá trình xây dựng thương hiệu. Đó là văn hóa thương hiệu để ứng xử với khách hàng văn minh hơn, để người tiêu dùng mến mộ hơn.
TS Phan Tất Thứ – Sáng lập viên, Chủ tịch KNV Group cho hay, không phải cứ xây nên một cái “hiệu” là được, còn cần phải được người ta “thương” mới thật sự thành công. Đó cũng là điều khó khăn nhất, nan giải nhất mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần phải học cách tháo gỡ, vượt qua mới có thể tìm chỗ đứng cho riêng mình.
Cũng chia sẻ về điều này, ThS. Đặng Thanh Vân, Sáng lập viên – Giám đốc điều hành Công ty Thanhs Branding and Communication cho biết, thương hiệu nằm trong tâm trí khách hàng. Một thương hiệu lớn không nằm ở cái hữu hình có thể nhìn thấy được (logo, tên, slogan…) mà là ở mối quan hệ sâu sắc với khách hàng trong thời gian dài, được khách hàng tin tưởng, lựa chọn như thế nào và duy trì điều đó ra sao.
Quyền bảo hộ thương hiệu, vẫn còn lơ mơ.
“Nhiều người mẫu khoe lên báo của tôi thường xuyên. Đến khi hỏi lại hóa ra là chụp ảnh cho một website có cái tên na ná…” – ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê.
Để xây dựng một thương hiệu mạnh, cần phải đáp ứng được hai vấn đề đó là nền tảng và thể hiện. Nền tảng ở đây chính là thương hiệu được sự bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo đúng quy định pháp luật còn thể hiện là cách mà chúng ta truyền thông thương hiệu đến với công chúng, khách hàng.
Điều đáng tiếc hiện nay là nhiều doanh nghiệp vẫn còn đang lơ mơ và chưa hiểu hết giá trị của quyền bảo hộ. TS Trần Lê Hồng, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ KH&CN cho biết: “Dường như các doanh nghiệp đang quá chú tâm để tìm cách thể hiện mình mà quên mất nền tảng cơ bản về sở hữu trí tuệ để đảm bảo độc quyền về mặt pháp lý. Để giữ vững và phát triền thương hiệu, nếu không có quyền bảo hộ, thương hiệu đó sẽ gặp khó khăn gấp nghìn lần”.
Cách đây 16 năm, Tạp chí “Đẹp” ra đời nhưng chưa đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Để rồi sau đó, hàng loạt ấn phẩm, chương trình…lấy cái tên na ná của “Đẹp”. “Đó là bài học lớn nhất đối với tôi từ trước đến nay trên con đường xây dựng thương hiệu mà tôi từng gặp phải. Đến tận bây giờ tôi vẫn đang trả giá cho điều đó”, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn Truyền thông Lê, ông Lê Quốc Vinh cho biết.
Khi tạo dựng nên Tạp chí Đẹp, ông Lê Quốc Vinh đã không hề nghĩ có một ngày thương hiệu của mình bị xâm phạm mà không làm được gì. Chỉ còn cách đổ tiền để truyền thông phân biệt thương hiệu mà hiệu quả mang lại chỉ như “muối đổ bể”.
Tạp chí Đẹp không phải là trường hợp đặc biệt, việc lãng quên hoặc chưa coi trọng đến quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình tạo dựng thương hiệu đã trở nên quá phổ biến. Điều đó không khác gì việc chúng ta xây nhà mà không làm móng chắc.
Ông Nguyễn Đức Sơn, Giám đốc chiến lược thương hiệu Richard Moore Associates cho biết, việc xây dựng thương hiệu rất vất vả, nó là cả một quá trình, không phải chỉ ngày một ngày hai.
Có nhiều thương hiệu nước ngoài xây dựng hàng chục năm nhưng vẫn tự đánh mất tên tuổi. Ở Việt Nam, những ông chủ lớn như cà phê Buôn Mê Thuột, Trung Nguyên, nước mắm Phú Quốc cũng một phen chao đảo vì không biết cách bảo vệ mình.
Trong mỗi chiến dịch phát triển thương hiệu, việc tạo dựng một ý tưởng độc đáo là rất cần thiết nhưng cần dựa trên sự hiểu biết của mình về sở hữu trí tuệ mới mong có thể phát triển một cách bền vững.