Nội Dung Chính
Từng là “ông vua” một thời chiếm lĩnh gần như toàn bộ thị trường mì ăn liền, đến nay hình ảnh mì 2 con tôm Miliket chỉ còn là “sự tích”. Thị phần của thương hiệu này còn không đáng kể và sản phẩm gần như không còn được bày trên giá, kệ siêu thị và cửa hàng.
“Vua mì” Miliket chỉ còn là “sự tích”
30 năm về trước, khi nói về mì ăn liền, người ta nhắc ngay đến cái tên Colusa – Miliket với gói giấy và hình ảnh 2 con tôm chụm đầu vào nhau. Nó quen thuộc đến độ thay vì gọi đó là mì ăn liền, người ta chuyển thành “mì tôm”, và mì tôm có từ khi đó.
Và tại thời điểm những năm 1975, những gói mì Miliket của CTCP Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket gần như chiếm lĩnh toàn bộ thị trường.
Là thương hiệu đình đám một thời là thế, nhưng thị trường đang ngày càng quên lãng cái tên “vua mì” Mileket. Sẽ rất hiếm thấy hình ảnh gói mì ăn liền 2 con tôm trên giá, kệ các siêu thị cũng như cửa hàng tiện lợi hiện nay. Nguyên nhân của sự thoái trào này được nhìn nhận bởi những nguyên nhân từ chính bản thân thương hiệu này.
Trong khi nhu cầu và khẩu vị của người tiêu dùng thay đổi, các thương hiệu khác lần lượt ra đời và cạnh tranh gay gắt, thì Miliket lại “ngủ quên trên chiến thắng” mà nhường “miếng bánh” của mình cho các tên tuổi mới như VinaAcecook, Asia Foods, Massan và hàng chục cái tên non trẻ khác.
Thêm một lý do nữa khiến “vua mì tôm Mileket” một thời trở thành kẻ mờ nhạt tên tuổi đó là khi các công ty khác liên tục thay đổi mẫu mã với những chiến lược maketing hùng hậu thì Miliket lại trung thành với mẫu mã bao bì hình ảnh 2 con tôm trên nền gói giấy.
Bên cạnh đó, là sự cạnh tranh gay gắt của các dòng sản phẩm cùng phân khúc giá rẻ, dưới 3.500đ như Hảo Hảo (VinaAcecook) hay Kokomi (Masan Consumer), Gấu Đỏ (Asia Foods)… khiến cho mì 2 con tôm ngày càng sụt giảm doanh thu.
Bản thân Miliket cũng không có nhiều đổi mới về chất lượng sản phẩm. Kênh phân phối duy trì ổn định, nhưng không có sự áp dụng các quy trình phân phối quốc tế chuyên nghiệp mà các đối thủ trực tiếp áp dụng…
Theo kết quả điều tra, thị trường mì ăn liền Việt Nam có khoảng 50 doanh nghiệp lớn nhỏ khác nhau như Acecook, Masan Consumer, Asia Foods, Vifon, Việt Hưng hay Micoem… Tuy nhiên, phần lớn thị phần đang thuộc về 3 doanh nghiệp dẫn đầu là Acecook, Masan Consumer và Asia Foods.
Cụ thể, Acecook chiếm hơn 50% tổng thị phần toàn thị trường mì gói, 2 cái tên còn lại nắm trong tay gần 30% thị phần. Vậy chỉ còn lại chưa đến 20% thị phần cho hàng chục doanh nghiệp còn lại, trong đó có Colusa – Miliket. Hiện, không có khảo sát nào chỉ ra được con số cụ thể thị phần mà Miliket đang nắm giữ, bởi con số này hẳn là rất nhỏ.
Theo thống kê từ tập đoàn, trong năm 2015, doanh thu của Colusa- Miliket đạt 477 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 41 tỷ đồng, giảm lần lượt 14% và 5% so với mức đỉnh cao ghi nhận vào năm 2013.
Còn “sống” được bao lâu?
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Colusa- Miliket tồn tại được đến ngày hôm nay một phần do tích lũy được một lượng người tiêu dùng từ thời còn hoàng kim. Nhưng con số này đang ngày càng sụt giảm trầm trọng bởi những gói mì 2 con tôm nay chỉ còn xuất hiện chủ yếu ở phân khúc thị trường trung bình- thấp, tập trung ở khu vực nông thôn.
Mặc dù tại thời điểm hiện nay, Colusa- Miliket đã đa dạng hơn sản phẩm, bên cạnh sản phẩm mì ăn liền truyền thống, đơn vị này đã cho ra đời các mặt hàng thực phẩm chế biến khác như: miến, bún, phở, hủ tiếu, cháo ăn liền… nhưng vẫn chưa thấy có sự khác biệt, đột phá trong chiến lược kinh doanh để giành lại thị phần.
Hơn nữa, theo đánh giá của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor, sức tiêu thụ ngành hàng mì gói ở Việt Nam đang sụt giảm trong những năm gần đây, đặc biệt ở phân khúc cao cấp.
Do đó, nhiều doanh nghiệp đang chuyển hướng tập trung vào phân khúc giá rẻ khiến thị phần thấp này sẽ ngày càng chật chội. Và đây chính là những thách thức lớn dành cho những doanh nghiệp có quy mô nhỏ như Colusa- Miliket.
Trong khi đó, những thương hiệu đình đám như Dạ Lan, Ha So, Cao Sao Vàng, Thorakao… đã trở thành dĩ vãng là những bài học đắt giá và nếu mì Colusa – Miliket không có những nỗ lực cải thiện mang tính đột phá thì cũng sẽ không phải là ngoại lệ.