Vinfast: Ô tô Việt và bài học toàn cầu hóa

0
753

Tháng 9/2017, Vingroup khởi công tổ hợp sản xuất ô tô VINFAST ở Khu kinh tế Đình Vũ, Hải Phòng với vốn đầu tư sẽ lên đến 3,5 tỷ USD. Nhiều người vui, cũng không ít người lo cho Vingroup – một “ông lớn” rất thành công trong lĩnh vực bất động sản nhưng chưa có kinh nghiệm về sản xuất ô tô.

Ngày nay ai cũng nghe nói đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đến AI (trí tuệ nhân tạo), đến Internet of Thing (IoT – internet điều khiển vạn vật), đến Big Data (dữ liệu lớn). Điều đó cho thấy xu thế về “thế giới phẳng” như Thomas L. Friedman đã tóm lược vẫn giữ vai trò chủ đạo. Trong các nhân tố “làm phẳng” đó có quá trình outsourcing (thuê làm bên ngoài ) và insourcing (thuê bên ngoài làm).

Hai khái niệm này giống nhau ở bản chất – đều là hình thức cộng tác hay hợp tác tạo ra giá trị theo chiều ngang, có thể được thực hiện nhờ một thế giới phẳng và thậm chí góp phần làm cho thế giới phẳng hơn. Tuy nhiên, về cách thức tiến hành thì khác cơ bản. Outsourcing là giao một phần công việc cho những nhà cung cấp có giá thành thấp nhất, hiệu quả nhất thay vì doanh nghiệp tự làm. Insourcing là ủy quyền một phần sản xuất hay chuỗi cung ứng của doanh nghiệp cho một bộ phận (hay công ty) chuyên biệt nằm trong doanh nghiệp nhưng lại độc lập với bộ máy của doanh nghiệp đó.

Chẳng hạn Nike chỉ tập trung nguồn lực vào bộ phận R&D, thiết kế (Design), còn khâu sản xuất giày thì outsourcing. Thế nên mới có giày Nike “made in Vietnam”, “made in Indonesia”.

Hay sản phẩm của Apple cũng vậy. “Trái tim” của quả táo cắn dở chính là phần mềm iOS. Còn màn hình thì do LG hoặc Samsung cung cấp, chip được cung cấp bởi Intel hay Qualcomm, còn lắp ráp bởi Foxcom. Hoặc điện thoại hay tivi Samsung “made in Vietnam” nhưng được tiêu thụ trên toàn cầu.

Tóm lại có ba yếu tố cốt lõi làm nên thành công của các thương hiệu toàn cầu, đó là tập trung vào R&D (nghiên cứu và phát triển), Design (thiết kế), chiến lược bán hàng và tiếp thị.

Quay trở lại với VINFAST, bước đầu có thể thấy Vingroup đã áp dụng mô hình cũng như các bài học của các tập đoàn ô tô toàn cầu trong thế giới phẳng khá thành thục. Đó là tín hiệu tích cực để có thể kỳ vọng sự thành công của VINFAST. Cụ thể, Vingroup có tầm nhìn và mục tiêu rất cụ thể: sau một năm ra mắt xe máy điện, hai năm ra ô tô sedan 5 chỗ và SUV 7 chỗ, ba năm ra ô tô điện, tỷ lệ nội địa hóa 60%.

Để thực hiện mục tiêu và tầm nhìn đó, Vingroup đã tập trung xây dựng các trung tâm R&D, hợp tác với các tập đoàn hàng đầu thế giới như Siemen, Bosch, Credit Suite, Magna Steyr. Đây chính là cách outsourcing và insourcing trong quá trình xây dựng sản phẩm và thương hiệu VINFAST.

Thử tưởng tượng sản phẩm “made in Vietnam” thương hiệu Việt Nam, công nghệ và động cơ từ Đức, thiết kế từ Ý và giá thành Việt Nam? Niềm tin vào thành công là có cơ sở!

Tuy nhiên, chẳng có con đường nào đến thành công mà bằng phẳng cả. Khâu cuối cùng chính là chiến lược tiếp thị và bán hàng có hoàn hảo và đáp ứng được nhu cầu và niềm tin của người tiêu dùng hay không, đặc biệt là thị trường Việt Nam vốn sính ngoại. Đây chính là thách thức đối với VINFAST. Tuy nhiên với kinh nghiệm từ VINPEARL, VINHOMES, tôi tin và mơ rằng VINFAST sẽ thành công. Lúc đó sẽ đem lại dấu ấn không chỉ về mặt kinh doanh mà còn là sự tự hào của người Việt.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here