Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên khách hàng

0
748

Trong vai trò nhà đầu tư độc lập ở Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (TGDĐ), ông Robert Willett, cựu CEO tập đoàn bán lẻ điện tử Best Buy International, đã góp phần không nhỏ trong chiến lược của nhà bán lẻ điện tử nổi tiếng này. Nhân dịp đến thăm và làm việc tại TP.HCM, ông đã dành cho chúng tôi buổi trao đổi liên quan đến định hướng phát triển của hệ thống TGDĐ trước thềm IPO.

* Ông vui lòng tóm tắt quá trình công tác và kinh nghiệm cá nhân trong ngành bán lẻ?

Tôi bắt đầu sự nghiệp ở nhà bán lẻ Marks and Spencer từ năm 1968 tại nước Anh. Trong suốt 10 năm làm việc ở đây, tôi đã thu được nhiều kiến thức đáng giá về ngành bán lẻ và cách vận hành chuỗi cửa hàng. Sau đó, tôi tham gia Kingfisher, một tập đoàn bán lẻ đa quốc gia của châu Âu. Ở Kingfisher, công việc của tôi là xây dựng và thực thi chiến lược, đưa ra hướng phát triển cho Công ty. Với những gì đã làm, chúng tôi thay đổi hoàn toàn tình hình của Công ty lúc bấy giờ, từ thua lỗ hàng chục triệu USD sang lãi hơn 100 triệu USD trong vòng 3 năm. Đến năm 2001, tôi trở thành CEO của Best Buy International, tập trung mảng kinh doanh quốc tế của tập đoàn bán lẻ này trong gần 9 năm. Hiện tại, bên cạnh những vai trò khác, tôi là thành viên HĐQT độc lập của TGDĐ và tham gia trực tiếp xây dựng chiến lược cho công ty này.

Ông Robert Willett, cựu CEO tập đoàn bán lẻ điện tử Best Buy International.

* Những kinh nghiệm trong ngành bán lẻ của ông thực sự rất ấn tượng. Vì sao ông lại chọn Việt Nam và đầu tư vào TGDĐ?

Có nhiều hơn một lý do. Như bạn biết đấy, tôi đã làm khá nhiều thứ và có cả thành công lẫn thất bại. Những gì tôi muốn bây giờ là làm việc với những người khác và ngăn chặn họ bước vào những sai lầm của tôi trong quá khứ. Bởi vì lịch sử luôn có tính lặp lại trong vòng 10-15 năm hoặc hơn, bạn luôn có thể đoán được một phần tương lai từ quá khứ.

Tôi đặc biệt thích những quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Sinh lực từ các thị trường này luôn dồi dào, hấp dẫn hơn các nước phát triển rất nhiều. Được làm việc với những con người ở TGDĐ là một điều hết sức thú vị với tôi và thực sự họ đang tạo ra sự khác biệt cho xã hội.

* Bài học từ sự thất bại của Best Buy tại Trung Quốc có thể được áp dụng ở Việt Nam như thế nào?

Hầu hết những nhà bán lẻ đều cho rằng chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của sản phẩm, nhưng với tôi, đó phải là kỷ nguyên của khách hàng.

Tôi nghĩ có rất nhiều bài học có thể rút ra từ đó. Trước tiên, khi làm việc tại một nước khác thì đừng cố gắng thay đổi mà hãy hòa hợp với văn hóa của họ. Một điều cơ bản khác là bạn phải hiểu được cách thức mua hàng và những yêu cầu nhỏ nhất từ phía khách hàng ở mỗi nước. Mọi điều cần phải được nhìn dưới con mắt của khách hàng, những gì họ thích và không thích. Do vậy, khi vận hành kinh doanh ở mỗi nước, chúng tôi đều thực hiện rất nhiều nghiên cứu để hiểu hơn về kỳ vọng của khách hàng. Đó là bài học từ Trung Quốc và cả từ nước Mỹ. Những bài học đó đang được áp dụng ở TGDĐ và tôi tin chắc TGDĐ sẽ là số 1, thậm chí hơn cả số 1 bởi vì chúng tôi đáp ứng được nhiều hơn nhu cầu của khách hàng. Hầu hết những nhà bán lẻ đều cho rằng chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của sản phẩm, nhưng với tôi, đó phải là kỷ nguyên của khách hàng.

* Mảng di động đang có những thành công hơn so với mảng điện máy. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

Tôi không nghĩ mình đang nhìn nhận theo cách đó. Tất cả những thiết bị của một ngôi nhà thông minh trong tương lai sẽ có sự tương tác lẫn nhau. Ví dụ như điện thoại sẽ nói chuyện với tủ lạnh, bếp ăn và đèn ngủ để báo sữa đã hết… Những thiết bị, kể cả điện thoại hay đồ dùng điện tử trong gia đình đều là bộ phận của cùng một hệ thống. Và điều đó đang dần được hiện thực hóa với sức mạnh từ công nghệ. Bạn có biết rằng cứ mỗi 14 tháng là công nghệ sẽ đi một quãng đường xa gấp đôi không. Khi ngành bán lẻ bắt tay kịp với công nghệ, chúng tôi sẽ mang lại sự tiện dụng, thoải mái trong cuộc sống của khách hàng. Mọi thứ đã và đang thay đổi và có quá nhiều tiềm năng để phát triển, cả điện thoại và điện máy.

* Còn những đối thủ của TGDĐ thì sao, thưa ông?

Thị trường là sân chơi cho tất cả và khách hàng cần nhiều thương hiệu để lựa chọn. Chúng tôi tồn tại dựa trên nền tảng giá trị năng lực vững chắc. Và nếu bạn thất bại, hãy nhìn vào gương để hiểu rằng bạn thất bại do chính bản thân chứ không phải do thị trường. Vì vậy, cạnh tranh rất tuyệt! Tôi không bao giờ có ý định hạ gục đối thủ nào cả. Những cửa hàng điện máy của TGDĐ mở tại những nơi xa trung tâm không phải vì chúng tôi e dè Nguyễn Kim và tránh mở ở những vùng trung tâm gần họ. Ở khu trung tâm, khách hàng đã có đủ thứ họ cần. Trong khi đó, khách hàng ở những vùng xa lại rất cần chúng tôi. Việc mở cửa hàng ở địa điểm nào cũng đều dựa trên những cơ sở nghiên cứu chứ không phải vì một đối thủ nào cả.

Bạn phải hiểu được cách thức mua hàng và những yêu cầu nhỏ nhất từ phía khách hàng ở mỗi nước.

* Mekong Capital đã bán cổ phần tại TGDĐ. Còn ông, với vai trò nhà tư vấn, vẫn nhìn thấy nhiều tiềm năng từ TGDĐ trong tương lai?

Câu này chắc là bạn nên hỏi Mekong Capital. Nhưng bạn biết đấy, Mekong Capital là một quỹ sở hữu và được quản lý bởi những người khác. Họ có những quy luật riêng trong kinh doanh. Đơn giản là khi chạm đến một ngưỡng nào đó, Mekong Capital cần phải tái cơ cấu danh mục.

* Ông có dự định rời TGDĐ trong thời gian sắp tới hay chưa?

Hiện nay thì điều đó không nằm trong suy nghĩ của tôi. TGDĐ là một công ty trẻ, được xây dựng trên nền tảng vững chắc và trị giá hàng tỉ USD. Không thể nào có chuyện rút vốn trong vài năm tới. Hơn nữa, TGDĐ vẫn còn cần những kinh nghiệm của tôi. Thật tuyệt vời khi được làm việc với các bạn trẻ, vì điều đó sẽ khiến tôi cảm thấy trẻ và “được sống”.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here