Việc nhỏ tạo nên nghiệp lớn

0
956

Cách đây vài năm tôi khá sốc khi phỏng vấn một ứng viên cho vị trí Account Executive cho công ty PR/ Event mà tôi đang làm giám đốc điều hành. Ứng viên này vừa tốt nghiệp từ một trường đại học quốc tế.

Khi biết bạn trẻ này vừa xong đợt thực tập ba tháng ở một công ty quảng cáo quốc tế khá nổi tiếng tại Việt Nam, tôi hỏi sao bạn ấy không tiếp tục công việc ở đó. Bạn nói: “Vì công ty toàn giao em những việc nhỏ”. Tò mò muốn biết những việc nhỏ đấy là gì, tôi hoàn toàn bất ngờ khi bạn trả lời “em toàn phải viết contact report (biên bản cuộc họp) mà không được làm chiến lược”.

Trong 20 năm làm trong ngành quảng cáo, truyền thông, tôi thấy “contact report” là văn bản thiết yếu không thể thiếu, làm kim chỉ nam cho tất cả những hoạt động của agency và khách hàng. Và người được giao trọng trách này là những bạn làm client service, với sự giám sát của các sếp cấp cao. Chứng tỏ việc này không hề nhỏ, mà ngược lại, mang tính “chiến lược” cao. Nếu không có văn bản thỏa thuận này, cả agency, khách hàng và các đối tác khác khó mà hoàn thành dự án một cách trôi chảy khi không rõ bước tiếp theo phải làm gì, khi nào, ai chịu trách nhiệm chính và ngân sách ra sao…

“Contact report”, theo tôi, như một tác phẩm nghệ thuật thường được viết bởi người thợ trẻ khi học việc (Account Executive), sau đó được gọt cắt, chỉnh sửa bởi một hay nhiều thợ lành nghề (Account Director hoặc Head of Client Service) để có tác phẩm hoàn chỉnh. Tôi còn nhớ ngay cả khi đã làm thợ chính (Account Director), tôi vẫn thường đưa Contact report cho sếp tôi (General Manager) xem lại trước khi gửi khách hàng. Vì những sai sót “nhỏ” trong Contact report có thể dẫn đến những sai lầm mang tính “chiến lược” sau này.

“No one rises suddenly in the world not even the Sun”

Nhưng đây không phải là trường hợp cá biệt của một bạn trẻ. Từ những buổi phỏng vấn hoặc trò chuyện với các bạn sinh viên, tôi thấy hiện tượng này khá phổ biến với các bạn trẻ hiện nay khi khái niệm nghề quảng cáo thường là “tạo ra ý tưởng bay bổng và những chiến lược tầm cỡ”. Các bạn không thích làm hoặc muốn “đốt cháy giai đoạn” những việc nhỏ, tỉ mỉ ban đầu (nhưng lại là nền móng quan trọng cho những việc lớn về sau) vì cảm thấy không đáng để mình lưu tâm nhiều như vậy. Nhưng tôi có thể dẫn chứng ngay là tất cả những bạn bè, đồng nghiệp cũ và hiện tại của tôi, những người thành danh ở vị trí cấp cao trong các công ty quảng cáo quốc tế và trong nước, đều là những người làm tốt những việc “nhỏ” này trước khi được tin tưởng giao cho những việc “lớn” hơn.

Với những bạn trẻ đang chọn hoặc muốn chọn nghề client service trong ngành quảng cáo, truyền thông, hãy kiên nhẫn từ những việc nhỏ. Bạn sẽ không ngờ được những lợi ích của những việc nhỏ này mang lại trong sự nghiệp của bạn sau này.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here