Nội Dung Chính
Hôm 2/9 vừa qua, tập đoàn Vingroup đã chính thức khởi động việc thực hiện giấc mơ làm ôtô thương hiệu Việt với dự án tổ hợp sản xuất ôtô Vinfast tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng), có tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ USD.
Gây rúng động dư luận ngay sau khi công bố, dự án cũng đang gặp nhiều luồng dư luận khác biệt. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch Vingroup, xung quanh những mục tiêu lớn của dự án nhiều tham vọng này.
Cơ hội sở hữu ôtô với chi phí phù hợp
* Chỉ còn ba tháng nữa là đến mốc 2018 với việc thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN về 0%. Trong bối cảnh như vậy, tại sao Vingroup vẫn quyết định đầu tư 3,5 tỷ USD vào công nghiệp ôtô lúc này? Khi bước vào lĩnh vực này, trong giai đoạn trước mắt, các ông có đặt mục tiêu lợi nhuận không?
Việc sinh sau đẻ muộn trong nhiều trường hợp lại được xem là lợi thế. Việc gia nhập lĩnh vực ôtô trong thời điểm này không chỉ rơi đúng vào điểm đi lên của thị trường, mà còn cho chúng tôi cơ hội học hỏi những bài học của các doanh nghiệp ôtô đi trước.
Ở góc độ thị trường, Việt Nam đang nổi lên là thị trường tiêu thụ ôtô tiềm năng nhất thế giới, với tỷ lệ sở hữu ôtô hiện còn rất thấp, chỉ đạt 23 xe/1.000 dân, trong khi tỉ lệ tương đương tại Thái Lan là 204/1.000 dân và tối thiểu là 400/1.000 dân tại các nước phát triển, riêng tại Mỹ là 790/1.000 dân.
Cơ sở hạ tầng đang được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt ngưỡng 3.000 USD/năm vào 2020 là lý do quan trọng sẽ làm bùng nổ nhu cầu sở hữu xe ôtô tại Việt Nam.
Ở góc độ kinh tế, Việt Nam hiện vẫn chưa có một thương hiệu ôtô riêng nào của người Việt. Ngành ôtô vẫn dừng ở giai đoạn nhập khẩu và lắp ráp với tỷ lệ nội địa hóa thấp, công nghiệp hỗ trợ thô sơ, chi phí cao hơn Thái Lan, Malaysia…
Trong khi đó, với việc thuế nhập khẩu ôtô trong ASEAN sẽ về 0% vào năm 2018, các thương hiệu ôtô đang lắp ráp tại Việt Nam đang có xu hướng chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan, Indonesia…, tạo ra nguy cơ mất việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trong nước.
Với những lý do trên, Vingroup quyết định đầu tư vào ngành công nghiệp ôtô, nhằm mở ra cơ hội sở hữu ôtô với chi phí phù hợp, vừa thân thiện với môi trường, vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước. Đồng thời, từng bước giành thế tự chủ và chủ động về công nghiệp ôtô, góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia. Mục tiêu đến 2025 của chúng tôi là trở thành nhà sản xuất ôtô hàng đầu Đông Nam Á.
Trong thời gian đầu, khi chưa có nguồn thu từ xuất khẩu, và lượng bán trong nước chưa thể nhiều, Vinfast có thể chưa có ngay lợi nhuận. Tuy nhiên, sau 5-10 năm, khi mức tiêu dùng của người dân khả quan hơn, chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ Vinfast sẽ làm được những điều mà các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc đã làm được vài chục năm trước đây.
Bắt tay với những đối tác, chuyên gia hàng đầu
* Từ sau khi dự án xe hơi thương hiệu Việt của Vinaxuki đổ vỡ, phải khá lâu rồi người Việt mới lại được nghe về giấc mơ ôtô “made in Vietnam”. Vingroup sẽ viết tiếp giấc mơ đó, nhưng tỷ lệ nội địa hoá 60% sẽ được các ông thực hiện ra sao?
Vinfast sẽ sản xuất ôtô, xe máy với thương hiệu của mình bằng các công nghệ hiện đại nhất trên thế giới cho đến thời điểm này, từ đó góp phần đẩy nhanh công cuộc hiện đại hóa công nghiệp tại Việt Nam.
Chúng tôi ưu tiên mua các linh kiện, phụ kiện mà các nhà sản xuất trong nước đang làm được, đồng thời sẽ hỗ trợ, hợp tác để có thêm nhiều nhà sản xuất các linh kiện, phụ kiện tại Việt Nam. Như vậy, chúng tôi hy vọng sẽ thúc đẩy được sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô và các ngành công nghiệp phụ trợ.
Chúng tôi có đủ uy tín trên thị trường quốc tế để vay được vốn nước ngoài, để hợp tác được với những đối tác công nghệ – công nghiệp hàng đầu thế giới, để quy tụ được các chuyên gia tài năng.
Về các đối tác, chúng tôi đã ký hợp đồng hợp tác, tư vấn với các đối tác hàng đầu thế giới như Boston Consulting Group, Magna Steyr, AVL, Durr, Henn… và các studio thiết kế xe hàng đầu thế giới như Pininfarina, Zagato, Torino Design và ItalDesign…
Về nhân sự, chúng tôi đã tuyển dụng được các chuyên gia công nghệ và sản xuất ôtô hàng đầu thế giới như BMW, General Motors, Bosch… về làm việc.
Còn về hạ tầng, chúng tôi đã được thành phố Hải Phòng giao 335 ha đất trong khu công nghiệp Đình Vũ – Cát Hải và đang tiến hành xây dựng nhà máy sản xuất ôtô, nhà máy sản xuất xe máy điện, văn phòng, trung tâm R&D, đường chạy thử, trường dạy nghề…
Hải Phòng là thành phố cảng quan trọng. Tại đây, chúng tôi có thể tuyển chọn được các nhân sự chất lượng cao để đào tạo, thay thế dần các chuyên gia nước ngoài sau 5-10 năm. Chúng tôi cũng có thể dùng đường hàng hải để xuất khẩu ôtô, thậm chí để vận chuyển đến những địa bàn khác trên cả nước.
Ngoài ra, khi vào khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, chúng tôi cũng nhận được các ưu đãi đầu tư nhất định, hỗ trợ thêm cho chúng tôi trong lĩnh vực mới đầy thách thức này.
Dùng mọi nguồn lực, xây dựng bằng được
* Trong bối cảnh nhiều người Việt vẫn có tâm lý ưa chuộng các sản phẩm nhập khẩu, Vingroup sẽ thuyết phục khách hàng trong nước mua xe của mình như thế nào?
Chúng tôi quyết tâm dùng mọi nguồn lực để xây dựng bằng được một thương hiệu ôtô Việt Nam có đẳng cấp và được công nhận trên thị trường quốc tế.
Đồng thời, mở ra cơ hội sở hữu ôtô, xe máy chất lượng cao, thân thiện với môi trường, và đặc biệt là phù hợp với thị trường, thị hiếu và thu nhập của người dân trong và ngoài nước.
Người dân Việt Nam có lòng yêu nước, tự lập, tự cường và luôn phấn đấu vươn lên sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Vì vậy, chúng tôi hy vọng khi Vinfast – một thương hiệu 100% Việt Nam – có chất lượng, đẳng cấp, chi phí phù hợp, thì sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ.
Thông qua lĩnh vực sản xuất ôtô, xe máy, Vingroup cũng mong muốn góp phần tạo động lực, thúc đẩy công nghiệp nặng bao gồm công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam phát triển. Đây sẽ là một trong những lĩnh vực đóng vai trò chủ lực trong chiến lược phát triển của Vingroup.
* Sau khi dự án Vinfast được công bố, mạng xã hội cũng đã xuất hiện một số ý kiến trái chiều, như cho rằng Vingroup “dùng” dự án để vay vốn, hay chọn Cát Hải làm nơi đặt nhà máy thực chất là để “phát triển bất động sản”. Ông nghĩ sao về điều này?
Bất cứ doanh nghiệp nào, hoạt động trong lĩnh vực nào, cũng đều gặp những ý kiến trái chiều từ cổ đông, người tiêu dùng… Vingroup tất nhiên cũng không phải ngoại lệ.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, chúng tôi đã từng gặp nhiều tin đồn vô căn cứ và tiêu cực.
Tuy nhiên, chúng tôi đã hình thành thói quen là tập trung vào công việc, kiên định đi theo tư tưởng cốt lõi của công ty, tạo ra những giá trị cho xã hội.
Và những sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Vingroup đang hàng ngày phục vụ cho người dân trên khắp Việt Nam là câu trả lời và minh chứng rõ nhất cho những gì chúng tôi đang làm.