Vì sao Thế Giới Di Động chọn Trần Anh?

0
821

Thâu tóm Trần Anh sẽ giúp Thế Giới Di Động chiếm lĩnh thị trường phía Bắc nhanh hơn trước sự cạnh tranh gay gắt của nhiều đối thủ.

Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh (mã CK: TAG) vừa công bố Nghị quyết xin ý kiến cổ đông, trong đó có nội dung Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di động (mã CK: MWG) nhận chuyển nhượng cổ phiếu TAG với tỷ lệ sở hữu trên 25% vốn điều lệ và không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai.

Theo một nguồn tin xác nhận với chúng tôi, Thế Giới Di Động sẽ từng bước mua lại gần như toàn bộ cổ phần TAG. Động thái này hoàn toàn phù hợp với những tin đồn trên thị trường về thương vụ sáp nhập giữa 2 chuỗi điện máy này từ cuối tháng 7, sau khi Thế Giới Di Động xin ý kiến cổ đông tăng ngân sách thực hiện M&A trong năm nay lên 2.500 tỷ đồng, gấp 5 lần kế hoạch được phê duyệt trước đó.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực, cả Trần Anh và Thế Giới Di Động đều sẽ nắm bắt được những cơ hội từ việc sáp nhập. Một mặt, Thế Giới Di Động giải quyết được bài toán thị phần và xâm nhập thị trường phía Bắc, trong khi việc áp dụng mô hình hoạt động của chuỗi điện máy lớn nhất hiện nay, Trần Anh sẽ cải thiện được hiệu suất hoạt động thuộc nhóm thấp nhất.

Được thành lập từ năm 2009 và bắt đầu tham gia vào lĩnh vực bán lẻ điện máy sau đó một năm, Thế Giới Di Động trở thành một trong những công ty sở hữu mô hình chuỗi có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thị trường.

Tuy nhiên, với tốc độ mở rộng quy mô gấp từ 3 đến 4 lần tăng trưởng chung của thị trường những năm gần đây, dư địa phát triển cho các chuỗi bán lẻ điện máy, điện thoại di động của công ty dần thu hẹp.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC), chuỗi cửa hàng điện thoại di động của Thế Giới Di Động đã xuất hiện dấu hiệu bão hoà khi giá trị đóng góp doanh thu vẫn lớn nhất nhưng tốc độ tăng trưởng đang tụt lại. Thị phần mảng này giữ nguyên ở mức 42%, trong khi trước đây công ty thường giành thêm 1-2% thị phần mỗi quý.

Nguyên nhân, theo HSC đến từ việc công ty đã tận dụng gần như toàn bộ các vị trí có lưu lượng khách hàng tốt tại các địa phương. Tốc độ mở cửa hàng mới nhanh hơn tốc độ tăng trưởng chung của thị trường là 7,5% khiến cửa hàng mới cạnh tranh trực tiếp với cửa hàng hiện tại, làm doanh thu gần như không tăng trưởng.

Đối với điện máy, Thế Giới Di Động vẫn duy trì tốc độ mở rộng đúng như kế hoạch và tăng trưởng doanh thu bình quân mỗi cửa hàng cũng sát với kỳ vọng là 12% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, động lực cho sự tăng trưởng chủ yếu đến từ phát triển chuỗi tại các thành phố cấp 2 và giành thị phần từ cửa hàng bán lẻ nhỏ. Trong khi tại một số thị trường quan trọng ở phía Bắc, công ty còn vấp phải sự cạnh tranh khá mạnh đến từ các chuỗi có sẵn.

Tổng cả hệ thống Thegioididong và Điện Máy Xanh của công ty hiện có hơn 1.500 cửa hàng trên toàn quốc, phân bố tại hầu hết các tỉnh thành. Tuy nhiên, có sự chênh lệch rõ ràng giữa mức độ phát triển tại khu vực miền Bắc và miền Nam. Chỉ tính riêng hai thành phố lớn đại diện cho 2 khu vực thị trường quan trọng, thì TP HCM có 208 siêu thị, còn Hà Nội mới chỉ có 153.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực điện máy, nếu công ty tiếp tục đẩy mạnh mạng lưới theo sự phân bố hiện tại sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh chính với những cửa hàng Thế Giới Di động với nhau. Tuy nhiên, nếu dồn lực ra phía Bắc thì việc cuộc chơi sẽ trở nên rất tốn kém trong bối cảnh các thương hiệu điện máy khác thi nhau mở rộng.

“Đến hiện tại, MWG thực sự không mạnh ở thị trường phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội. Chúng tôi ước tính thị phần của MWG ở Hà Nội là khoảng 30% đối với chuỗi Thegioididong và 15% cho chuỗi Điện máy xanh, đặt công ty ngang bằng với các chuỗi bán lẻ khác như FPT shop ở thị trường di động, hay Trần Anh và Media Mart về điện máy”, báo cáo của HSC viết.

Trong bối cảnh việc tấn công ra một thị trường đang có sự cạnh tranh cao không phải nước đi phù hợp, thì lựa chọn M&A một đơn vị sẵn có nền tảng là nước đi được các chuyên gia đánh giá là khôn ngoan hơn. Đó cũng là lý do từ đầu năm 2017 đến nay, không chỉ có Trần Anh, mà cả Media Mart và Pico cũng từng có tin đồn liên quan đến Thế Giới Di Động.

Hiện Trần Anh có hệ thống gồm 39 cửa hàng tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc khác, quy mô gần bằng với Media Mart và vượt trội hơn so với Điện máy HC và Pico.

“Mua lại Trần Anh sẽ cho phép Thế Giới Di Động tiếp cận tốt hơn khách hàng ở khu vực phía Bắc”, chuyên viên phân tích HSC nhận định.

Ngoài tác động về thị phần, lựa chọn Trần Anh còn đem lại cho ông lớn phân phối điện máy phía Nam một cơ hội khác. Dư địa tăng trưởng của hệ thống này vẫn còn rất lớn, khi thực tế dù Trần Anh chiếm một thị phần đáng kể tại khu vực phía Bắc nhưng khả năng sinh lời lại thuộc nhóm thấp trên thị trường. Việc tận dụng lợi thế từ kinh nghiệm quản trị của Thế Giới Di Động có thể giúp Trần Anh khắc phục điều này.

Liên tục trong 4 năm gần đây, doanh thu của Trần Anh tăng đều qua các năm. Từ mức 1.867 tỷ vào năm 2013, chỉ sau 4 năm doanh thu hệ thống của TAG đã tăng hơn gấp đôi vượt mốc 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số lợi nhuận lại hoàn toàn không tương xứng với quy mô của đơn vị này, nguyên nhân là do biên lợi nhuận của Trần Anh quá thấp.

Trong 3 năm gần nhất, biên lợi nhuận thuần trên doanh thu của Trần Anh duy trì trong khoảng 0,31% đến 0,52%, trong khi với Thế Giới Di Động, chỉ số này đạt từ 4% đến 5%.

“Giá trị của thương vụ còn nằm ở việc cải thiện lợi nhuận của TAG lên mức tương đương của MWG, đồng thời đối với MWG, công ty này có thể tận dụng dịch vụ khách hàng của TAG để tiếp cận khách hàng tại miền Bắc”, HSC nhận định.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here