Có vẻ Alibaba đang mong muốn xây dựng mối quan hệ đối tác với Grab để mở rộng thị phần trong lĩnh vực thanh toán kĩ thuật số.
Hồi gữa tháng 6, một nguồn tin của Bloomberg đã cho biết Masayoshi Son (CEO của SoftBank) và Jack Ma (nhà sáng lập và CEO của Alibaba) có thể cùng nhau đầu tư vào dịch vụ gọi xe Grab (trụ sở tại Singapore).
Sau đó, đến ngày 24/7, Grab đã cho biết rằng SoftBank và một dịch vụ gọi xe khác là Didi Chuxing (Trung Quốc) đã đồng ý đầu tư vào Grab với số vốn lên đến 2 tỷ USD. Grab cũng nói thêm rằng họ đang kỳ vọng huy động được thêm 500 triệu USD nữa trong cùng vòng gọi vốn này. Hiện vẫn chưa rõ liệu có Alibaba hoặc công ty nào liên quan tới Jack Ma sẽ tham gia vào vòng này hay không.
Tuy nhiên, điều này cũng đã đặt ra một câu hỏi lớn: Alibaba nhìn thấy cơ hội gì ở Grab?
Và cũng không phải ngẫu nhiên mà “đối thủ truyền kiếp” của Alibaba tại Trung Quốc là Tencent đã đầu tư khoảng 100-150 triệu USD vào một dịch vụ gọi xe khác là Go-Jek (Indonesia) vào hồi đầu tháng 7.
Alibaba và Tencent đang cạnh tranh sát sườn trong tại nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực thanh toán số (digital payment). Theo số liệu từ dịch vụ nghiên cứu Analysys (Trung Quốc), dịch vụ thanh toán Alipay của Alibaba đang chiếm 53,7% thị phần thanh toán số tại Trung Quốc trong quý I/2017, so với 39,5% của WeChat Pay (Tencent).
Khi tăng trưởng của Alibaba và Tencent tại thị trường Đại lục dần chậm lại, hai gã khổng lồ này đang tìm kiếm các cơ hội tăng trưởng ở nước ngoài. Các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Singapore và Indonesia, mang lại nhiều cơ hội lớn cho 2 gã khổng lồ này.
Thông qua quan hệ đối tác với các dịch vụ gọi xe và giao thức ăn như Grab và Go-Jek, Alibaba và Tencent có thể mở rộng thị trường cho các dịch vụ thanh toán của họ, khi cho phép người đi xe và mua hàng thanh toán bằng Alipay hoặc WeChat Pay.
Hiện tại, Alipay đã hợp tác với Grab thông qua việc cho phép các du khách Trung Quốc đến thăm Singapore và Thái Lan có thể thanh toán cho Grab bằng Alipay, kể từ tháng 6/2016. Theo Grab cho biết, điều này cho phép các du khách Trung Quốc có thể thoải mái thanh toán bằng đồng NDT mà không phải lo lắng về chuyển đổi ngoại tệ.
Ngoài ra, bản thân Grab cũng đã đầu tư mạnh tay cho dịch vụ thanh toán GrabPay của chính công ty này. Grab đã xác nhận việc xây một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Ấn Độ dành riêng cho GrabPay, cũng như mua lại nền tảng thương mại điện tử Kudo (Indonesia) vào tháng 4. Với khoảng 400.000 đại lý trên khắp Indonesia, Kudo cho phép người dùng có thể mua sắm trực tuyến mà không cần thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng hoặc thậm chí là kết nối Internet.
Ở Singapore, Grab cũng vừa cho ra mắt dịch vụ GrabNow, cho phép những khách vẫy taxi giữa đường vẫn có thể thanh toán cước cho tài xế thông qua ứng dụng Grab, và tích điểm thưởng trên hệ thống Grab. Trước đó, Grab đã triển khai GrabNow cho mảng dịch vụ xe máy tại Indonesia.
CEO Anthony Tan của Grab từng cho biết ông đang xem xét mở rộng hoạt động kinh doanh sang dịch vụ chuyển tiền và thậm chí là cho vay.
Theo ước tính của Google, thị trường dịch vụ gọi xe tại Đông Nam Á có thể đạt trị giá 13 tỷ USD vào năm 2025, so với mức 2,5 tỷ USD của năm 2015.
Còn theo công ty Juniper Research ước tính, khối lượng giao dịch thanh toán số trên toàn thế giới đã tăng 20% lên 3,6 nghìn tỷ USD vào năm 2016, so với mức 3 nghìn tỷ trong năm 2015.