Nội Dung Chính
Hy vọng mở ra với taxi truyền thống, đặc biệt là những đơn vị có tiềm lực và có bề dày thương hiệu, khi Uber Đông Nam Á đã hết sức trong cuộc đua “đốt vốn”, đã bán mình cho Grab.
Khi Grab và Uber gia nhập thị trường Việt, các hãng taxi truyền thống lao đao vì chưa bao giờ vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ tới vậy. Lép vế từ giá cước, chất lượng dịch vụ tới cách thức vận hành, taxi truyền thống đã có 4 năm chật vật để sinh tồn trong thời kỳ xe công nghệ lên ngôi.
Bớt một đối thủ hùng mạnh
Thời điểm trước khi Uber vào Việt Nam, taxi truyền thống đang có giai đoạn phát triển màu hồng. Các hãng taxi mới liên tục mọc lên. Tại các đô thị lớn, dễ thấy đường phố tràn ngập taxi của nhiều thương hiệu.
Theo số liệu của Bộ Giao thông Vận tải, năm 2014, trước khi Uber và Grab có mặt, tổng lượng taxi truyền thống tại Việt Nam là khoảng 50.000 xe. Riêng tại Hà Nội năm 2015, Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng khẳng định có 20.000 taxi hoạt động.
Nhưng môi trường cạnh tranh giữa các hãng taxi lúc này không rõ rệt. Giá cước chỉ hơn kém trong khoảng 1.500 đồng/km, tùy hãng và tùy loại xe.
Bước ngoặt diễn ra năm 2014, khi lần lượt Uber và Grab tham gia thị trường vận tải hành khách dạng taxi.
Khác với hiện nay, ban đầu Grabtaxi tiếp cận thị trường với tư cách một ứng dụng bên thứ 3 hỗ trợ chính các hãng taxi truyền thống. Còn Uber vào Việt Nam với tâm thế mang công nghệ mới, cách làm mới để cạnh tranh với thị trường taxi có phần cũ kỹ của Việt Nam.
Không tổng đài, không sở hữu phương tiện, không tuyển dụng tài xế, Uber khiến taxi truyền thống lúng túng vì chưa từng gặp một đối thủ vừa lạ vừa mạnh.
Đối thủ ngoại nhanh chóng trở thành “ác mộng” của taxi truyền thống. Nhiều hãng nhỏ nhanh chóng bỏ cuộc vì mất khách, mất tài xế về tay Uber. Các hãng lớn trụ được nhưng lao đao vì thị phần giảm sút.
Đỉnh điểm là năm 2017, Vinasun sa thải 8.000 nhân viên để tinh giản đội ngũ. Mai Linh cũng công bố mất 6.000 nhân viên dưới áp lực cạnh tranh của những ông lớn taxi công nghệ.
Các hãng taxi cũng đã có hành động mạnh mẽ hơn để tự vệ. Nhiều hãng bắt tay nghiên cứu và ra mắt ứng dụng gọi xe riêng, nhưng không dễ khi phải đua trong lĩnh vực thế mạnh của 2 ông lớn Uber và Grab.
Lợi thế nào để đua cùng Grab?
Sau thương vụ sáp nhập Uber về Grab, các hãng taxi truyền thống sẽ chỉ còn lại một đối thủ lớn. Tuy nhiên, theo nguồn tin của chúng tôi từ Hiệp hội Taxi Hà Nội, quan điểm của nhiều hãng taxi truyền thống vẫn là bi quan về tương lai.
“Không phải chỉ còn Grab là dễ đấu, vì Grab hiện giờ bằng cả Grab và Uber trước kia gộp lại. Trước kia Uber và Grab còn chỉ tập trung cạnh tranh với nhau mà taxi truyền thống đã rơi vào cảnh ‘trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết’. Nay hai hãng đã gộp làm một, sẽ có rất nhiều khó khăn đang chờ đợi taxi truyền thống”, vị này chia sẻ.
Tuy nhiên, taxi truyền thống vẫn có những ưu điểm được người dùng ghi nhận mà Grab chưa thể có được. Taxi không tăng giá vào dịp cao điểm, có trách nhiệm thuế rõ ràng.
Tài xế của taxi truyền thống được các quyền lợi của người lao động, có chính sách phúc lợi, ổn định hơn về thu nhập và cũng được hãng xe bảo vệ quyền lợi trong trường hợp cần thiết.
Với khách hàng, taxi truyền thống cũng chịu trách nhiệm rõ ràng hơn về sự an toàn của bản thân và hành lý. Còn nhớ trong sự việc tài xế Grab Nguyễn Danh T. chiếm đoạt tài sản của chị T.Đ.N, trách nhiệm của Grab rất hữu hạn.
“Nếu phát huy được những điểm mạnh, tinh giản lại bộ máy và cạnh tranh vào những điểm mà Grab còn yếu, cơ hội vẫn còn cho taxi truyền thống”, nguồn tin từ Hiệp hội Taxi Hà Nội chia sẻ.
Grab thâu tóm Uber: Thương vụ tạm cứu taxi truyền thống?
Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Bằng Việt, chuyên gia chiến lược doanh nghiệp, CEO Dong A Solutions, nguyên Tổng giám đốc Mai Linh Taxi, lại cho rằng việc Grab mua lại Uber đã tạm cứu taxi truyền thống. Người được hưởng lợi lớn nhất ngoài Grab, Uber chính là taxi truyền thống.
Theo ông Việt, khi chỉ còn một mình một sân, Grab không còn áp lực phải giảm giá để quảng bá hay giành giật thị trường nữa. Khách hàng cũng đã có thói quen sử dụng dịch vụ chất lượng và tiện nghi nên đa phần sẽ không chuyển xuống sử dụng dịch vụ thấp hơn, và điều này thuận lợi cho taxi truyền thống nếu họ nâng chất lượng dịch vụ.
Ngoài ra, việc Grab tính cước phí giờ cao điểm cũng là tạo điều kiện cho taxi truyền thống hút khách về phía mình, bởi taxi có lợi thế là giá cước ổn định.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, nhận định thời gian qua, các doanh nghiệp taxi, nhiều startup đã đầu tư nghiên cứu loại hình vận chuyển giống Uber, Grab, có thể cạnh tranh được chứ không lo Grab một mình quyết định cuộc chơi.
Ngoài ra, nếu Grab độc quyền, đối xử không tốt với tài xế thì sẽ bị khách hàng và tài xế quay lưng lại. Thực tế, với mức chiết khấu Grab đang thu đến gần 30%, một số tài xế Uber đã quyết định gia nhập taxi truyền thống.
Theo chia sẻ của ông Trương Đình Quý, Phó tổng giám đốc Vinasun, các doanh nghiệp taxi chỉ cần được cạnh tranh công bằng là không lo lép vế trước Grab, dù với sức mạnh hiện đã nhân đôi. Ông Quý nói phần mềm gọi xe các doanh nghiệp trong nước cũng nghiên cứu, phát triển. Điều quan trọng là cơ quan quản lý cần định danh được Grab là loại hình gì, để quản đúng, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thì doanh nghiệp taxi đủ khả năng đối đầu.