Tỷ phú Thái đã làm gì từ khi thâu tóm Bia Sài Gòn?

0
853

Người Thái bỏ giá cao để mua Sabeco là muốn chiếm vai trò chi phối nhưng mọi việc không đơn giản.

Tập đoàn ThaiBev của tỉ phú Thái Lan gốc Hoa Charoen Sirivadhanabhakdi đã chiến thắng khi chi gần 5 tỉ USD để mua 53,59% cổ phần của Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Nhưng để làm chủ hoàn toàn doanh nghiệp này, xem ra vẫn còn khoảng cách xa.

Chưa có động thái mới

Nhiều người lo ngại thương hiệu Bia Sài Gòn có nguy cơ biến mất sau khi vào tay đại gia Thái Lan. Bởi lẽ sau khi mua lại chuỗi siêu thị Metro Cash&Carry, Tập đoàn TCC của tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi đã đổi tên hệ thống siêu thị trên thành Mega Market.

Hơn nữa, theo các quy định hiện hành, chỉ cần nắm trên 51% cổ phần là đã đủ nắm quyền chi phối và có thể quyết định mọi vấn đề lớn tại doanh nghiệp. ThaiBev rõ ràng vượt xa mục tiêu trên. Thực tế diễn biến thương vụ mua bán khủng này cũng cho thấy người Thái chấp nhận bỏ giá cao để mua hết số cổ phần Sabeco cũng là muốn chiếm vai trò chi phối tại doanh nghiệp này.

Nhưng đến thời điểm này, chưa có thông tin mới nào về thay đổi cơ cấu quản trị, nhân sự… tại Sabeco. Tuyên bố có giá trị nhất của ông Koh Poh Tiong, Chủ tịch Fraser and Neave F&N (công ty thành viên của Tập đoàn ThaiBev), tại hội nghị khách hàng Sabeco diễn ra mới đây là ủng hộ Sabeco vươn lên tầm cao mới.

“Chúng tôi vui mừng khi trở thành cổ đông lớn của Bia Sài Gòn, lần đầu tiên đeo cravat mang thương hiệu Bia Sài Gòn. Giấc mơ quan trọng nhất của chúng tôi với vai trò cổ đông là sẽ hỗ trợ hết sức cho nhà phân phối cùng Bia Sài Gòn đạt được thành công hơn nữa. Thời gian tới Bia Sài Gòn sẽ đẩy mạnh tiêu thụ ở Thái Lan, Malaysia, Singapore và các quốc gia khác” – ông Koh Poh Tiong phát biểu.

Như vậy, người Thái tỏ ra cẩn trọng tìm hiểu thêm về doanh nghiệp, thị trường hay đang gặp vướng mắc một vấn đề khác mà chưa đưa ra những thay đổi lớn tại Sabeco?

Không dễ ra quyết định

Câu trả lời liên quan đến điều lệ của Sabeco, có hiệu lực từ ngày 8-8-2017, trước khi Nhà nước quyết định bán cổ phần tại công ty này. Điều lệ này đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như Bộ Công Thương chấp nhận là không trái quy định với Luật Doanh nghiệp.

Cụ thể, điều lệ tại Sabeco ghi rõ các quyết định quan trọng chỉ được đại hội đồng cổ đông thông qua nếu đạt 65% tổng số cổ phần của các cổ đông có quyền biểu quyết.

Sau thương vụ mua Sabeco, ThaiBev đã công bố thông tin nêu rõ: Thương vụ vừa qua sẽ giúp công ty tiếp cận ngay với các mạng lưới phân phối rộng khắp tại địa phương và đa dạng hóa về mặt địa lý cũng như mở ra cho ThaiBev một trong những thị trường tăng trưởng mạnh nhất tại Đông Nam Á với dân số trẻ. ThaiBev cũng muốn phát triển mối quan hệ lâu dài với đội ngũ quản lý và các bên liên quan của Sabeco.

Điều lệ Sabeco cũng cho hay các nội dung như nếu muốn thay đổi ngành, nghề, lĩnh vực kinh doanh; cơ cấu tổ chức quản lý; dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản; tổ chức lại, giải thể công ty; hoặc thay đổi thời hạn hoạt động… đều phải đạt tỉ lệ biểu quyết ít nhất 65%.

Hiện nay Nhà nước thông qua Bộ Công Thương vẫn đang nắm giữ 36% tỉ lệ sở hữu tại Sabeco. Như vậy dù người Thái cùng với số cổ phần của mình và sự ủng hộ của các cổ đông nhỏ lẻ khác thì cũng khó có đủ quyền quyết định các vấn đề hệ trọng đưa ra, ví như thay đổi tên gọi thương hiệu.

Giải thích thêm về vấn đề này, luật gia Nguyễn Thị Hoài Thương, Trưởng nhóm đăng ký doanh nghiệp của Công ty Luật TNHH Everest, cho biết: Luật Doanh nghiệp năm 2014 lặp đi lặp lại rất nhiều lần các cụm từ như: “Trừ trường hợp điều lệ công ty có quy định khác”, “trong trường hợp điều lệ công ty không có quy định khác thì…”, “do điều lệ công ty quy định”.

Như vậy có thể thấy pháp luật đã thừa nhận vai trò quan trọng của điều lệ công ty. Trong nhiều hoạt động của công ty cũng như những tranh chấp phát sinh, những quy định của điều lệ công ty nếu không trái pháp luật sẽ được ưu tiên áp dụng.

“Phương thức, nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ giữa các công ty cũng hoàn toàn không giống nhau. Điều lệ chính là căn cứ để giải quyết những tranh chấp phát sinh. giúp công ty tiếp tục hoạt động ổn định” – luật gia Nguyễn Thị Hoài Thương nói thêm.

Xin dẫn chứng thêm một ví dụ là cách nay không lâu, HĐQT Ngân hàng Sacombank đã xin ý kiến về việc đổi mã cổ phiếu Sacombank từ STB thành SCM. Nhưng đại hội cổ đông Sacombank đã bác đề xuất này.

Vẫn còn chặng đường dài

Có một điều khá thú vị là Vinamilk đã từng tham gia cuộc đua mua cổ phiếu của Sabeco, tuy nhiên sau đó bỏ cuộc. Nguyên nhân, theo một nguồn tin từ Vinamilk, thứ nhất là giá quá cao so với mức định giá mà Vinamilk tính toán. Thứ hai chính là rào cản tỉ lệ biểu quyết ít nhất là 65% thì dù có mua, Vinamilk cũng không thể nào có quyết định quan trọng tại Sabeco nếu không có sự ủng hộ của Nhà nước.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Trường Thắng, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Bộ Công Thương, từng phát biểu: “Nhà nước vẫn giữ 36% cổ phần Sabeco để giữ quyền phủ quyết, liên quan đến ngành nghề kinh doanh, đầu tư, quyền về thương hiệu. Đấy là một trong những giải pháp để bảo vệ thương hiệu Bia Sài Gòn”.

Từ đó cho thấy việc thị trường kỳ vọng nhiều ở sự thay đổi quản trị doanh nghiệp khi lãnh đạo Sabeco không còn do Nhà nước bổ nhiệm vẫn còn chặng đường dài. “ThaiBev có thể thay đổi thế cờ bằng việc chờ Nhà nước bán bớt số cổ phần đang nắm giữ để mua nốt số cổ phần còn lại nhằm sở hữu toàn bộ Sabeco. Nhưng thời điểm nào Nhà nước quyết định bán thì đến nay chưa có một công bố chính thức” – một chuyên gia chứng khoán nói.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here