Nội Dung Chính
Tổng thống đắc cử Mỹ đã sử dụng mạng xã hội Twitter như một phương tiện thể hiện quyền lực hữu hiệu trong quãng thời gian chờ đợi để nắm quyền tại Nhà Trắng.
Với 16 triệu người theo dõi, tài khoản Twitter cá nhân không những được Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sử dụng như một vũ khí lợi hại trong suốt chiến dịch tranh cử, mà còn là phương tiện giúp ông bày tỏ lập trường quan điểm trong quãng thời gian chuyển giao quyền lực, theo Le Monde.
Đối ngoại
Gần một tháng sau khi đắc cử, chỉ trong vòng ba ngày đầu tháng 12/2016, ông Trump sử dụng Twitter để tung ra hai đòn tấn công liên tiếp nhằm vào Trung Quốc.
Ngày 2/12/2016, sau khi điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, ông Trump tự mình loan tải thông tin này trên tài khoản cá nhân. Khi Trung Quốc phản đối kịch liệt, ông Trump, vẫn qua Twitter, bày tỏ thái độ ngạc nhiên khi đặt câu hỏi vì lý do gì mà ông không thể nghe điện thoại từ lãnh đạo của một thực thể mỗi năm mua của Mỹ 8 tỷ USD vũ khí.
Khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc chính thức phản đối, Tổng thống đắc cử Mỹ tiếp tục “đổ thêm dầu vào lửa” khi chỉ trích Bắc Kinh phá giá đồng nhân dân tệ nhằm giảm sức cạnh tranh của những doanh nghiệp Mỹ và xây dựng nhiều tổ hợp quân sự lớn tại Biển Đông.
Ông Trump ngày 22/12 gây bất ngờ khi tuyên bố trên Twitter rằng Mỹ phải tăng cường mạnh mẽ và mở rộng năng lực hạt nhân cho đến khi cả thế giới “cảm nhận được”.
Theo New York Times, tuyên bố trên của ông Trump dường như là lời đáp trả đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, sau khi ông chủ điện Kremlin trong một phát biểu trước đó với các quan chức quốc phòng Moscow đã cam kết sẽ tăng cường vũ khí hạt nhân của Nga.
Ngày 24/12, ông Trump tiếp tục sử dụng mạng xã hội phổ biến này để phản đối việc Liên Hợp Quốc thông qua bản dự thảo nghị quyết về việc chỉ trích Israel xây dựng những khu định cư ở bờ Tây và Đông Jerusalem.
“Liên quan đến Liên Hợp Quốc, mọi chuyện sẽ khác sau ngày 20/1”, ông Trump viết.
Đối nội
Theo bình luận viên Gilles Paris, sau khi đắc cử tổng thống Mỹ, ông Trump đã đăng tải 270 thông điệp mới, trong tổng số 35.000 dòng trạng thái kể từ khi lập tài khoản @realDonaldTrump vào tháng 3/2009, trong đó bao gồm nhiều thông điệp đối nội quan trọng.
Ngày 28/12, ông Trump đăng tải dòng trạng thái ngầm chỉ trích Tổng thống Barack Obama cố tình gây cản trở đến quá trình chuyển giao quyền lực.
“Tôi đang cố gắng hết sức để không để ý đến nhiều bình luận kích động và cản trở từ Tổng thống Obama. Tôi cứ nghĩ đây sẽ là một cuộc chuyển đổi quyền lực suôn sẻ nhưng nó không như vậy”, ông Trump tuyên bố.
Trong những ngày đầu tháng 1/2017, Tổng thống đắc cử Mỹ liên tiếp đưa ra những bình luận mang tính cảnh báo và nhắc nhở đối với nhiều tổ chức chính trị và doanh nghiệp muốn làm ăn tại Mỹ, điển hình như những chỉ trích về đảng Cộng hòa quyết định giảm bớt vài trò của ủy ban kiểm tra tư cách các nghị sĩ, hay việc các cơ quan tình báo Mỹ lùi cuộc họp báo liên quan đến cáo buộc tin tặc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống.
Thậm chí Tổng thống đắc cử Mỹ, trên Twitter đã gọi lãnh phe thiểu số của đảng Dân chủ là “gã hề” trong một cuộc khẩu chiến liên quan đến chương trình Obamacare của chính quyền Tổng thống Obama.
Đối với các doanh nghiệp, đêm 5/1, ông Trump đăng tải thông điệp dọa áp mức thuế cao với hãng sản xuất xe Toyota liên quan đến kế hoạch xây dựng nhà máy tại Mexico.
“Toyota sẽ xây nhà máy mới tại Baja, Mexico để sản xuất dòng xe Corolla cho thị trường Mỹ. Không đời nào! Hoặc làm điều đó tại Mỹ hoặc chấp nhận mức thuế cao”, ông Trump viết.
Hiệu quả
Theo Paris, chiến lược sử dụng Twitter để truyền tải thông điệp của ông Trump đã liên tiếp gặt hái được nhiều thành công và khiến báo chí và giới ngoại giao thế giới phải theo dõi chặt chẽ.
VOA ngày 6/1 dẫn nguồn tin từ tờ JoongAng của Hàn Quốc cho biết bộ Ngoại giao nước này đã chỉ định một viên chức có trách nhiệm theo sát các bình luận của ông Trump trên Twitter để nắm bắt kịp thời các quan điểm và chính sách đối ngoại của ông.
“Các thông điệp dài 140 ký tự của ông Trump hiện là nguồn thông tin rõ nhất về chính sách của chính quyền sắp tới”, tờ JoongAng nhấn mạnh.
Ngoài ra, sự mập mờ của các thông điệp Twitter chính là điều thu hút mọi người. Dư luận theo dõi tài khoản của ông luôn phải tự đặt câu hỏi đây là những chính sách đã được quyết định hay chỉ là những luận điệu gây chú ý tới giới truyền thông.
Truyền thông Trung Quốc mới đây cũng phải lên tiếng bày tỏ “nỗi ám ảnh” với chính sách giao Twitter của Tổng thống đắc cử Mỹ.
Trong bài xã luận đăng tải ngày 5/1, Xinhua viện dẫn ý kiến của một số nhà phân tích chỉ trích việc Tổng thống đắc cử Mỹ thường xuyên sử dụng mạng xã hội để đề cập đến những nội dung nhạy cảm trong quan hệ hai nước là “một động thái không khôn ngoan và phá vỡ phương thức ngoại giao truyền thống” của Washington trong hàng chục năm qua.
Về phần các doanh nghiệp, chiến lược của ông Trump cũng gây ra những tác động không nhỏ khi giá cổ phiếu của hai hãng Toyota và Lockheed-Martin giảm sâu trên thị trường chứng khoán sau những cảnh báo của ông.
Tổng giám đốc điều hành Lockheed Martin, Marillyn Hewson sau đó cũng phải cam kết với Tổng thống đắc cử Mỹ sẽ giảm giá giá thành sản xuất đối với chiến đấu cơ F-35 Joint Striker Fighter, hiện đại và đắt đỏ nhất của Mỹ.