TV, smartphone đang trở thành tai mắt của nhà quảng cáo

0
948

Với việc cài đặt phần mềm theo dõi hành vi người dùng trên TV, smartphone, nhà quảng cáo có thể biết chính xác người dùng thích xem gì, vào thời điểm nào.

Khi Ellen Milz và gia đình bà xem Olympic mùa hè năm ngoái, chiếc TV cũng đang nhìn lại họ.

Bà Milz (48 tuổi), sống với chồng và 3 con tại Chicago, đồng ý làm một tình nguyện viên của công ty có tên TVision Insights. Công ty này theo dõi thói quen xem TV của người dùng, chẳng hạn bà đang cười hay khó chịu, theo dõi quảng cáo hay nhìn đi chỗ khác – bằng một thiết bị gắn trên đỉnh TV.

“Công ty đó nói ‘Chúng tôi sẽ đặt thiết bị này trong nhà bạn, kết nối với TV theo dõi bạn trong suốt sự kiện Olympic để biết bạn thích môn thể thao nào, biểu lộ cảm xúc của bạn và bạn xem với ai’”, bà chia sẻ. “Và tôi nói ‘Tôi chẳng có gì phải giấu’”.

Bà Milz thừa nhận ý tưởng này thật kỳ quặc nhưng những e ngại đó nhanh chóng tan biến. Ban đầu, bà được tặng 60 USD, và một khoản 230 USD khác sau 4 đến 6 tháng.

TVision là một trong số những công ty muốn xâm nhập phòng khách của người dùng để tìm hiểu thói quen xem TV của họ, phục vụ các nhà quảng cáo. Nhu cầu tìm hiểu thói quen này ngày một lớn khi thói quen xem TV của người dùng thay đổi mạnh mẽ những năm qua. Họ là đối tác của những tên tuổi lớn như Weather Channel, NBC và Disney ABC Television Group.

Bằng cách cài đặt Microsoft Kinect (thường dùng để chơi game trên Xbox) trên TV, TVision theo dõi chuyển động mắt người dùng khi xem TV. Cảm biến bên trong thiết bị có thể ghi lại hoạt động của tất cả các thành viên gia đình trong căn phòng.

“Vấn đề lớn với các nhà quảng cáo TV là bạn có đang thực sự nhìn vào TV hay không?”, Dan Schiffman – Giám đốc của TVision – cho biết.

Các công ty chi khoảng 69 tỷ USD/năm cho quảng cáo TV tại Mỹ và rất muốn biết làm cách nào phân phối số tiền đó một cách hợp lý. Nielsen và hệ thống 42.500 gia đình của họ từ lâu quyết định cách tiêu tiền của các nhà quảng cáo tại Mỹ.

Tuy nhiên, nhiều người bắt đầu chỉ trích cách làm của Nielsen là cũ kỹ. Họ chọn các gia đình một cách ngẫu nhiên để đại diện cho xu hướng xem truyền hình ở tầm quốc gia.

TVision hiện làm việc với 2.000 gia đình (khoảng 7.500 người). Họ khẳng định chỉ nắm giữ thông tin, không lưu trữ hình ảnh hoặc video của người dùng.

Chẳng hạn, số liệu của họ có dạng “người số 124 tại gia đình số 6 đang chú ý đến TV ở khoảnh khắc này và không chú ý ở chương trình kế tiếp hoặc quảng cáo”.

Symphony Advanced Media cũng làm cách tương tự nhưng với 17.500 người dùng smartphone tại Mỹ, chủ yếu là điện thoại Android. Đổi lại, họ trả cho người dùng 5-12 USD mỗi tháng để theo dõi cách người dùng sử dụng smartphone.

Nó sử dụng microphone trên điện thoại để biết người dùng xem gì và yêu cầu họ hoàn thành khảo sát. Ứng dụng của họ có thể biết được nếu người dùng đang xem một show nào đó, sử dụng headphone khi đi xe bus.

Một dạng công ty khảo sát hành vi người dùng khác là RealityMine. Họ trả cho người dùng gần 90 USD/năm để cài một ứng dụng nhằm theo dõi mạng Internet trong gia đình.

Ứng dụng này có thể theo dõi hoạt động của 25 loại thiết bị trong nhà, chẳng hạn điện thoại, tablet, Xbox, Wii, Apple TV và Google Chromecast.

Mục tiêu của họ là “hiểu xem người dùng thích các thông tin đa phương tiện nào”, Charlie Buchwalter – CEO của Symphony cho hay.

Trong thời gian diễn ra Olympic, bà Milz đeo một chiếc FitBit và NBC có thể biết được nhịp tim của bà thay đổi ra sao khi xem các chương trình nhất định.

Do đó, dù TVision khẳng định không lưu trữ hình ảnh, video của người dùng, bảo mật vẫn là một nỗi lo. Trong tháng 2, Vizio – một trong những hãng sản xuất Internet TV lớn nhất thế giới – cho biết họ phải nộp 2,2 triệu USD tiền phạt vì thu thập và bán dữ liệu từ hàng triệu chiếc smart TV có dấu hiệu theo dõi người dùng.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here