Nội Dung Chính
Công ty khởi nghiệp internet nổi tiếng nhất Việt Nam VNG, có thời điểm được Economist định giá lên đến 1 tỉ USD, đã tròn 10 năm tuổi. Bên cạnh nhiều thành tựu đạt được, doanh nghiệp này vẫn đang phải đối mặt với không ít thử thách. Chủ tịch Lê Hồng Minh sẽ hướng con thuyền VNG về đâu trong thập kỷ tới?
Còn nhớ năm 2009, tức 5 năm sau khi VNG (tiền thân là công ty Vinagame) thành lập, công ty này đã cùng hai đại gia khác là FPT và VTC, trở thành “bộ tam” gây bão trên thị trường game trực tuyến ở Việt Nam. Tại thời điểm đó, Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc của VNG, tiết lộ với Nhịp Cầu Đầu Tư rằng công ty anh đã đạt doanh thu 50 triệu USD (tương đương 1.000 tỉ đồng), với tốc độ tăng trưởng bình quân 50%/năm từ ngày thành lập. Minh còn bày tỏ tham vọng sẽ thu hút được 41 triệu khách hàng với doanh thu ước đạt 3.000 tỉ đồng trong năm 2014. Suốt cuộc trò chuyện khi đó, Minh cũng không xác nhận việc Quỹ Đầu tư IDG Vietnam đã rót số vốn 500.000 USD cho VNG trong năm 2005, tạo bàn đạp cho tăng trưởng.
Tham vọng 3.000 tỉ
Tuy nhiên, khi mốc thời gian 2014 chạm ngõ, ông chủ của VNG lại đặt mục tiêu có phần khiêm tốn hơn: doanh thu khoảng 2.365 tỉ đồng với lợi nhuận sau thuế ước đạt 235 tỉ đồng. Nhưng VNG lại có được “luồng gió mát” từ tạp chí The Economist của Mỹ khi trong tháng 7 vừa qua, tạp chí này dẫn một nghiên cứu về 50 công ty internet ở một số quốc gia đến từ 6 châu lục cho thấy VNG, một ngôi sao công nghệ của Việt Nam được định giá lên đến 1 tỉ USD, vượt xa mức 125 triệu USD và 75 triệu USD của 2 công ty trong nước còn lại cũng lọt vào bảng định giá là VCCorp và Vật Giá.
Chuyện định giá thấp cao một phần phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư. Tuy nhiên, có thể thấy tương lai của VNG đang là một thách thức lớn cho Lê Hồng Minh. Thực tế là tham vọng đạt đến 3.000 tỉ trong năm 2014 như dự tính trước đây có phần hơi quá sức, đặc biệt là khi kết quả kinh doanh năm 2013 của VNG không mấy thuận lợi. Lợi nhuận sau thuế sụt giảm 75% (sâu nhất trong một thập kỷ vừa qua), dù rằng công ty này đã nỗ lực mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác. Ngoài game trực tuyến, VNG còn nổi lên với hàng loạt sản phẩm mới như cổng tin điện tử (zing.vn), cổng giải trí âm nhạc (zing mp3), mạng xã hội (zing me), thương mại điện tử (zing deal), 123mua.vn và các sản phẩm trên nền tảng di động như 123phim.vn, ứng dụng OTT Zalo.
Tuy nhiên, doanh thu vẫn chủ yếu đến từ mảng game trực tuyến với 90% đóng góp. Chính vì lẽ đó, nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh chuyện sụt giảm doanh thu của năm 2013 này, kể cả những phỏng đoán về khả năng cạnh tranh của VNG với các đối thủ “huyền thoại” về game trực tuyến khác trên thị trường.
Từ thực tại, giới công nghệ phỏng đoán ít nhất trong tương lai gần, nguồn thu chính của VNG vẫn đến từ game trực tuyến. Trong những động thái được thấy rõ vào thời gian gần đây, Lê Hồng Minh cũng quyết định bắt tay sản xuất game trực tuyến thuần Việt nhằm gia tăng doanh thu và lợi nhuận một cách tối đa. “Thứ nhất, một sản phẩm Việt Nam dành cho người Việt là cần thiết. Thứ hai, phần lớn các game trực tuyến trên thị trường đều là các game chuyển nhượng và nhà kinh doanh (người được chuyển nhượng) phải trả 25-30% doanh thu cho bên sở hữu sản phẩm, nên ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận”, anh nói.
Giữa năm 2010, VNG đầu tư hơn 20 tỉ đồng cho game thuần Việt mang tên “Thuận Thiên Kiếm”, lấy bối cảnh lịch sử Việt Nam, mang lại niềm tự hào mới cho ngành game trong nước dù rằng hiệu quả doanh thu vẫn chưa thể kiểm chứng. Nhưng chính ở mảng chủ lực này của VNG cũng luôn đặt ra những rủi ro khó lường. Theo thống kê từ “Hội thảo Phát triển ngành trò chơi trực tuyến” lần 3 do VNG tổ chức, khoảng 90% các sản phẩm game trực tuyến đều không thành công ngay từ khâu sản xuất và 9% không thành công khi bước vào thị trường. Như vậy, chỉ còn 1% những game trực tuyến hay nhất, hoặc may mắn nhất, mới có thể sống sót và mang về lợi nhuận cho nhà đầu tư.
Có lẽ vì vậy mà việc Vinagame đổi tên thành VNG và mở rộng sang nhiều nhánh trong ngành dịch vụ internet từ 5 năm nay được xem là bàn đạp và là quyết định hợp thời của Lê Hồng Minh nhằm phân tán rủi ro.
VNG gần giống mô hình Tencent của Trung Quốc, loại công ty internet “tổng hợp”. Để hiện thực hóa tham vọng doanh thu hơn 2.000 tỉ đồng, Lê Hồng Minh đã nhanh chóng đưa VNG tiến sâu vào mô hình được gọi là “dịch vụ internet tổng hợp dành cho cá nhân” từ năm 2009 với các mảng lớn: mạng xã hội (social media), nội dung số như cổng thông tin, nhạc, game (digital content) và thương mại điện tử (e-commerce). Các mảng này phần lớn nằm dưới tên gọi chung là “zing”, như đã trình bày ở trên. Sự ra đời của “zing” và các sản phẩm khác cũng đã đặt Lê Hồng Minh và VNG vào một cuộc chiến mới với các “gã khổng lồ” quốc tế tại Việt Nam.
Cục diện mới của VNG
Với mạng xã hội, thì Facebook hiện sở hữu 27 triệu người dùng tại Việt Nam, thống lĩnh bảng tổng sắp, là đối thủ rất đáng gờm của mạng xã hội “zing me”. Trong khi đầu năm 2010, nghĩa là sau 5 tháng ra mắt, “zing me” tỏ ra lợi thế hơn khi hút được 5 triệu lượt truy cập, cao gấp đôi con số được báo cáo của Facebook tại thời điểm đó, theo thống kê của Google Ad Planner.
Trong khi đó, ở lĩnh vực nội dung số thì VNG lại có ưu thế lớn với những bước đầu khá thành công. Trong lĩnh vực này, nhóm game trực tuyến thì đã được ghi dấu sức mạnh VNG không gì bàn cãi. Bên cạnh đó, cổng nhạc “mp3 zing” cũng tạo độ cuốn hút khá lớn, với số lượng người dùng thuộc “top 3” thị trường. Cổng thông tin điện tử “zing news” cũng nằm trong “top 5” báo mạng có mức doanh thu quảng cáo hàng năm cao nhất hiện nay.
Tuy vậy, một lĩnh vực tưởng chừng như “ngon ăn” là thương mại điện tử lại trở thành bài toán khó của VNG. Chúng ta dễ bị thuyết phục rằng thương mại điện tử, bao gồm các mô hình B2C, C2C, mua theo nhóm, đặt vé/phòng sẽ có khoảng 5 triệu người dùng hàng tháng tại Việt Nam, nhưng trên thực tế, có quá ít nhà đầu tư đưa ra được lời giải hiệu quả cho bài toán này. Bản thân VNG cũng đã “thử lửa” với 123mua, “zing deal” và 123.vn nhưng tất cả đều phải “rút quân”. Họ tuyên bố đóng cửa “zing deal” với thị phần chỉ chiếm xấp xỉ 1%. Sau “zing deal”, hàng loạt mô hình “mua theo nhóm” khác cũng dần rơi rụng do cạnh tranh gay gắt. Rồi thì 123mua cũng được bán lại cho trang sendo.vn của FPT. Lúc này, VNG còn trang 123.vn dù vẫn còn dưới dạng mô hình thương mại điện tử nhưng đang đóng cửa… tạm thời.
Với những nỗ lực của tập thể VNG cho những đứa con mang tên “zing”, nguồn thu từ chúng vẫn chỉ là một con số khiêm tốn: chiếm 5% tổng doanh thu của VNG qua nhiều năm. Con số này vừa cho thấy dư địa phát triển của VNG trong các mặt bằng sản phẩm, vừa cho thấy thách thức phải thay đổi tỉ lệ doanh thu giữa mảng game trực tuyến và các lĩnh vực khác trong tổng doanh thu của VNG.
Sau những đứa con mang tên “zing”, Lê Hồng Minh cũng nhạy bén đưa VNG đón đầu trào lưu “mobi-first” (tạm dịch là “ưu ái cho di động”) với sự ra đời của Zalo. Nhưng cũng như lĩnh vực thương mại điện tử với mô hình “mua theo nhóm”, Zalo lại rơi vào vòng cạnh tranh lớn khi phải đương đầu với các ứng dụng tương tự như WeChat (Trung Quốc), LINE (Nhật), Kakao Talk (Hàn Quốc), Viber (Nhật)…, vốn là những ứng dụng được người dùng Việt Nam cài đặt và sử dụng rất nhiều.
Chính Lê Hồng Minh cũng bày tỏ quan ngại: “Zalo từng bị đặt trong một tình thế vô cùng mong manh khi tất cả các đối thủ mạnh nhất, giỏi nhất, giàu nhất đang dồn sức cho một cuộc chiến mà nơi đó kẻ chiến thắng sẽ ăn hết. Vì thế, năm 2013, VNG sẽ tập trung toàn lực để giành lấy một cơ hội thành công, dù không cao”.
VNG vì thế đã chi rất mạnh tay cho các chiến dịch truyền thông tiêu tốn hàng tỉ đồng. Theo dự tính của họ, Zalo sẽ có doanh thu từ quảng cáo, hình nền, nhạc chờ khi ứng dụng này đạt mục tiêu 5 triệu người dùng. Ngày 31.7 vừa qua, VNG công bố thông tin Zalo đã đạt cột mốc lịch sử với 15 triệu người dùng. Nhưng theo ông Nguyễn Hải Triều, Tổng Giám đốc Younet Media, một chuyên gia trong ngành thì “VNG còn phải nuôi đứa con này thêm ít nhất 2-3 năm với tiền tỉ thì mới mong có thể hái quả!”.
Một thập kỷ tới
Khi được hỏi 10 năm tới VNG sẽ thế nào thì Lê Hồng Minh không đi ngay vào vấn đề, mà vẽ ra một bức tranh theo cách của anh về 4 lĩnh vực như sau:
Đối với lĩnh vực “tìm kiếm” (search), kỷ nguyên mobile sẽ mở ra những trải nghiệm hoàn toàn mới mà những thử nghiệm ban đầu như Google Now (Google), Siri (Apple), Cortana (Microsoft) đã “gợi ý”. Có thể vào năm 2024, điện thoại di động sẽ trở thành công cụ tìm kiếm chính, tốc độ và chất lượng của những thông tin mà mỗi cá nhân cần sẽ cao hơn 10-100 lần so với hiện nay. Thông qua điện thoại di động, “search” có thể được “nhúng” vào mọi chỗ, mọi nơi.
Với “mạng xã hội”, Lê Hồng Minh cho rằng, Facebook sẽ tiếp tục “gây nghiện” cho hơn 50% dân số Việt Nam với ứng dụng di động trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, một khả năng lớn xảy ra là Facebook có thể “biến mất” vào năm 2024. “Lúc đó, chúng ta sẽ chia sẻ cuộc sống và trải nghiệm của mình với những người quan trọng xung quanh một cách tự nhiên hơn so với việc phải đăng ảnh hay gõ vào bàn phím, thông qua việc đàm thoại chẳng hạn”, anh nói.
Về lĩnh vực “nội dung số” thì tin tức, sách vở, âm nhạc, video, game sẽ tiếp tục phát triển và digital sẽ là hình thức chủ đạo cho việc tìm kiếm và tiếp nhận nội dung của đa số người dùng.
Trong khi đó, với thương mại điện tử, Lê Hồng Minh lý giải hơn 30% người Việt Nam sẽ mua sắm qua mạng trong 10 năm tới, trong đó “mobile” chiếm tỉ lệ rất lớn (trên 70%). Thậm chí, theo anh, lúc đó, người tiêu dùng sẽ mua hàng trực tiếp từ nhà sản xuất. Đây sẽ là một thị trường cạnh tranh nhất, với rất nhiều “đại gia” Việt Nam và thế giới tham gia.
Minh kết luận: “Theo ước tính của tôi, nếu năm 2014, số người Việt Nam sử dụng internet là 36 triệu (chiếm 40% dân số) với khoảng 20 triệu sử dụng internet trên các thiết bị di động thì đến năm 2024, sẽ có 70 triệu người Việt Nam sử dụng internet chủ yếu qua các thiết bị di động. Trong vòng 10 năm tới, độ lớn của ngành internet sẽ vào khoảng 17 tỉ USD, chiếm 5,67% GDP Việt Nam”.
Tương lai 10 năm tới sẽ thú vị với vô vàn cơ hội cho VNG và các doanh nghiệp khác trong ngành. Tuy nhiên, Minh chỉ chia sẻ: “Chiến lược của VNG chắc chắn sẽ được xây dựng dựa trên những thông tin kể trên, nhưng xin phép cho tôi được giữ kín nội dung này, trong thời điểm này”.