Trung Nguyên lấn sân thương mại điện tử

0
1213

Những ngày cuối tháng 5, Trung Nguyên bất ngờ nhảy vào thương mại điện tử và cho ra mắt siêu thị trực tuyến cafe.net.vn kinh doanh tất cả các sản phẩm liên quan đến ngành nghề café. Tuy không mới (Starbucks cũng đang vận hành một mô hình tương tự) nhưng bước đi này của Trung Nguyên có thể xem là tiên phong. Trước Trung Nguyên, chưa có doanh nghiệp bán lẻ nào của Việt Nam nào chủ động tích hợp kênh phân phối trực tuyến với đầy đủ chức năng của một website thương mại điện tử thực thụ.

Giống như mô hình thương mại điện tử của Starbucks, siêu thị trực tuyến café của Trung Nguyên kinh doanh đầy đủ các trang thiết bị và nguyên liệu theo chuẩn của ngành nghề, hướng đến khách hàng là cộng đồng muốn khởi nghiệp với café cũng như gia đình có nhu cầu thưởng thức cà phê tại nhà.

“Trung Nguyên đã có sẵn lợi thế hệ thống phân phối tại thị trường Việt Nam với hàng trăm ngàn điểm bán lẻ, hệ thống cửa hàng và những nền tảng khác về hạ tầng để tạo nên lợi thế phát triển thương mại điện tử một cách vững chắc. Ngành cà phê mặc dù có những giai đoạn thăng trầm nhưng xu hướng phát triển tốt trong dài hạn là chắc chắn. Việc Trung Nguyên gia tăng thêm kênh phân phối trực tuyến là phù hợp với tốc độ tăng trưởng thị trường”, ông Nguyễn Nguyên, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển Kinh doanh của Trung Nguyên, nhận định.

Thực tế, thương mại điện tử mới chỉ là một trong số những mặt trận mà Trung Nguyên đang chuẩn bị tấn công. Cuối năm ngoái, vị Chủ tịch đế chế cà phê Trung Nguyên quyết định nhịn ăn và ngồi thiền trong 49 ngày cùng một nhóm gần chục người tại trang trại của mình ở huyện M’drak, Đắc Lắc. Không lâu sau đó, tập đoàn của ông bất ngờ công bố chuỗi nhượng quyền mới toanh mang tên Brain Station Coffee, rồi lại nhảy vào thương mại điện tử. Đây có phải là kết quả từ những chiêm nghiệm của người đứng đầu Trung Nguyên hay không thì còn phải xem xét, nhưng có một điều dễ nhận ra rằng tập đoàn này đang quyết đối đầu với đối thủ ở nhiều mặt trận khác nhau bắt đầu từ năm nay.

Đầu tiên là Brain Station Coffee. Theo thông tin từ Trung Nguyên, chuỗi Brain Station Coffee là mô hình nhượng quyền mang phong cách nhanh gọn và tiện lợi (take-away), và nằm ở phân khúc trung bình đang phát triển nhanh tại Việt Nam. Có thể kể ra ngay một số cái tên khá nổi bật trong cùng phân khúc như Passio, Urban Station hay Start-Up Coffee. Trong đó, nổi bật hơn cả có lẽ là chuỗi Passio do ông Đoàn Đình Hoàng, một cựu binh ở Trung Nguyên, sáng lập từ năm 2006.

Hiện tại, chuỗi Passio đã mở rộng lên đến 16 cửa hàng tại TP.HCM và Hà Nội. Theo ông Hoàng, hệ thống nhượng quyền này đang kinh doanh khá ổn với doanh thu của chuỗi cửa hàng tại TP.HCM khoảng 200-300 triệu đồng/tháng. Chuỗi ở Hà Nội thậm chí còn khả quan hơn với mức doanh thu hàng tháng đạt gấp đôi TP.HCM. Hoạt động theo mô hình người mua nhượng quyền bỏ vốn còn Passio trực tiếp điều hàng, đại diện Công ty cho biết chưa có trường hợp nào đổ vỡ sau 8 năm phát triển.

Và Trung Nguyên cũng mất ngần ấy thời gian để cho ra mắt Brain Station Coffee như một câu trả lời ở phân khúc trung bình. Cần phải nhắc lại, giai đoạn 2011-2012, Trung Nguyên đã đầu tư hàng triệu USD để nâng cấp chuỗi 60 cửa hàng cà phê trên cả nước với định vị cao cấp, bao gồm làm mới thương hiệu, nâng cao dịch vụ, huấn luyện và thay đổi cách phục vụ của nhân viên nhằm chuẩn bị trước sự thâm nhập của người khổng lồ Starbucks.

Siêu thị trực tuyến café của Trung Nguyên kinh doanh đầy đủ các trang thiết bị và nguyên liệu theo chuẩn của ngành nghề, hướng đến khách hàng là cộng đồng muốn khởi nghiệp với café cũng như gia đình có nhu cầu thưởng thức cà phê tại nhà.

Tuy chậm chân hơn đối thủ, nhưng Brain Station Coffee của Trung Nguyên vẫn có thế mạnh của riêng mình. Nếu như chi phí xây dựng một cửa hàng cùng cấp là 800-1 tỉ đồng, thì mức đầu tư khởi điểm cho một chi nhánh nhượng quyền Brain Station Coffee chỉ từ 250-350 triệu đồng. Cộng với tên tuổi đã được biết đến rộng rãi của Trung Nguyên, Brain Station Coffee hoàn toàn có thể được mở rộng một cách nhanh chóng. Ngoài ra, việc chọn thị trường Hà Nội để khởi đầu cũng là cách để chuỗi cà phê take-away của Trung Nguyên có thể tránh đối đầu trực diện với nhiều đối thủ dù đi trước nhưng vẫn tập trung chủ yếu ở TP.HCM.

“Trung Nguyên xác định sân chơi của Brain Station Coffee là thị trường toàn cầu. Hiện tại, chúng tôi đang trong giai đoạn đóng gói mô hình để phát triển nhanh tại Việt Nam và tập trung phủ sóng tại TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nha Trang cũng như tất cả các tỉnh thành khác trên cả nước. Bước tiếp theo, Brain Station Coffee sẽ nhượng quyền ra khối ASEAN+1, tạo bước đệm chinh phục Mỹ và các quốc gia phát triển”, ông Nguyễn Nguyên, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển Kinh doanh của Trung Nguyên, cho biết.

Nếu như ở cuộc chiến chuỗi cà phê trung cấp, Trung Nguyên dù khởi đầu chậm nhưng vẫn có những lợi thế để mở rộng nhượng quyền nhanh chóng, thì họ lại đang gặp cạnh tranh khó chịu ở mặt trận chuỗi cà phê cao cấp. Cụ thể, kết quả nghiên cứu do Công ty tư vấn Thương hiệu Richard Moore Associates thực hiện tại Việt Nam trong năm 2013 cho thấy chuỗi cà phê Highlands chính là thương hiệu cao cấp dẫn đầu đối với khách hàng là giới doanh nhân với tỉ lệ nhìn nhận 100%. Chuỗi cà phê Trung Nguyên đứng thứ hai với chỉ 66,67% tỉ lệ nhìn nhận.

Thực tế, không lâu sau thời điểm Trung Nguyên đầu tư nâng cấp chuỗi 60 cửa hàng lên định vị cao cấp nhằm đón đầu Starbucks, chuỗi cà phê Highlands cũng thay đổi hệ thống nhận diện mới để tăng khả năng cạnh tranh ở phân khúc này. Theo đó, toàn bộ chuỗi 62 cửa hàng trong nước và 20 cửa hàng ở nước ngoài của Highlands đã được nâng cấp mạnh mẽ sau khi chuỗi này về tay Tập đoàn Jollibee (Philippines).

Không chỉ có Highlands, người khổng lồ Starbucks cũng đang có những bước tiến khiến cho Trung Nguyên phải dè chừng. Từ những vị trí đắc địa ban đầu, Starbucks Việt Nam đã bắt đầu mở ra ở những mặt bằng nhỏ hơn nhưng đúng với bản chất của họ. Đặt mục tiêu mở rộng đến hàng trăm cửa hàng tại Việt Nam, Starbucks đang trở thành một đối thủ đáng gờm trước định vị cao cấp của chuỗi Trung Nguyên trong thời gian tới.

Chắc chắn vị thế ở thị trường chuỗi cà phê sẽ là điều mà Trung Nguyên không dễ dàng đánh mất. Với việc tung ra chuỗi nhượng quyền Brain Station Coffee và nâng cấp hệ thống cửa hàng cà phê Trung Nguyên, rõ ràng thị trường này vẫn nằm trong chiến lược đầu tư chủ đạo của ông Vũ. Quan trọng hơn, chuỗi nhượng quyền take-away Brain Station Coffee vốn được định hướng để mở rộng ở thị trường ASEAN+1 (Trung Quốc) sẽ cho phép Trung Nguyên đẩy mạnh doanh thu từ thị trường đông dân nhất thế giới này.

“Chúng tôi đã định hướng Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính. Mục tiêu Trung Nguyên là từ năm 2014 sẽ lấy của mỗi người Trung Quốc 1 USD mỗi năm”, ông chủ Trung Nguyên tuyên bố tại một sự kiện diễn ra hồi cuối năm ngoái.

Riêng tại Trung Quốc, một thị trường có văn hóa uống trà, cà phê hòa tan G7 của Trung Nguyên đã thâm nhập thành công ở đây. Ông Vũ từng cho biết doanh số tại Trung Quốc từ năm 2011 đã đạt mức 50 triệu USD trên tổng doanh thu 151 triệu USD của Trung Nguyên. Đầu năm 2012, Trung Nguyên đã khánh thành nhà máy chế biến cà phê hòa tan thứ hai tại tỉnh Bắc Giang trong kế hoạch từng bước chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc. Hiện Công ty có hệ thống nhà máy sản xuất cà phê lớn nhất Đông Nam Á với 4 nhà máy khắp Việt Nam. Rõ ràng, đây sẽ là mặt trận chủ chốt trong kế hoạch phát triển dài hạn của ông chủ Trung Nguyên.

Rate this post

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here