Nội Dung Chính
Lượng du khách quốc tế đến Thái Lan đã lên mức kỷ lục 30 triệu lượt khách vào năm ngoái, bất chấp những bất ổn chính trị và thảm họa thiên nhiên diễn ra trên đất Thái trong nhiều năm trở lại đây.
Dù ngành du lịch hiện vẫn tăng trưởng tốt, nhưng cũng đã xuất hiện những hệ lụy mà giới quản lý du lịch Thái Lan cảm thấy cần phải thay đổi, gần đây nhất là tuyên bố làm sạch hình ảnh du lịch “lạc thú” cùng hiện tượng “tour 0 đồng” đến từ Trung Quốc.
Thái Lan thay đổi hình ảnh
Người Việt Nam biết đến Thái Lan phần nhiều là một địa chỉ tìm kiếm lạc thú. Dù vậy, Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT), đơn vị phụ trách quảng bá cho ngành du lịch Thái Lan, tuyên bố chưa bao giờ lấy hình ảnh “lạc thú” để quảng bá, thay vào đó là văn hóa truyền thống và những người Thái truyền thống với nụ cười trên môi. “Doanh nghiệp muốn tạo hình ảnh và lợi nhuận nhiều hơn thì mới làm như vậy”, bà Napasorn Kakai, Giám đốc Văn phòng đại diện TAT tại Việt Nam, nói.
Năm 2016 tiếp tục là năm mà Thái Lan mạnh tay hơn trong nỗ lực làm sạch hình ảnh du lịch của đất nước. “Công nghiệp tình dục cần phải được xóa bỏ. Du khách không đến Thái Lan để mua vui. Họ đến đây vì một nền văn hóa tươi đẹp”, bà Kobkarn Wattanavrangkul, Bộ trưởng Bộ Du lịch Thái Lan, từng chia sẻ. Thông điệp này thêm một lần nữa được nhấn mạnh vào giữa năm nay. Tất nhiên, nỗ lực gỡ bỏ hình ảnh du lịch “lạc thú” sẽ phải tốn nhiều thời gian.
Một mục tiêu quan trọng khác của giới quản lý du lịch Thái Lan trong năm nay là xử lý tình trạng tour 0 đồng đến từ Trung Quốc. Khách du lịch Trung Quốc có vẻ như không được lòng cư dân bản địa về mặt xã hội, nhưng cách làm du lịch của các công ty lữ hành mới là điều đáng nói.
Đó là lý do gần đây Chính phủ Thái Lan đã mở chiến dịch truy quét những sai phạm trong quản lý và vận hành tour du lịch, mà đỉnh điểm là bắt tỉ phú người Thái kiếm tiền từ mô hình kinh doanh tour 0 đồng từ Trung Quốc lớn nhất ở nước này hồi tháng 9. Theo đó, Công ty OA Transport của vị tỉ phú này cung cấp xe vận chuyển, khách sạn và những bữa ăn miễn phí cho khách du lịch. Du khách dĩ nhiên hào hứng tham gia, để rồi sau đó bị ép buộc phải tham quan những điểm mua sắm với giá bán “trên trời”. Mức giá này hẳn để bù đắp cho những khoản mà họ được cung cấp miễn phí. Các cửa hàng này thậm chí còn lấy tên “Hoàng gia”, dễ gây nhầm lẫn cho du khách.
Từ đầu năm đến nay, có đến 27% lượng khách nước ngoài là Trung Quốc, trong đó khoảng 20% đi theo tour 0 đồng. Thái Lan dự kiến doanh thu có thể thiệt hại khoảng 127 triệu USD vì lượng khách Trung Quốc giảm sau đợt truy quét vừa qua.
Sau đợt truy quét của Chính phủ Thái Lan, không loại trừ khả năng nhóm khách đi theo tour 0 đồng từ Trung Quốc bắt đầu chuyển hướng sang Việt Nam.
Bài học cho Việt Nam
Ngành du lịch Thái chuyển mình đã có những ảnh hưởng trực tiếp lên thị trường Việt Nam. Theo khảo sát của TAT văn phòng TP.HCM, giá tour đi Thái Lan bình quân tăng 50 USD/người sau đợt truy quét hồi tháng 9 vừa qua. Một điều nữa là sau đợt truy quét của Chính phủ Thái Lan, cũng không loại trừ khả năng nhóm khách đi theo tour 0 đồng từ Trung Quốc bắt đầu chuyển hướng sang Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, trong 9 tháng đầu năm nay, số lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam là 1,98 triệu lượt khách (chiếm gần 15,6% so với tổng lượt khách quốc tế), tăng 57,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, nói về khía cạnh quản lý du lịch, những trục trặc mà Việt Nam đang gặp phải đều giống Thái Lan hiện nay. Dù vậy, sự quản lý ngành du lịch ở Việt Nam vẫn chưa có chiến lược chung nhất quán và rõ ràng. Ở Đồ Sơn, chính quyền cho rằng không có mại dâm, cũng như chưa có “động tĩnh” cho thấy các tour 0 đồng Trung Quốc đã hiện diện ở Việt Nam.
Thái Lan cũng đang cố gắng siết chặt lại các tiêu chuẩn về giá tour với các công ty lữ hành, vốn là nhân tố đem lại đến 70% lượng du khách đến Thái Lan mỗi năm. Theo đó, cơ quan Thái Lan cũng đã nâng tiêu chuẩn giới hạn giá tour lên thành 1.000 baht/ngày để đảm bảo những nhu cầu tối thiểu của du khách.
“Mục tiêu của TAT là nâng cao chất lượng tour với mức giá hợp lý”, bà Napasorn nói. Khảo sát của TAT với các công ty lữ hành hàng đầu ở Việt Nam cũng cho biết, dù mặt bằng giá tour Thái Lan tăng lên nhưng một số công ty đang tỏ ra hài lòng.
Mỗi năm có khoảng 750.000 lượt khách Việt Nam du lịch đến Thái Lan, vẫn thấp hơn so với nhiều du khách mang quốc tịch khác. Tuy nhiên, tiềm năng trong tương lai là rất lớn khi ước có khoảng 55 triệu lượt khách du lịch nội địa. TAT kỳ vọng một phần nhỏ trong số này chuyển sang khám phá một đất nước gần gũi bên cạnh là Thái Lan. Hồi tháng 7 vừa qua, chuyến bay thử của Vietjet Air đã đưa 900 hành khách bay thẳng từ TP.HCM sang Phuket, thay vì quá cảnh tại Bangkok như trước đây. Dự kiến đường bay chính thức mở vào đầu năm sau sẽ là cú hích mới với doanh nghiệp lữ hành, tạo điều kiện khai phá vùng đất du lịch Phuket.
Trong khi đó, các công ty lữ hành Việt Nam thường cạnh tranh nhau về mức giá. Tour truyền thống của Việt Nam trong nhiều năm qua vẫn chỉ là Bangkok – Pattaya. Hiện tour này có giá khoảng gần 5 triệu đồng/người (khoảng 5 ngày 4 đêm); nếu bao gồm cả chi phí vé máy bay, ăn uống đi lại thì mức giá đó là bất thường, theo bà Napasorn.
Bài học của Thái Lan với công cụ quảng bá du lịch là TAT cho thấy, giới quản lý ngành du lịch của nước này tập trung nâng cao nhận thức cho người dân và chính quyền sở tại biết được những lợi ích của du lịch, đặc biệt là với thế hệ mới, ngay từ khi còn nhỏ. Đó là bước đi đầu tiên, sau đó mới tập trung vào việc phát triển nguồn nhân lực và cuối cùng là quảng bá thương hiệu cho mình.
Sau khoảng 56 năm kể từ khi thành lập, TAT đã đạt được một số thành tựu, song song đó là những bài học kinh nghiệm khi làm du lịch. “Du khách đến nhiều cũng xuất hiện vấn đề ô nhiễm. Trong khi chính phủ chưa kịp giải quyết, người dân sẽ ra sức. Du lịch mang lại lợi ích cho người dân thì họ cũng nên bảo vệ môi trường để tiếp tục làm du lịch”, bà Napasorn kết luận.