Việt Nam bước vào giai đoạn “vàng” phát triển thương mại điện, song vẫn phải giải quyết những bài toán cũ như thanh toán bằng tiền mặt, thiếu hệ thống vận tải, kho bãi đạt chuẩn…
Tốc độ phát triển Internet nhanh chóng của Việt Nam thời gian qua luôn nhận được nhiều khen ngợi từ các tổ chức quốc tế. Wall Street Journal gần đây nhận định thế giới cần học hỏi Việt Nam trong việc đưa hàng triệu người vào kỷ nguyên số hóa. Trong khi đó, tờ báo Anh – The Loadstar đánh giá bùng nổ thương mại điện tử tại Việt Nam cũng như các nước châu Á đang tạo ra cơ hội phát triển cho nhiều ngành nghề khác, chẳng hạn như vận tải, giao nhận…
Trong khi đó, cơ quan quản lý trong nước cho biết tốc độ phổ cập Internet tại Việt Nam đang ở mức 44%, và chi tiêu qua kênh thương mại điện tử đạt mức 3 tỷ USD năm ngoái, tương đương với 2,12% tổng thu nhập từ kênh bán lẻ. Sóng 3G phủ gần khắp toàn quốc và cước thuộc diện rẻ nhất thế giới giúp khoảng 60% người Việt có thể mua hàng trực tuyến qua di động, theo Nielsen. Con số này cao hơn mức trung bình 44% trên thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này cũng mang lại nhiều thách thức cho Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Fabian Wandt, Giám đốc bộ phận Hệ thống phân phối và hoạt động thị trường Lazada Vietnam nhìn nhận: “Xét trên phương diện thanh toán, tỷ lệ sử dụng tiền mặt vẫn còn rất cao, do niềm tin vào thanh toán điện tử và chất lượng sản phẩm còn ở mức thấp”. Cùng nhận định trên, hãng Nielsen thống kê có tới 61% những giao dịch thương mại điện tử được thanh toán bằng tiền mặt. Lý do được đưa ra là lo ngại về an toàn thanh toán, không có thẻ tín dụng và mong muốn không phải chi trả chi phí giao dịch phát sinh.
Các chuyên gia cho rằng thói quen thanh toán bằng tiền mặt thay vì trả bằng thẻ sẽ là nhân tố kìm hãm tốc độ tăng trưởng. Điều này cộng với sự thiếu hụt những hãng cung cấp dịch vụ vận tải có mạng lưới hoạt động rộng sẽ mang đến nhiều thách thức trong quá trình giao – nhận hàng.
“Chúng tôi đang thiếu những nhà cung cấp dịch vụ vận tải lớn có khả năng hoạt động khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin thiếu hụt cũng tạo ra những bất lợi rõ ràng”, ông Fabian Wandt cũng nói thêm. Ngoài ra, số lượng kho bãi chất lượng cao nằm gần trung tâm các đô thị cũng là thách thức lớn với những công ty như Lazada.
Về hiệu quả chuỗi cung ứng, các chuyên gia cho rằng việc tập trung vào thay đổi thói quen về mặt văn hóa và đào tạo nguồn nhân lực cũng quan trọng tương đương với việc thúc đẩy công nghệ mới. “Công nghệ mới đơn thuần sẽ không thể giải quyết được những thử thách hiện tại, chúng tôi cần tập trung vào các vấn đề về văn hóa và giáo dục”, đại diện một nhà phân phối nước ngoài nhận xét.
Thiếu hụt lao động kỹ năng cao là một hiện tượng dễ thấy trong ngành cung ứng và đặc biệt tại các thị trường mới nổi. Tại Việt Nam, rất khó để tuyển lao động đáp ứng được đầy đủ tiêu chuẩn đề ra. “Thị trường thương mại điện tử đang tăng trưởng từng ngày với nhiều khách hàng mới. Những người chơi mới sẽ sớm gia nhập thị trường, góp phần thúc đẩy hệ thống logistics và tạo ra những phương pháp giải quyết hiệu quả hơn. Tốc độ tăng trưởng sẽ còn ấn tượng hơn nữa”, Fabian Wandt nhận xét.